Bạo lực học đường ngày càng gia tăng: “Tiên” không “học lễ” !

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/3/2010 | 8:41:23 AM

YBĐT - Việc phát động và hưởng ứng cuộc thi viết về “5 điều Bác Hồ dạy” cũng là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay.

Các em không nên để bạo lực học đường làm hoen ố hình ảnh trong trắng của tuổi học trò.
Các em không nên để bạo lực học đường làm hoen ố hình ảnh trong trắng của tuổi học trò.

Trong khi dư luận còn đang xôn xao và chưa hết bàng hoàng trước những hình ảnh gây“sốc”qua đoạn phim được tung lên mạng của một nhóm học sinh nữ khi đánh đập dã man một bạn nữ sinh cùng trang lứa ngay tại nơi công cộng thì mấy ngày sau, trên mạng lại phát tán một đoạn phim khác cũng là những hình ảnh bạo lực không kém của một nữ sinh đánh bạn ngay trong trường học và dưới sự cổ vũ “nồng nhiệt” của các học sinh khác.

Tại giáo dục hay “tâm tính tại lòng”?

Các diễn đàn đã bàn luận khá sôi nổi về thực trạng đáng buồn này và kênh truyền hình VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã có buổi truyền hình trực tiếp với chủ đề “Khi nét đẹp học đường bị đánh mất”. Có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm của mỗi cá nhân nhưng nhìn chung vẫn là quan điểm để xảy ra tình trạng trên trước hết là thuộc trách nhiệm của bố mẹ trong việc giáo dục con cái và xây dựng một môi trường sống tốt cho con em mình, sau đó là đến vai trò, trách nhiệm của nhà trường và xã hội. Rất ít quan điểm cho rằng trách nhiệm chính thuộc về các em học sinh, những người là thủ phạm, nạn nhân và khán giả của những hình ảnh bạo lực gây “sốc”. Hãy không bàn luận đến vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội bởi ai cũng đều nhận thấy điều đó mà giờ đây hãy cùng nhìn nhận đến ý thức làm người của các em học sinh, những nhân vật chính trong câu chuyện này.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, trẻ em từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là trẻ vị thành niên, đó là những người đã có năng lực hành vi dân sự nhưng chưa đầy đủ. Tức là các em đã có thể tự mình thực hiện một số các giao dịch dân sự, tự mình thực hiện một số quyền và nghĩa vụ như của một công dân trước pháp luật và xã hội. Nhưng có một thực tế rằng, tư duy của rất nhiều em cùng có chung một quan niệm rằng, mình vẫn là trẻ con thì đương nhiên mình được hưởng tối đa các quyền mà không phải chịu trách nhiệm thực hiện bất cứ nghĩa vụ gì. Thậm chí rất nhiều em khi bị cha mẹ, thầy cô la mắng còn viện dẫn khá chi tiết các quy định của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, các em này nghiễm nhiên coi đó như là một lá bùa chú để phản kháng lại việc giáo dục, dạy dỗ của người lớn. Các em có thể thuộc làu làu các quyền mình được hưởng nhưng các em có lẽ hiếm khi suy nghĩ về nghĩa vụ yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè và chắc hẳn nội dung của “5 điều Bác Hồ dạy” đã hoàn toàn bị xóa sạch trong tư duy của những học sinh này.

Bên cạnh đó, qua truyền hình những bộ phim như “Nhật ký Vàng Anh”, “Bộ tứ 10A8” và hiện nay là bộ phim “Những thiên thần áo trắng” dành riêng cho lứa tuổi học trò lại chỉ xoay quanh những câu chuyện về những học sinh nhà giàu nơi đô thị với những mốt thời trang đẹp đẽ, những căn phòng riêng đẹp như mơ song hành cùng những câu nói thiếu lễ phép và ý thức tôn trọng với ông bà, cha mẹ và ngay với cả bạn bè của mình đã giúp cho các em luôn suy tưởng và mơ ước được sống một cuộc sống như nhân vật trong các bộ phim ấy. Những gương học sinh giỏi, nhà nghèo hiếu học, những gương học sinh vừa học vừa phải bươn chải, lam lũ kiếm sống giúp gia đình, và cuộc sống học trò hồn nhiên, thân thiện ở những miền quê nghèo thì chỉ được phản ánh đóng khuôn trong những chuyên mục của các cơ quan báo chí.

Mà những chuyên mục ấy, rất ít em xem để cảm nhận và sẻ chia. Rồi mỗi khi có em vi phạm kỷ luật bị cha mẹ, thầy, cô xử phạt bằng cách dùng đòn roi, thì không ít người lại nổi xung lên rằng như thế là xúc phạm đến danh dự, sức khỏe của con em mình, các em đang là đối tượng được ưu tiên quan tâm, chăm sóc và bảo vệ hàng đầu.

 Từ đó, rất dễ nảy sinh suy nghĩ ích kỷ, bá chủ trong đầu óc của các em. Nhưng các em có hiểu rằng, đối với những học sinh lớp 10, lớp 12 thì khoảng cách từ một đứa trẻ cho đến một người trưởng thành không phải quá dài. Các em sẽ trở thành những người lớn trong nay mai, nếu các em không tự tu dưỡng và rèn luyện cho mình phẩm chất, đạo đức làm người thì khi trở thành người lớn các em sẽ sống thế nào giữa cộng đồng và xã hội khi trong mình không có một chút ý thức làm người. Các em đừng đổ lỗi hết cho người lớn, đừng oán trách bố mẹ không quan tâm chu đáo mà hãy chịu khó tư duy và biết học chữ “tâm” trong mỗi trái tim con người. “Tiên học lễ, hậu học văn” luôn là tấm biển được treo nơi trang trọng nhất ở bất cứ một mái trường nào nhưng hình như  nhiều học sinh chỉ coi đó là vật trang trí mà chưa hề suy ngẫm về những lời viết trên đó.

Đã từng có câu chuyện về một cô giáo không biết vì lý do nào đó đã bị một nhóm học sinh lớp 7 trong trường sáng tác một bài thơ sỉ nhục, bôi nhọ rồi chuyền tay nhau đọc với những lời lẽ thô tục đến mức người lớn cũng phải rùng mình trước câu chữ mà các em đã dùng để viết về cô giáo của mình. Điều đáng nói là những em học sinh tham gia sáng tác bài thơ này lại là những học sinh học khá của lớp và đều là con em những gia đình tử tế. Nhiều người tự hỏi, các em học sinh này đã học được gì từ truyền thống “tôn sư trọng đạo” bao đời nay của người Việt Nam khi có đủ bản lĩnh để viết những câu chữ “kinh khủng” về cô giáo của mình như thế. Rồi chuyện những bảng nội quy trường học bị các em bóc chữ rồi lắp ghép lại thành những câu từ xuyên tạc, phản cảm không còn là chuyện hiếm. Và giờ đây là tình trạng đánh đập, bôi nhọ bạn bè mình, những người đồng trang lứa với mình đang ngày càng trở nên nhức nhối, đau lòng.

Tham gia các hoạt động tập thể giúp các em học sinh có nhân cách và tâm hồn trong sáng, sự thương yêu với người xung quanh. (Ảnh: Quỳnh Nga)

Học trước hết “5 điều Bác Hồ dạy”

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các em học sinh hiện nay được thực hiện khá thường xuyên trong các nhà trường, nhưng có một điều đáng lưu ý là nội dung tuyên truyền hầu hết mới chỉ tập trung xoay quanh các lĩnh vực như pháp luật về thuế, an toàn giao thông, còn việc tuyên truyền các quy định của pháp luật về các quyền nhân thân, về quyền và nghĩa vụ của con cái với ông bà, cha mẹ, về ý thức trách nhiệm cơ bản của công dân với gia đình, cộng đồng và xã hội mới được thực hiện rất ít.

Đặc biệt, trước thực trạng về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ các học sinh hiện nay, gia đình, nhà trường và xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các em về các quy định của Bộ luật Hình sự phần các tội phạm liên quan đến nhân thân, xâm phạm tính mạng, danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân. Bởi xét ở góc độ pháp lý, hành vi đánh đập và tung lên mạng những hình ảnh bạo lực của học sinh chính là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có thể là tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác hoặc gây rối trật tự công công. Chỉ có điều các em còn đang ở độ tuổi vị thành niên nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không phải các em không có tội và các em vẫn phải chịu trách nhiệm trước gia đình, nhà trường và xã hội về những hành vi mình đã gây ra.

Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các nhà trường từ tiểu học cho đến THPT cần yêu cầu các em học và suy ngẫm đầy đủ về nội dung của “5 điều Bác Hồ dạy” đối với thiếu niên, nhi đồng. “ 5 điều Bác Hồ dạy” dù chỉ có 5 câu văn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ nhưng lại là một bài học làm người vô cùng đầy đủ và quý báu mà Bác Hồ dành tặng cho thiếu nhi, những người đang chập chững học làm người. Học thuộc và hiểu hết “5 điều Bác Hồ dạy” cũng chính là giúp các em thấm nhuần và ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với quê hương, cộng đồng xã hội, gia đình và với chính bản thân.

Vì thế, thiết nghĩ một trong những giải pháp để triển khai học tập “5 điều Bác Hồ dạy” trong các nhà trường, đó là ngành giáo dục có thể phát động những cuộc thi viết, bình luận, bày tỏ những cảm tưởng, suy nghĩ của học sinh về nội dung của “5 điều Bác Hồ dạy”, các em đã vận dụng những lời dạy như thế nào trong thực tiễn học tập và vui chơi, bởi “5 điều Bác Hồ dạy” các em đã được học từ hồi còn học tiểu học, có lẽ không ít em có thể đọc vanh vách cả 5 câu nhưng có lẽ cũng không ít em chưa bao giờ suy ngẫm và thực hành theo những lời dạy của Bác. Việc phát động và hưởng ứng cuộc thi viết về “5 điều Bác Hồ dạy” cũng là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, góp phần trau dồi nhân cách và rèn luyện đạo đức làm người của các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tân Nhân 

Các tin khác
Bên cạnh những bất trắc do thiên nhiên, giờ đây ngư dân ra khơi còn đối mặt với nguy cơ bị nước ngoài bắt giữ.

Trước tình hình nước ngoài bắt giữ tàu cá của Việt Nam (VN) ngày càng gia tăng, hôm qua 30.3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị khẩn cấp bàn về vấn đề này.

Hôm qua, 30-3, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2010. Theo đó, với 118 thí sinh đoạt giải trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia 2010, Hà Nội là địa phương có số học sinh đoạt giải nhiều nhất nước.

Bộ Y tế cho biết, thống kê trong tháng 3, tại 40 tỉnh, thành phố ghi nhận 2.558 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (giảm 508 trường hợp so với tháng 2), nâng tổng số mắc/tử vong từ đầu năm đến nay là 7.370/3 ca. Bệnh viêm gan virút B15-B19 có ở 32 địa phương, với 204 ca mắc.

Hiện mới ghi nhận các loại hộp xốp Trung Quốc dùng đựng hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam có chứa độc chất

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục