Khi dân hiểu, việc gì cũng xong
- Cập nhật: Thứ hai, 24/5/2010 | 9:32:17 AM
YBĐT - “Muốn làm tốt công tác dân vận đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo tôi, quan trọng hơn cả vẫn là vai trò của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu địa phương, đơn vị và đó cũng chính là yếu tố quyết định” - đồng chí Nông Đức Tỷ - Bí thư Đảng ủy xã An Lương (Văn Chấn) khẳng định.
Nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng nhờ tinh thần tự nguyện hiến đất của nhân dân xã An Lương.
|
Ngay khi Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 21/9/2000 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận được triển khai, Đảng bộ xã An Lương đã nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt. Bên cạnh việc truyền đạt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân, đồng thời, những đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng ủy xã phụ trách các thôn, bản phải chuẩn bị tốt các thông tin cần thiết để sẵn sàng đối thoại, làm rõ những vấn đề đang nổi cộm trong dư luận quần chúng.
Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng kiên quyết chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện “nói đi đôi với làm”, đã nói là làm, không nói hay làm dở, không “đánh trống bỏ dùi”, không để xảy ra tình trạng nghị quyết trên giấy. Đặc biệt là mạnh dạn nhận những sai sót, khuyết điểm trong việc đề ra những chủ trương chưa sát thực với thực tiễn, chưa hợp với lòng dân để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa. Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: “Sắp xếp, bố trí cán bộ có khả năng dân vận tốt đảm nhận những công việc thường xuyên liên quan, tiếp xúc trực tiếp với công dân đã làm giảm đáng kể các vướng mắc không đáng có trong quá trình giải quyết, xử lý công việc. Đặc biệt, ấn tượng để lại trong nhân dân là những cán bộ đáng tin cậy và như vậy cũng đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện công tác vận động quần chúng”.
Huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia làm công tác dân vận đã góp phần giúp cho mọi hoạt động của địa phương trong những năm qua luôn ổn định, giữ vững và phát triển. An Lương có 100% học sinh trong độ tuổi ra lớp và đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 12/12 thôn đều đã có đường giao thông và xe máy đến được tận trung tâm thôn; 8/12 thôn ra mắt xây dựng làng văn hóa, trong đó thôn Mảng 1, Mảng 2 được huyện công nhận là thôn văn hóa; không có tình trạng cháy rừng xảy ra trong những năm gần đây; 35 hộ dân đã định canh, định cư tại thôn Cản Tao, Suối Dầm; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương...
Dân vận tốt đã giúp người dân chuyển biến về nhận thức và hành động, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Thiếu các điểm trường phục vụ việc học tập của con em và nhà công vụ cho giáo viên, những người dân An Lương dù đời sống còn khó khăn, còn thiếu đất sản xuất nhưng đã sẵn sàng hiến đất để xây dựng. Năm học 2005 - 2006, thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, nhân dân thôn Khe Cảnh và Khe Cam đã hiến đất để xây dựng hai điểm trường, mỗi điểm trường gồm 4 lớp học và 1 phòng ở cho giáo viên. Tiêu biểu trong việc hiến đất là hộ gia đình ông Mùa A Đàm ở Khe Cảnh, Nông Văn Hôn ở Khe Cam...
Đến năm học 2008 - 2009, hộ gia đình Mùa A Lồng ở thôn Suối Dầm hiến đất xây dựng điểm trường Cản Tao gồm 4 lớp học, 1 phòng ở khép kín cho giáo viên. Quy hoạch đất để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên và Trường tiểu học bán trú dân nuôi tại xã, nhân dân đã hiến trên 4.500 m2 đất trồng quế, chè, cọ...
Các gia đình còn đóng góp, ủng hộ tiền, gạo trị giá 30.000 đồng/hộ; cán bộ, công chức ủng hộ 50.000 đồng/hộ; giáo viên các trường chủ động nhận đỡ đầu và ủng hộ 1 ngày lương để duy trì lớp học bán trú dân nuôi. Ông Nông Văn Minh - Bí thư Chi bộ thôn Mảng 1, người đã hiến 1.700 m2 đất trồng quế, chè, cọ để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, Trường tiểu học của xã cho biết: “Mình được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ thì mình phải là người gương mẫu thực hiện tốt vì có như thế, người dân mới nghe theo, làm theo. Tuy quỹ đất sản xuất ít song nghĩ đến việc học hành của con em nên không thấy gì là khó khăn cả. Tôi sẵn sàng hiến đất, miễn sao các cháu được đến trường, được học cái chữ. Đâu chỉ riêng tôi mà nhiều người dân ở đây cũng đều có chung suy nghĩ đó”.
Với những kết quả đạt được đã chứng tỏ rằng, công tác vận động quần chúng của xã An Lương thực sự có hiệu quả và tạo chuyển biến trong mọi lĩnh vực của đời sống.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Có thể nói, cùng với các yếu tố như điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, khen thưởng, kỷ luật…, đồng lương là yếu tố hết sức quan trọng để người lao động đến với doanh nghiệp, gắn bó với công việc; cuộc sống no đủ hay giàu nghèo của người lao động đều do đồng lương.
YBĐT - Do không ngừng mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực cạnh tranh qua chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến nay Viễn thông Yên Bái (VTYB) đã xây dựng và đưa vào sử dụng 147 trạm BTS, nâng tỷ lệ phủ sóng tới 90% các xã, phường.
Ngày 23-5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, để thống nhất thực hiện chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khi mức lương tối thiểu đã được nâng từ 650.000 đồng/người/tháng lên 730.000 đồng/người/tháng, BHXH Việt Nam mới đây đã có hướng dẫn các đơn vị liên quan áp dụng mức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp mức lương tối thiểu chung tăng.
YBĐT - Ngày 23/5/2010, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái phối hợp với Hội Sự nghiệp từ thiện Minh Đức trao 1 xe lăn và 11 ghế bại não cho trẻ bị bại não ở thành phố Yên Bái. Đây là hoạt động từ thiện thứ 2 của Hội Sự nghiệp từ thiện Minh Đức tại thành phố Yên Bái.