Tăng mức bảo trợ xã hội từ ngày 13-4: Chưa hết băn khoăn
- Cập nhật: Thứ ba, 6/4/2010 | 2:10:03 PM
Mức bảo trợ xã hội (BTXH) quá thấp khiến các trung tâm BTXH gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, khiến chất lượng cuộc sống của các đối tượng được bảo trợ không được bảo đảm. Nhiều trung tâm BTXH đã phải "giật gấu vá vai", đi kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm trợ giúp...
Nghị định cũ quá lạc hậu
Trung tâm BTXH 3, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội đang chăm sóc và nuôi dưỡng 80 trẻ mồ côi từ 1 đến 16 tuổi; 85 cụ già cô đơn từ 62 đến 95 tuổi.
Theo quy định, mỗi tháng các cháu nhỏ và người già ở đây được hỗ trợ mức 240.000 đồng/người/tháng. Với mức này, khẩu phần ăn cho mỗi người chỉ có 8.000 đồng/ngày chia đều cho 3 bữa.
Với mỗi bữa ăn không quá 3.000 đồng trong thời buổi này thì chỉ mua nổi mớ rau. Cũng may thỉnh thoảng trung tâm lại nhận được sự tài trợ, giúp đỡ của nhiều tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài nước nên mới tạm ổn định được cuộc sống cho các đối tượng BTXH.
Mức bảo trợ xã hội tăng, chất lượng cuộc sống của các đối tượng được BTXH sẽ được nâng cao hơn. |
Thực trạng ở Trung tâm BTXH 3 cũng là thực trạng chung của rất nhiều trung tâm BTXH, bởi theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH, được thực hiện kể từ ngày 1-1-2007 quy định mức trợ cấp cho các đối tượng BTXH sống tại cộng đồng là từ 120.000 đồng đến 240.000 đồng/người/tháng.
Với tốc độ trượt giá như thời gian qua thì Nghị định 67/2007/NĐ-CP đã trở nên quá lạc hậu. Một số chuyên gia trong ngành lao động, thương binh và xã hội đánh giá, với quy định này, mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho các đối tượng xã hội sống tại cộng đồng chỉ bằng 18% so với tiền lương tối thiểu và cũng bằng khoảng 17% mức sống trung bình của cộng đồng dân cư, nếu so với mức sống tối thiểu (chuẩn nghèo nông thôn) trong giai đoạn hiện nay thì cũng chỉ bằng 32%.
Hầu hết đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là những đối tượng sống trong các gia đình nghèo và với mức trợ cấp như vậy thì khó có thể bảo đảm cuộc sống ở mức tối thiểu.
Tăng mức bảo trợ xã hội
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng BTXH, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH. Theo đó, kể từ ngày 13-4 sẽ mở rộng thêm đối tượng được hưởng BTXH với mức cao hơn khoảng 50% so với quy định cũ tại Nghị định 67/2007/NĐ-CP.
Mức chuẩn để xác định mức BTXH hằng tháng cũng sẽ tăng thêm 50%, từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng (hệ số 1). Cụ thể, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng... từ 18 tháng tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hệ số 1, tương đương 180.000 đồng/tháng (quy định cũ là 120.000đồng); trường hợp trẻ dưới 18 tháng tuổi, từ 18 tháng tuổi trở lên bị tàn tật nặng hoặc bị nhiễm HIV/AIDS thì hưởng trợ cấp hệ số 1,5 tương đương 270.000 đồng/tháng (quy định cũ là 180.000đồng); trường hợp trẻ dưới 18 tháng tuổi bị tàn tật nặng, bị nhiễm HIV/AIDS thì hệ số được hưởng là 2, tương đương 360.000 đồng/tháng (quy định cũ là 240.000 đồng)...
Ngoài được hưởng khoản trợ cấp hằng tháng theo quy định, các đối tượng BTXH còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng thêm các khoản trợ giúp như học văn hóa, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập theo quy định của pháp luật; khi chết được hỗ trợ kinh phí mai táng mức 3.000.000 đồng/người (tăng thêm 1.000.000 đồng so với quy định cũ).
Các đối tượng ở cơ sở BTXH thuộc Nhà nước quản lý ngoài các khoản trợ giúp trên còn được trợ cấp để mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày; trợ cấp để mua thuốc chữa bệnh thông thường; riêng người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 250.000 đồng/người/năm (tăng thêm 100.000 đồng so với trước).
Đôi điều băn khoăn
BTXH là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đồng thời là nền tảng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Đến nay, mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng BTXH đã được điều chỉnh 3 lần trong giai đoạn 1994-2005: từ số tiền 24.000 đồng/tháng, lên 45.000 đồng/tháng và lên 65.000 đồng/tháng.
Năm 2007, mức trợ cấp được tăng lên 120.000 đồng/tháng; và năm 2010, theo Nghị định 13/2010/NĐ-CP mức trợ cấp tăng lên 180.000 đồng/tháng. Sự điều chỉnh của mức trợ cấp xã hội là hết sức cần thiết, nâng cao chất lượng cuộc sống của các đối tượng BTXH.
Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn: với tốc độ lạm phát như thời gian qua, mức trợ cấp xã hội mới có như muối bỏ bể? Còn nhớ năm 2007 khi Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ vừa có hiệu lực, nhiều chuyên gia trong ngành đã đánh giá là quá lạc hậu, không theo được tốc độ trượt giá của thị trường.
Từ đó cho đến nay, cũng phải mất 3 năm các cơ quan chức năng mới cho ra được Nghị định 13/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2007/NĐ-CP. Trong khoảng thời gian chờ đợi nghị định mới, các trung tâm BTXH hết sức lao đao trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống cho các đối tượng bảo trợ.
Việc xác định chế độ trợ cấp xã hội, trợ giúp khác phải tính đến khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, theo mức độ tăng trưởng của nền kinh tế. Chủ trương của nước ta là xã hội hóa công tác BTXH. Đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên xã hội hóa chỉ là phần phụ thêm, bởi lẽ không phải lúc nào địa phương cũng kêu gọi được các "Mạnh thường quân" hỗ trợ.
Vai trò Nhà nước thể hiện ở việc chăm lo phúc lợi xã hội mà trước hết là bảo đảm về cơ bản cuộc sống của người dân. Với điều kiện sống tại thời điểm hiện nay, trợ cấp phải bằng mức chuẩn nghèo mới bảo đảm an toàn cuộc sống!
(Theo HNMO)
Các tin khác
Hôm qua, Công an tỉnh Hà Giang cho biết tại khu vực mỏ vàng thuộc thôn Nà Diềm, xã Linh Hồ, H.Vị Xuyên) đã xảy ra vụ sập hầm làm chết 4 người, 1 người đang hôn mê và một số người còn mắc kẹt dưới lòng đất.
YBĐT - Những ngày đầu năm 2010, đường về các thôn, bản như: bản Lọng, bản Lềnh, bản Phiềng 2, Văn Thi, xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) trở nên yên bình. Nhớ lại Sơn Thịnh 5 đến 7 năm về trước, đây là điểm nóng của huyện về tệ nạn ma tuý, cờ bạc, trộm cắp…
YBĐT - Sau nhiều lần củng cố kiện toàn, đến nay xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã thành lập và duy trì hoạt động của 10 tổ hòa giải tại 10 thôn, bản, với 60 thành viên là những hội viên nòng cốt các tổ chức như: MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Người cao tuổi và Đoàn thanh niên.
Ngày 5.4, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, từ lục địa Trung Quốc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam, dự báo gần sáng và ngày mai 7.4 sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa.