Nữ bác sĩ Việt Nam được thế giới vinh danh

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/3/2010 | 9:21:26 AM

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (24.3) năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vinh danh ba người phụ nữ đã có nhiều đóng góp trong việc ngăn cản bệnh lao lây lan trong cộng đồng. Một trong số đó là nữ bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan của Việt Nam.

 

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan hiện là Trưởng khoa Vi sinh của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Chị là nữ bác sĩ Việt Nam đầu tiên được WHO vinh danh trong lĩnh vực phòng chống lao.


Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan trên poster của WHO

Trong những ngày tháng ba này, hình ảnh của bác sĩ Ngọc Lan cùng hai người phụ nữ khác: cô Anne Lenaerts, Giáo sư trường ĐH Bang Colorado (Mỹ), chuyên viên trong lĩnh vực thuốc phòng chống bệnh lao; và cô Patience Oduor, chuyên gia nghiên cứu vaccine của Kenya, được đăng tải rộng rãi trên trang web của WHO, Tổ chức phòng chống lao quốc tế và các tổ chức y khoa, chăm sóc cộng đồng trên toàn thế giới.

"Hương ngọc lan"

Ấn tượng đầu tiên khi tôi "gõ cửa" nhà bác sĩ Ngọc Lan là hình ảnh một giàn hoa lan lẫn cây hoa ngọc lan được trồng trước hiên nhà. Tên của chị là Ngọc Lan và dường như chị cũng "thích mình sống như loài hoa ấy, ẩn mình trong vòm lá và chỉ để người ta nhận ra nó nhờ hương thơm".

Có lẽ chính lối sống nội tâm ấy đã đưa đẩy chị đến với một công việc thầm lặng trong y khoa - xét nghiệm. Tuy thầm lặng nhưng công việc của chị và các đồng nghiệp đã, đang và sẽ giúp cho hàng trăm ngàn bệnh nhân lao có cơ hội được phát hiện và chữa trị sớm.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan tốt nghiệp Đại học Y khoa ở Liên Xô (cũ). Sau đó, chị về nước làm việc tại Viện Pasteur, TP.HCM.

Cô bác sĩ trẻ ngày ấy đến nay vẫn ấp ủ trong mình những hoài bão và nhiều trăn trở: "Tôi suy nghĩ về những vấn đề khó khăn mà đất nước phải đối mặt trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Một trong số đó là bệnh lao. Chúng ta còn thiếu những chuyên gia y tế hoạt động trong lĩnh vực này".

Thế là với những kiến thức dịch tễ cùng với khả năng nghiên cứu vi sinh của mình, từ năm 1990, bác sĩ Ngọc Lan chuyển về công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), một trung tâm đầu ngành về phòng chống lao ở miền Nam.

Từ một phòng xét nghiệm nhỏ, chị đã cùng các đồng nghiệp xây dựng thành một trung tâm đa chức năng bao gồm: xét nghiệm - nghiên cứu - giảng dạy, được nhiều tổ chức quốc tế biết đến. Cũng như tạo nên một mạng lưới các phòng xét nghiệm lao cho toàn miền Nam đến tận các tuyến quận, huyện.

Chị cũng đã có hơn 50 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, nghiên cứu về công tác phòng chống lao, về sự phát triển của các phương pháp mới trong việc chẩn đoán căn bệnh này.

Từ năm 2006, bác sĩ Ngọc Lan tham gia vào các dự án nghiên cứu của Tổ chức sinh phẩm chẩn đoán mới (Foundation for Innovative Diagnostics - FIND) về các phương pháp xét nghiệm, sinh phẩm mới chẩn đoán bệnh lao, kể cả bệnh lao (đa) kháng  thuốc.

Có nhiều công ty đưa ra những phương pháp, sinh phẩm mới để xét nghiệm bệnh lao. Nhưng để áp dụng được trong chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng ta, thì phòng thí nghiệm phải kiểm tra, đánh giá lại và có những đề xuất điều chỉnh, phát triển phương pháp mới cho phù hợp rồi mới đưa vào ứng dụng. Đó là công việc của chị.

