Người tri ân trên đồn Ca Vịnh
- Cập nhật: Thứ tư, 7/4/2010 | 9:10:00 AM
YBĐT - “Năm nay 81 tuổi, hồi đánh đồn Ca Vịnh tôi mới 21 tuổi. Cứ tưởng rằng thời gian sẽ làm phai mờ mọi ký ức, nhưng với tôi thì khác. Càng về già, quá khứ lại hiện về rõ hơn, gần hơn”. Ông Hà Văn Lạc, ở xã Hồng Ca (Trấn Yên) chia sẻ tâm sự về những đồng đội đã anh dũng chiến đấu và hi sinh trong trận đánh đồn Ca Vịnh ngày 1/10/1951 trên đồi Khau Coóc.
Ông Hà Văn Lạc - cùng các cháu thiếu nhi thắp hương 11 liệt sĩ trong trận đánh đồn Ca Vịnh.
|
Đồn Ca Vịnh một thời oanh liệt
Tòng quân năm 1948, khoảng 2 năm sau giặc Pháp kéo quân về xã Hồng Ca lập đồn. Ngoài xây dựng đồn bốt, chúng còn xây dựng một sân bay dã chiến trên cánh đồng trũng. Chúng bắt dân phu, lính dõng xây dựng đồn mới trên đồi Khau Coóc, đặt tên là Ca Vịnh. Gia nhập quân đội, ông Lạc ở Tiểu đoàn 115, đóng quân tại Hạ Hòa, Phú Thọ. Khi tham gia chiến dịch Lý Thường Kiệt, đơn vị ông nhận nhiệm vụ trực tiếp đánh đồn Ca Vịnh. Cùng với quyết tâm chiến thắng, trong người lính trẻ Hà Văn Lạc còn rộn lên tình cảm của người con xa quê sắp trở về.
Đánh đồn Ca Vịnh do các đại đội 501, 502, 503, 505 thực hiện. Theo kế hoạch, Đại đội 501 có nhiệm vụ đánh mũi chính vào đồn, Đại đội 502 sẽ yểm trợ nếu Đại đội 501 chưa công phá được mục tiêu; Đại đội 505 dựa theo địa hình chọc mũi thứ 2 vào đồn. Ông Lạc ở Đại đội 503, đơn vị được giao nhiệm vụ tăng cường cho mũi tiến công nào bị suy yếu.
1 giờ sáng ngày 1/10/1951, phần lớn các đơn vị đều đã tiếp cận mục tiêu. 4 giờ sáng, bộ đội ta nổ súng khai trận. Mũi tiên phong dùng bộc phá phá hàng rào dây thép. Cuộc chiến đấu mới ở giai đoạn đầu đã bộc lộ tính khốc liệt, hỏa lực của ta bắn vào, hỏa lực địch bắn ra. 15 phút sau, quân ta mở được lối vào. Ông thấy Đại đội trưởng kiêm chính trị viên của mình bị thương, đồng chí Vũ Bảo, người Hà Nội hy sinh. Thi hành nhiệm vụ cấp trên đồng nghĩa với việc chấp nhận hiểm nguy, song ông vẫn thực hiện. Khi còn cách giao thông hào nửa mét, ông “dính ngay” một làn đạn của địch. Rất may chỉ bị thương nhẹ. Rồi một quả lựu đạn từ đâu bay vèo đến xì khói. Ông bất tỉnh. 6h sáng, tiếng súng ngừng, ngoài 20 chiến sỹ bị thương đã được đưa ra khỏi hầm vẫn còn 18 đồng chí vĩnh viễn nằm lại trong đó. “Lúc đó, tôi còn loáng thoáng phân biệt xác của bộ đội mình bên trái và của địch bên phải...”.
Người tri ân trên đồn Ca Vịnh
Khi tuổi chiều bóng xế, hình ảnh của những đồng đội ngã xuống trong trận đánh đồn Ca Vịnh luôn hiện về trong ông. Liệu các anh đã trở về hay vẫn nằm ở nơi đã ngã xuống? Và rồi ông âm thầm tìm kiếm đồng đội từ năm 2004. Bắt đầu công việc tìm kiếm của mình bằng con dao phát, cái cuốc, cái xẻng…, ông không nhớ mình đã phát quang bao nhiêu cỏ dại chằng chịt, bao nhiêu nhát cuốc, nhát xẻng, vừa làm vừa khấn vái trời cao. Chiến trường xưa giờ cây cối đã mọc thành rừng, hy vọng lúc như nguội lạnh, lúc lại nhen lên như sức mạnh vô hình thôi thúc, giục giã tiếp thêm sức lực, nhiệt huyết để ông tiếp tục công việc tìm kiếm. “Đầu năm 2006, chúng tôi mới có thêm những cựu chiến binh (CCB) đã từng tham gia chiến đấu hoặc am hiểu địa bàn cùng chung sức. Công việc càng trở nên khó khăn hơn vì sự tác động của thiên nhiên, con người đã làm đã làm cho địa hình, địa vật nơi đây thay đổi” - ông Lạc cho biết. Hàng ngày cứ từ 7 giờ sáng đến 16 giờ chiều, nắm cơm mang theo, đào bới liên tục nửa tháng trời nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu khả quan.
Được Đảng ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ, sau khi khẳng định những sự việc đã xảy ra cách đây 55 năm là có thật, với quyết tâm tìm bằng được các hài cốt liệt sỹ, hơn 30 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng lực lượng CCB, dân quân xã được giao nhiệm vụ tìm kiếm. Kể đến đây, khuôn mặt ông Lạc như bừng lên: “Đúng ngày 26/12/2006, các lực lượng tìm kiếm đã sẵn sàng cho những nhát cuốc ban đầu. Với phương tiện sẵn có, mọi người phấn khởi dàn trải ra khắp khu vực. Từng lớp đất, đá được bóc ra, thời gian cứ trôi dần trong suy tư của mỗi người và mọi sự đều như mong muốn”.
Thật bất ngờ, ngay trong ngày đầu ra quân, những di vật, xương cốt xen lẫn trong đất đá đã lộ dần ra ngay tại một trong những điểm được xác định là hố chôn tập thể bộ đội ta hy sinh. Ban đầu là chiếc bút máy đã gãy còn lại 2/3, ngòi bút lưỡi gà và đầu còn nguyên vẹn, nắp bút có khắc chữ “Rư”. Tiếp đó là một đoạn xương ống chân và nhiều mảnh xương vụn khác. Sau khi gạt từng lớp đất mỏng có lẫn cả vỏ đạn súng các loại dần hiện ra 11 bộ hàm còn nguyên vẹn. Lực lượng tìm kiếm, còn đào được nhiều di vật khác như: 2 ống thuốc B12 mẫu nước còn đỏ tươi, một loại thuốc mỡ còn 1/3 (lọ bằng thủy tinh), một hộp tuýp thuốc đánh răng và 2 bàn chải với gần 20 chục chiếc cúc áo màu trắng…
Nhưng di vật được tin cậy nhất là quả lựu đạn chày còn lại phần ngang, dây cháy chậm và ngòi kích nổ, với một chiếc kìm sắt (kìm cộng lực) dùng để cắt dây thép gai, bởi loại vũ khí và dụng cụ này chỉ bộ đội ta mới có. Ngày 8/1/2007, lễ truy điệu 11 anh hùng liệt sỹ được tổ chức long trọng tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ xã Hồng Ca.
Bước chân như nhẹ nhàng hơn khi mỗi lần ông Lạc vượt 99 bậc thềm lên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, nơi 11 đồng chí, đồng đội của ông an nghỉ. Trước tấm bia "Tổ quốc ghi công", thắp nén nhang thơm bày tỏ lòng tri ân, vẫn bộ quân phục người lính, ông khấn: “Chúng tôi đã giữ trọn lời hứa đưa các anh về bên gia đình, người thân, bên bạn bè, đồng chí. Hãy chỉ đường, soi lối để chúng tôi đưa nốt đồng đội của mình về bên các anh!”
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Bây giờ, từ người dân Làng văn hoá sức khoẻ Ninh Thuận đến lãnh đạo xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) không còn nhớ Làng văn hoá sức khoẻ ra mắt vào năm nào nữa. Bởi từ khi ra đời đến nay, không ai cần quan tâm làng hoạt động thế nào và hiệu quả ra sao. Các làng văn hoá sức khoẻ trong tỉnh và huyện Trấn Yên đang cùng có chung thực trạng này!
Từ ngày 28/4, Quy chế học viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hình thức vừa làm, vừa học, sẽ có hiệu lực với 14 nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật được định rõ.
Nhận định các sai lầm của tòa sơ thẩm và phúc thẩm vụ án “Lập quỹ trái phép” tại Nông trường Sông Hậu (NTSH) “là nghiêm trọng”, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa có kháng nghị đề nghị Tòa Hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) tuyên “cần phải hủy cả bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra”.
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành hướng dẫn tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2010 vào ngày 5.4. Thí sinh diện đăng ký tuyển thẳng làm một bộ hồ sơ gửi về sở GD-ĐT trước ngày 25.6.2010.