Lybia - thị trường hấp dẫn lao động phổ thông
- Cập nhật: Thứ tư, 28/4/2010 | 1:41:56 PM
YBĐT - Với hai huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải, Yên Bái là một trong ba tỉnh của cả nước thực hiện thí điểm Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động giai đoạn 2009 - 2020 theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong các thị trường mà những công ty xuất khẩu lao động tuyển dụng lao động tại hai huyện thời gian qua thì Lybia là thị trường có số lượng lao động tham gia xuất khẩu nhiều hơn cả. Với sự giới thiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), Công ty Cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex (Vinaconex Mec) đã trực tiếp tham gia tuyển dụng lao động tại hai huyện đi làm việc tại Lybia. Ngay sau khi Yên Bái triển khai Quyết định 71, doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương tuyển chọn lao động. Đây là thị trường có những nghề không yêu cầu trình độ cao và có thể đào tạo nghề cho người lao động trong thời gian ngắn. Ngay trong đợt đầu tiên tuyển dụng, đã có hơn 300 lao động đăng ký tham gia. Qua sơ tuyển, có 64 lao động được học giáo dục định hướng, trong đó 30 lao động của Mù Cang Chải, 34 lao động của Trạm Tấu. Sau hơn hai tháng đào tạo, tất cả đã được đối tác tuyển dụng theo hợp đồng hai năm với mức lương cơ bản từ 250 USD đến 300 USD/tháng, chưa kể làm thêm giờ. Ngoài ra, người lao động còn được miễn phí toàn bộ tiền ăn, ở tại nơi làm việc và hỗ trợ hai lượt vé máy bay đi và về...
Tháng 11 năm 2009, Công ty Vinaconex Mec căn cứ vào bảng thanh toán tiền lương cho lao động của đối tác đã phối hợp với Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động tỉnh và hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải tiến hành lễ trao hai tháng tiền lương đầu tiên cho gia đình người lao động ngay tại địa phương. Trung bình, mỗi người lao động được nhận từ 13 đến 15 triệu đồng. Ông Sùng Pàng Tủa ở xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) đã rất vui mừng khi nhận gần 15 triệu đồng tiền lương của con trai gửi về qua Công ty: “Đây là khoản tiền lớn đối với gia đình tôi. Tôi không nghĩ là có thể được nhận tiền do con gửi về sớm vậy. Bây giờ, gia đình yên tâm nhiều, không còn lo lắng như trước nữa”. Chỉ sau một thời gian ngắn, gia đình người lao động đã trực tiếp nhận được khoản tiền lương không nhỏ của người thân đi xuất khẩu lao động gửi về. Đây thực sự là niềm động viên lớn đối với gia đình người lao động đồng thời tạo dựng niềm tin trong nhân dân về việc đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Ngay sau đó, đã có nhiều lao động đăng ký tham gia và được Trung tâm Đào tạo nghề của Công ty đào tạo trước khi xuất cảnh. Cùng với thực hiện chương trình xuất khẩu lao động sang Lybia cho hai huyện nghèo, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh phối hợp với các công ty hoạt động xuất khẩu lao động được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội giới thiệu triển khai tuyển lao động đưa đi xuất khẩu sang Lybia tại bảy huyện vùng thấp.
Đánh giá kết quả thực hiện công tác xuất khẩu lao động năm 2009 và quý I năm 2010 của Yên Bái cho thấy, việc đưa lao động đi xuất khẩu tại Lybia thực sự có hiệu quả nhằm giải quyết việc làm, giảm nghèo nhanh và bền vững cho người lao động. So với các thị trường xuất khẩu lao động khác, Lybia có chi phí thấp (1.600 USD), thu nhập ổn định (từ 5,5 triệu đồng đối với lao động phổ thông đến 8,5 triệu đồng đối với lao động có nghề), không đòi hỏi lao động phải có trình độ tay nghề cao, phù hợp với lao động của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông. Đồng thời, việc phối hợp mở tài khoản ủy thác giữa các bên liên quan để chuyển tiền lương của người lao động về cho gia đình vừa mang lại hiệu quả thiết thực đối với người lao động và gia đình đồng thời trực tiếp khẳng định hiệu quả của việc xuất khẩu lao động sang thị trường này, tạo niềm tin cho người dân, nhất là người dân vùng cao đối với việc đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động đi Lybia cũng không tránh khỏi khó khăn chung của công tác này trên địa bàn tỉnh hiện nay. Thông tin về thị trường mới chưa phủ hết đến người dân, trong khi đó nhận thức của một bộ phận người lao động hạn chế, vẫn còn tư tưởng kén chọn những thị trường lao động có thu nhập cao nhưng chi phí lớn và đòi hỏi phải có trình độ tay nghề cao. Chất lượng lao động thấp: yếu về ngoại ngữ, trình độ tay nghề nên gặp khó khăn trong giao tiếp tại nơi làm việc và ít có cơ hội lựa chọn nghề có thu nhập cao. Yên Bái chưa có các trường dạy nghề quy mô để đào tạo lao động xuất khẩu; chưa có chương trình và mô hình đào tạo nghề, ngoại ngữ chuyên sâu phục vụ cho xuất khẩu lao động. Mặt khác, ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ pháp luật, tuân thủ cam kết trong hợp đồng của một số lao động chưa cao. Chuẩn bị nguồn lao động của các địa phương chưa tốt nên dù đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động cũng vẫn chưa đủ nguồn để đáp ứng yêu cầu về thời gian và số lượng tuyển chọn của các đơn hàng...
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Mù Cang Chải:
Căn cứ vào chỉ tiêu và số lượng đăng ký tham gia đi xuất khẩu tại thị trường Lybia, Công ty Vinaconex Mec đã phối hợp cùng Thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện tuyển chọn lao động, bố trí kinh phí cho lao động khám sức khỏe sơ tuyển, tiền ăn trong thời gian khám sức khỏe và đưa đón lao động đi Hà Nội học nghề, giáo dục định hướng. Một số đợt do đi lại xa xôi, số lao động đăng ký ít nên doanh nghiệp không trực tiếp lên tuyển mà ủy quyền cho Thường trực Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện tuyển chọn và đưa lao động xuống Hà Nội khám sức khỏe, học nghề và giáo dục định hướng. Trường hợp lao động nào không may bị bệnh, Công ty có trách nhiệm thông báo và gửi lao động về địa phương, người lao động không phải chịu bất cứ một khoản chi phí nào. Hy vọng, sự hợp tác giữa Công ty và địa phương tiếp tục được phát huy để việc đưa lao động sang Lybia làm việc đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Hoàng Văn Sâm - Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Trạm Tấu:
Sau một thời gian ngắn người lao động của Trạm Tấu sang Lybia làm việc, Công ty Vinaconex Mec đã lên huyện trực tiếp trao trả tiền lương của một số lao động cho gia đình họ với mức lương thực lĩnh từ 7,5 đến 8 triệu đồng/tháng. Những gia đình được nhận tiền lương này đã rất phấn khởi và yên tâm về công việc của người thân ở nước ngoài. Việc tuyển dụng lao động xuất khẩu sau đó cũng thuận tiện hơn. Chúng tôi thấy rằng nên tăng cường tư vấn cho người lao động và gia đình để mở tài khoản ủy thác chuyển tiền lương trực tiếp về cho gia đình người lao động. Như vậy, tiền lương của người lao động vừa được quản lý tốt vừa nhanh chóng chuyển về cho gia đình để có thể sớm sử dụng phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nhân lực và Thương mại Vinaconex:
Lybia là thị trường có một số ngành nghề không yêu cầu trình độ tay nghề cao. Mức thu nhập lại tương đối ổn định, cường độ lao động không cao, phù hợp với lao động giản đơn ở các huyện vùng cao. Người lao động còn được miễn phí ăn, ở, có thể tăng thu nhập từ làm thêm giờ... Thực tế tuyển chọn, đào tạo lao động tại hai huyện nghèo của Yên Bái để xuất khẩu sang làm việc tại Lybia thì 100% người lao động đã đáp ứng được yêu cầu tay nghề. Qua nắm bắt tình hình lao động làm việc tại nước bạn, người lao động cũng được chủ sử dụng đánh giá tốt. Trong một thời gian ngắn, người lao động đã gửi lương về cho gia đình. Khó khăn lớn nhất trong việc đưa lao động đi xuất khẩu lao động tại Lybia đối với Trạm Tấu và Mù Cang Chải chính là quyết tâm thoát nghèo bằng xuất khẩu lao động của người lao động chưa cao. Họ dễ dàng bỏ cuộc, thậm chí ngay cả khi đã được cấp visa, mua vé máy bay. Vì vậy, nâng cao nhận thức của người lao động về xuất khẩu lao động đối với việc xóa đói giảm nghèo của bản thân và gia đình là rất quan trọng để họ có thể hợp tác tốt với doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động có hiệu quả.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Thôn Khe Mon, xã Vân Hội (Trấn Yên) đăng ký ra mắt làng văn hóa từ năm 2004 với các tiêu chí đạt được như: trên 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3, an ninh trật tự tương đối ổn định, có khoảng 60% số hộ khá, giàu...
Sáng 27/4, tàu Biển Đông 50 chở dầu đã bất ngờ bị chìm tại vùng biển Vũng Tàu. Toàn bộ thủy thủ đoàn đã kịp nhảy xuống biển thoát chết, nhưng dầu trong tàu đã chảy loang rộng ra mặt biển.
Cúm A/H1N1 trở thành đại dịch toàn cầu trong năm 2009, gây bệnh cho hàng trăm ngàn người và nhiều người trong số đó tử vong. Đã một năm kể từ ngày đầu tiên virus H1N1 xuất hiện nhưng những điều tồi tệ nhất vẫn chưa hết.
YBĐT - Ngày 26/4/2010 HĐND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác phối hợp hoạt động năm 2010.