Với những nỗ lực trong công việc, tháng 8.2009 vừa qua, Việt Nam đã ứng dụng phương pháp xét nghiệm mới chẩn đoán bệnh lao đa kháng thuốc trong việc khám và điều trị lao. Phương pháp này cho kết quả xét nghiệm chỉ sau 1 - 2 ngày, thay vì phải chờ 4 - 5 tháng như phương pháp cũ.

"Việc chẩn đoán nhanh giúp bệnh nhân sớm được đưa vào điều trị và cắt dứt nguồn lây. Đó là hai yếu tố quan trọng nhất trong điều trị và phòng dịch", bác sĩ Ngọc Lan nói về ưu điểm của phương pháp mới.

Đó cũng là một trong các cống hiến khiến người phụ nữ này được y khoa thế giới vinh danh.

Với bác sĩ Ngọc Lan, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất

Phía sau người phụ nữ thành công

Người ta vẫn thường nói, "phía sau người đàn ông thành công có bóng dáng của một người phụ nữ", tôi hỏi chị: "vậy phía sau người phụ nữ thành công là gì?".

"Trong cuộc đời tôi, có một người đàn ông ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến tôi, đó là ba tôi. Ông cũng là một giáo sư y khoa. Chính ông đã nuôi dưỡng giấc mơ, khát vọng nghề nghiệp của tôi trong ngành y ngay từ thuở nhỏ", chị Ngọc Lan tâm sự.

"Gia đình là chỗ dựa lớn nhất", câu nói đơn giản nhưng với chị là cả một sự chiêm nghiệm. "Phụ nữ thường hay suy nghĩ và đa cảm hơn nam giới. Chính vì thế, họ cần một điểm tựa bền vững. Đó là gia đình. Và với tôi, tất nhiên còn có cả những đồng nghiệp. Không ai nghiên cứu một mình cả".

"Có những lúc trong công việc, trên những chuyến bay công tác, nước mắt tôi đã trào rơi. Chạnh lòng vì thấy công việc của mình sao cực quá, áp lực quá", chị tâm sự. Thế nhưng, chính hình ảnh gia đình ổn định, tiếng cười hồn nhiên của con trẻ đã lau khô nước mắt cho chị. Cảm giác được về nhà, sà vào hơi ấm của những người yêu thương đã xóa hết những ưu tư, mệt mỏi. Đó là giây phút chị thảnh thơi nhất.

Phía sau người phụ nữ thành công đó còn có một cây đàn piano cho 30 phút thư giãn mỗi tối sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đó là khi những ngón tay nhỏ bé không phải tỉ mỉ với đủ loại mẫu vật, sinh phẩm trong phòng thí nghiệm hay kỳ cạch gõ máy vi tính với hàng loạt đề tài nghiên cứu, mà lướt nhẹ trên từng phím đàn để những giai điệu hòa vào cảm xúc, lan tỏa trong mái ấm ngát hương hoa.

(Theo TNO)

Các tin khác

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do không khí lạnh tăng cường thêm một đợt mới, nên đêm qua (8-3) và hôm nay (9-3), miền Bắc sẽ trở rét đậm, ở nhiều nơi thuộc Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ có mưa phùn hoặc mưa rào.

Doanh nhân nữ tặng nhà

YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2009, doanh nghiệp mà các nữ doanh nhân ở Yên Bái làm chủ đã thu hút 3.153 lao động, doanh thu đạt 2.414 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 15 tỷ đồng.

Phòng khám nội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có ngày khám cho gần 100 bệnh nhân.

YBĐT - Công tác KCB, giám định theo Luật BHYT trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đã từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Luật BHYT, tại các cơ sở KCB và người bệnh còn gặp một số khó khăn.

Hiện trường vụ sạt lở đường dẫn lên cầu. Phía góc phải là cây cầu sắp hoàn thành.

Lúc 5g30 phút sáng nay 6-3, cầu Trà Niền tại trung tâm huyện Phong Điền (Cần Thơ) đang trong giai đoạn thi công gần hoàn chỉnh đã bị sạt toàn bộ đường dẫn lên cầu. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ có mặt tại hiện trường cho biết có hai bà cháu sống trong ngôi nhà cạnh chân cầu đã bị cuốn xuống sông, chết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục