Trường cao đẳng Nghề Yên Bái: Phấn đấu trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong khu vực

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/5/2010 | 3:11:38 PM

YBĐT - Trải qua thời gian dài phấn đấu xây dựng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, ngày 27/5/2009 Trường cao đẳng Nghề Yên Bái được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Nghề tỉnh Yên Bái.

Công nhân Công ty cổ phần xây dựng số 2 thi công công trình nhà Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tại xã Văn Phú (T.P Yên Bái).
Công nhân Công ty cổ phần xây dựng số 2 thi công công trình nhà Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tại xã Văn Phú (T.P Yên Bái).

Với nhiệm vụ đào tạo nghề theo 3 trình độ: cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Sau gần 18 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã có nhiều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Yên Bái  và khu vực miền núi phía Bắc.

Những năm đầu mới thành lập, Trường gặp rất nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất. Khi đó nhà trường có trên 60 cán bộ, giáo viên, trong đó, trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 28%, cơ sở vật chất hầu hết là nhà cấp IV, trang thiết bị xe, máy, mô hình học cụ và sách giáo khoa phục vụ cho việc nghiên cứu, dạy và học nghèo nàn, lạc hậu và vô cùng thiếu thốn, dẫn đến ngành nghề đào tạo bị hạn chế; năng lực đào tạo của nhà trường chỉ đạt  quy mô từ 150 đến 200 học sinh/năm. Song, với sự đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao, Đảng ủy - Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng kiện toàn ổn định bộ máy tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo được tỉnh và ngành giao.

Từ năm 1999 đến nay, nhờ có sự quan tâm đầu tư của tỉnh và của ngành lao động - thương binh và Xã hội cùng với sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, giáo viên và học sinh, nhà trường đã có bước phát triển mạnh cả về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực và quy mô, ngành nghề đào tạo, cơ bản đã đáp ứng  được yêu cầu dạy nghề cho con em các dân tộc trong tỉnh và các tỉnh bạn trong khu vực. Đặc biệt năm 2008, nhà trường được UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới tại xã Văn Phú (T.P Yên Bái) với diện tích gần 13 ha, tổng kinh phí đầu tư trên 142 tỷ đồng.

Ông Ngô Kim Thanh - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đến nay, nhà trường đã triển khai thực hiện giá trị 42 tỷ đồng, trong đó có 4 gói thầu mới được khởi công xây dựng trong tháng 2/2010, bao gồm các công trình: nhà ban giám hiệu và nhà sửa chữa cơ khí; công trình kè đá và nhà làm việc của giáo viên; công trình nhà lớp học số 2 và xưởng dịch vụ sửa chữa cơ khí; công trình nhà lớp học số 1 với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng. Đến thời điểm này, tất cả các công trình đã hoàn thành từ 30 - 35% khối lượng; các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành bàn giao đúng theo hợp đồng. Nhà trường mong muốn tỉnh và ngành lao động- TB&XH tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư để bảo đảm tiến độ đến năm 2012 hoàn thành dự án xây dựng trường mới, vì hiện nay khối lượng vẫn còn trên 50%”.

Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, hiện nay Trường cao đẳng Nghề Yên Bái có 134 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn thạc sĩ, 33 đại học, 3 cao đẳng, có 6 giáo viên đang học thạc sĩ và 30 giáo viên đang học đại học. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã phát huy trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên, tập trung nghiên cứu biên soạn trên 130 chương trình đào tạo hệ dài hạn, 64 chương trình đào tạo ngắn hạn và sáng tạo làm được hàng trăm mô hình học cụ đưa vào giảng dạy có hiệu quả.

Nhờ vậy mà quy mô và ngành nghề đào tạo của nhà trường hàng năm không ngừng được nâng lên. Năm 1992 khi mới thành lập, số nghề  đào tạo của trường chỉ có 4 nghề với trên 200 học sinh, trong đó hệ đào tạo dài hạn  có 60  học sinh, còn lại là hệ đào tạo ngắn hạn và bổ túc nâng bậc, đến năm học 2009 - 2010, số nghề đào tạo của trường đã được nâng lên 12 nghề và đã thu hút gần 3.000 học sinh, sinh viên, trong đó có 246 học sinh, sinh viên cao đẳng nghề; 759 học sinh học trung cấp nghề; 653 học sinh, sinh viên đại học vừa làm vừa học và trên 1.300 học sinh sơ cấp nghề. Để bảo đảm nguồn nhân lực cho tỉnh, nhà trường đặc biệt ưu tiên tuyển học sinh đã tốt nghiệp THPT, THCS tại các địa phương trong tỉnh về học tập tại trường.

Em Hoàng Thị Thu Hoài - học sinh hệ trung cấp, lớp cắt gọt kim loại - khoá 18 bộc bạch: “Năm học 2008 - 2009, em thi không đỗ tốt nghiệp THPT, lúc đầu cũng hơi buồn, nhưng được gia đình động viên làm hồ sơ xin đi học trung cấp nghề, em đã trúng tuyển vào Trường cao đẳng Nghề Yên Bái học. Sau gần một năm học tập tại trường, kết quả các môn học lý thuyết và thực hành của em đều đạt loại khá. Em thấy rất vui và hy vọng sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ tìm được việc làm ổn định”. Hiện nay, trên 90% học sinh sau khi được đào tạo ra trường đã có việc làm ổn định ở các công ty trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có hàng trăm học sinh được nhà trường giới thiệu vào làm việc tại các công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Thăng Long...

Phát huy những kết quả đã đạt được, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đang tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mới và cử cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường, phấn đấu mỗi năm có từ 4 - 5 giáo viên theo học trình độ thạc sĩ và đến năm 2015, nhà trường có ít nhất 2 tiến sĩ, 15 thạc sĩ; hàng năm tuyển sinh, đào tạo từ 4.500 - 5.000 học sinh, sinh viên, góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho tỉnh Yên Bái và các tỉnh trong khu vực vùng núi phía Bắc, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Trường Phong

Các tin khác

Tổng Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành.

Ngay từ khi học mẫu giáo, trẻ em đã được làm quen với kiến thức về an toàn giao thông.

YBĐT - Được triển khai tại xã Báo Đáp từ năm 2002 với 4 tiểu dự án là: dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc thai nghén, an ninh thực phẩm hộ gia đình và tín dụng tiết kiệm, mục tiêu của Dự án Dinh dưỡng tổng hợp của SCJ tập trung vào các vấn đề dinh dưỡng trẻ em nhằm giúp đỡ các bà mẹ và thành viên trong gia đình theo dõi sự phát triển và cân nặng của trẻ, phát hiện kịp thời tình trạng sức khoẻ, sự phát triển của trẻ để có kế hoạch điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Dân quân tự vệ huyện Trấn Yên luyện tập hành quân ra trận địa.

YBĐT - Nét nổi bật trong công tác Đảng, công tác chính trị thời gian qua của ĐUQS huyện Trấm Yên đó là chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững mạnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục