Không có việc làm vì không thích làm việc!
- Cập nhật: Thứ tư, 17/3/2010 | 9:24:58 AM
YBĐT - Theo số liệu thống kê, năm 2009 toàn tỉnh Yên Bái đã tạo ra được 17 nghìn việc làm mới, một kết quả rất đáng khích lệ. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao và yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động luôn cấp thiết.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH Yên Phú, huyện Yên Bình - ảnh minh họa.
(Ảnh: Thu Chung)
|
Trong khi các cấp, các ngành đang nỗ lực thực hiện chương trình quốc gia về lao động và việc làm thì một bộ phận không nhỏ người lao động không chịu làm việc phù hợp với khả năng của chính họ.
Thạc sỹ tâm lý học Phạm Thu Thủy – Trường đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Rất nhiều bạn trẻ không có được tình yêu đối với lao động, không biết rằng lao động đã sản sinh ra con người và cải tạo con người. Thanh niên đang mắc một tính xấu là không chịu làm việc nhưng lại thích hưởng thụ”.
Sau khi đã học xong PTTH không thi được vào trường chuyên nghiệp nào, Nguyễn Hồng Dương ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái kiên quyết không đi lao động để kiếm sống mà nằm chờ cơ hội. “Mọi người bảo đi làm ở xưởng gỗ, xưởng sắt, phụ xây... toàn việc nặng nhọc, lương thấp nên em chịu. Ít ra việc cũng phải nhàn nhàn, lương cũng phải mấy triệu thì mới bõ tiêu”. Bố mẹ Dương thì tặc lưỡi cho qua mọi chuyện khi thấy mình vẫn đủ sức nuôi con: “Có mỗi thằng con, cho nó đi làm việc nặng quá mình cũng xót”. Thế là từ mấy năm nay, Dương nghiễm nhiên gia nhập vào “đội quân” thất nghiệp đang ngày càng đông ở thành phố Yên Bái. Phạm Văn Thành ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái; Bố mẹ cậy cục cho đi học đến 4-5 trường Trung cấp, cao đẳng, thậm chí cho cả sang Trung Quốc học đại học bằng nguồn kinh phí của gia đình, nhưng chỉ học vài tháng hoặc 1 năm Thành lại bỏ học. Đã 6 năm nay Thành ”vô công rỗi nghề”. Con trai độc nhất nên bố mẹ vẫn nuôi… Từ câu chuyện của Nguyễn Hồng Dương, của Phạm Văn Thành cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về vấn đề lao động và việc làm trong tình hình hiện nay.
Nhiều dự án lớn được triển khai thu hút lực lượng công nhân có tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật cao.
Vấn đề lao động và việc làm luôn là mối quan tâm lớn của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Người thất nghiệp, có nghĩa là họ không tham gia trực tiếp vào quá trình làm ra của cải vật chất cho xã hội, trong khi họ vẫn có nhu cầu sinh hoạt, tức tiêu thụ đi một lượng vật chất nhất định của xã hội. Định nghĩa về người thất nghiệp cũng có nhiều cách khác nhau nhưng tựu trung lại là những người đủ tuổi lao động, có sức khoẻ nhưng không tìm được việc làm. Như vậy, người thất nghiệp là người “không tìm được việc làm” chứ không phải những người “không chịu làm việc”.
Đi suốt các tuyến đường từ Yên Bình, qua thành phố Yên Bái lên Cổ Phúc, Mậu A không khó để nhận thấy những tấm biển “Tuyển công nhân”, “Tuyển lao động”, không ít tấm biển còn ghi thêm “Chưa biết sẽ được dạy nghề”, nhưng xem ra việc tuyển người thật không dễ. |
Nguyễn Hồng Dương, Phạm Văn Thành; những thanh niên vừa kể trên là người không có trình độ chuyên môn, thứ duy nhất mà anh có chỉ là sức khoẻ nhưng không muốn làm những việc cơ bắp, cái nghịch lý của Dương rất phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Bên cạnh những bạn trẻ cần cù, chịu khó trong các công xưởng, cơ sở sản xuất hay chủ trang trại thì một bộ phận không nhỏ lao động không qua đào tạo, chưa có tay nghề lại chỉ muốn có việc làm nhẹ nhàng lương cao... Như vậy, điều cốt lõi là nhận thức của con người đối với vấn đề lao động và việc làm. Thạc sỹ tâm lý học Phạm Thu Thuỷ – Trường đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Rất nhiều bạn trẻ không có được tình yêu đối với lao động, không biết rằng lao động đã sản sinh ra con người và cải tạo con người. Thanh niên đang mắc một tính xấu là không chịu làm việc nhưng lại thích hưởng thụ”.
Các doanh nghiệp xây dựng đang rất thiếu đội ngũ công nhân.
Một vấn đề khác nữa là ý thức, tổ chức kỷ luật của người lao động. Thói làm ăn cẩu thả, thích thì đi làm, không thì nghỉ đã khiến nhiều lao động, nhất là thanh niên nông thôn không dám vào các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất bởi nếu có làm thì rất dễ bị các ông chủ đuổi việc. Giám đốc Công ty Thành Đạt (huyện Văn Yên) - ông Nguyễn Bá Thể than vãn: “Có mỗi quy định không được hút thuốc trong Nhà máy Chế biến tinh dầu quế thôi mà cũng khó thực hiện. Nguyên liệu toàn thứ dễ cháy, nội quy, quy định, nhắc nhở, thông báo đủ kiểu mà ngơi ra là công nhân phì phèo thuốc lá ngay”.
Chủ một cơ sở trồng dưa bao tử ở vùng cánh đồng Mường Lò có lần phát hoảng vì hàng chục công nhân tự ý nghỉ việc đi đám cưới người cùng xã đến 3, 4 ngày, trong khi dưa bao tử một ngày phải hái ít nhất 2 lần. Tính tự do ngay với cả những người đi làm giúp việc gia đình, trong khi gia chủ trả lương đầy đủ, 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn, được mua sắm quần áo, được quan tâm đầy đủ. Một chủ nhà thuê người giúp việc cho biết: “Tôi quan tâm, chăm sóc người làm lắm vì họ nuôi dưỡng con mình, họ trông coi nhà cửa...”. Vậy mà không ít người đi làm “Ô-sin” lại hay tự ái vặt, lại hay thiếu trung thực hoặc thi thoảng nghỉ việc không lý do. “ở nhà ruộng vườn, thi thoảng có việc gì thì làm, chết sao được mà sợ. Tội gì phải đi làm thuê, không may vi phạm gì đó, chủ chửi cho là ức không chịu được”.
Chúng tôi đã nghe được câu nói trên từ rất nhiều người lao động ở nông thôn. Cái tư duy “ông chủ, người làm thuê” đã choán mất ý thức hữu ích là mình phải tìm việc làm tự nuôi sống mình, vốn xuất phát từ thói quen tự do, lười biếng. Đó là những người “ăn no rồi lại nằm khoèo” hoặc ngồi xó bếp chịu cảnh túng bấn bụng lép, ví lép, thùng gạo rỗng. Cái lý do “không có việc làm” vì “không chịu làm việc” vì thế cũng góp phần làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp ở cả khu vực nông thôn và thành thị.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Sáng ngày 16/3/2010, Tỉnh Đoàn và Viễn thông (VNPT) Yên Bái đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Tỉnh đoàn và VNPT Yên Bái giai đoạn 2010-2015.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn nhắc nhở 131 trường ĐH, CĐ chưa báo cáo hiện trạng về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường theo đúng quy định.
Theo tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), các đơn vị chức năng tỉnh Điện Biên phát hiện thêm một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 mới ở xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), 300 con vịt bị bệnh tại ổ dịch này đã được đưa đi tiêu hủy kịp thời.
YBĐT - Ngày 15/3/2010, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo định hướng phát triển dạy nghề giai đoạn 2010-2020 đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.