Bảo hiểm thất nghiệp: Chính sách lớn cho người lao động
- Cập nhật: Thứ hai, 24/5/2010 | 9:37:53 AM
YBĐT -
Thực hiện BHTN là chính sách lớn cho người lao động.
Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Thương mại sản xuất, xuất nhập khẩu Đạt Thành chưng cất tinh dầu quế.
|
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực thi hành từ 1-1-2009. Qua hơn một năm triển khai, nhiều lao động trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với chế độ chính sách mới này và phần nào hiểu rằng, thông qua đó quyền lợi của bản thân họ sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, trên thực tế, từ việc hiểu đến việc tham gia thực hiện vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Theo quy định của Luật BHXH về chính sách BHTN thì người lao động sẽ được hưởng các chế độ BHTN sau khi đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Luật Lao động, hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. BHTN là loại hình bảo hiểm bắt buộc, có sự đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chính sách BHTN lần đầu tiên được thực hiện nên để thực hiện tốt chính sách này, ngay sau khi có các văn bản hướng dẫn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành mở hội nghị tập huấn triển khai chính sách tới các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn; Sở Lao động, Thương binh & Xã hội triển khai các văn bản của Nhà nước về chính sách, chế độ BHTN, các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành, BHXH tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn công tác thu BHTN tới các đơn vị sử dụng lao động.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn chính sách, chế độ BHTN được triển khai đồng bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị báo cáo viên... Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giúp người lao động vượt qua khó khăn, nhanh chóng có việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm đời sống, cơ quan BHXH từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động tiến hành rà soát đối tượng tham gia BHTN.
Đến hết tháng 4 năm 2010, toàn tỉnh có gần 250 đơn vị đăng ký tham gia BHTN cho 15.768 lao động (bằng 36,66% số người đang tham gia BHXH bắt buộc). Trong đó, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 153 đơn vị tham gia cho 8.609 lao động, khối doanh nghiệp Nhà nước 29 đơn vị tham gia cho 4.895 lao động, khối hành chính, Đảng, đoàn thể 21 đơn vị tham gia cho 643 lao động, khối hộ nghề, hộ cá thể 25 đơn vị tham gia cho 248 lao động... Hiện nay, BHXH tỉnh đã chi trả trợ cấp thất nghiệp cho 15 đối tượng, trong tháng 6 sẽ giải quyết tiếp cho 3 đối tượng đủ điều kiện, với tổng số tiền chi gần 32 triệu đồng.
Cán bộ Phòng Quản lý thu BHXH, BHXH tỉnh cho biết, mặc dù đã được tuyên truyền nhiều nhưng một số lao động cũng như chủ sử dụng lao động vẫn chưa hiểu rõ về chính sách này. Hiện nay, còn khoảng trên 50% đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh có người hợp đồng lao động nhưng chưa tham gia BHTN, một số doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc cũng chưa tham gia... Trong khi thực hiện chính sách BHTN không phải lao động nào cũng "thích" tham gia BHTN. Trong điều kiện giá cả ngày càng tăng và suy thoái kinh tế đang tác động tới đời sống rõ nét như hiện nay, thu nhập của người lao động đang bị thu hẹp, cho nên nhiều lao động không nuốn đồng lương của mình lại bị "hao hụt", nhất là khi họ khó thấy được lợi ích của nó, trừ khi thất nghiệp.
Hiện nay, theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều Luật BHXH về BHTN việc áp dụng thu đối với những doanh nghiệp có trên 10 lao động trở lên cũng là một vẫn đề bất cập. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp có dưới 10 lao động thì không được tham gia BHTN, thế nhưng, có cơ quan đơn vị có 30-40 lao động chủ yếu là công chức nhưng chỉ có 1 nhân viên (hợp đồng lao động) thì cũng được tham gia BHTN do người đó thuộc đối tượng tham gia BHTN theo quy định. Vấn đề này xét về lâu dài gây nên nhiều thiệt thòi cho người lao động hiện đang làm trong các doanh nghiệp sử dụng ít lao động mà bản thân họ thuộc đối tượng tham gia đóng BHTN.
Để có sự nhập cuộc của các đơn vị sử dụng lao động cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền hơn nữa để mọi người dân, người lao động, người sử dụng lao động hiểu và nhận thức đúng về chính sách này. Đặc biệt, người sử dụng lao động cần nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHTN cho người lao động, cần tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý về lao động và thanh tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các đơn vị sử dụng lao động đối với việc thực hiện chính sách đóng BHTN cho người lao động tại đơn vị.
BHTN không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm đời sống cho cá nhân người thất nghiệp, tạo cơ hội cho họ quay trở lại với thị trường lao động, mà còn góp phần ổn định chính trị, xã hội tạo nên sự phát triển bền vững ở mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Trong thời gian tới, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng, chủ sử dụng lao động cũng như người lao động trên địa bàn. Có như vậy, BHTN mới đóng góp một phần vào việc bảo đảm an sinh xã hội.
H.D
Các tin khác
YBĐT - “Muốn làm tốt công tác dân vận đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo tôi, quan trọng hơn cả vẫn là vai trò của cấp ủy, chính quyền, của người đứng đầu địa phương, đơn vị và đó cũng chính là yếu tố quyết định” - đồng chí Nông Đức Tỷ - Bí thư Đảng ủy xã An Lương (Văn Chấn) khẳng định.
YBĐT - Có thể nói, cùng với các yếu tố như điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, khen thưởng, kỷ luật…, đồng lương là yếu tố hết sức quan trọng để người lao động đến với doanh nghiệp, gắn bó với công việc; cuộc sống no đủ hay giàu nghèo của người lao động đều do đồng lương.
YBĐT - Do không ngừng mở rộng mạng lưới, nâng cao năng lực cạnh tranh qua chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến nay Viễn thông Yên Bái (VTYB) đã xây dựng và đưa vào sử dụng 147 trạm BTS, nâng tỷ lệ phủ sóng tới 90% các xã, phường.
Ngày 23-5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, để thống nhất thực hiện chế độ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khi mức lương tối thiểu đã được nâng từ 650.000 đồng/người/tháng lên 730.000 đồng/người/tháng, BHXH Việt Nam mới đây đã có hướng dẫn các đơn vị liên quan áp dụng mức chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp mức lương tối thiểu chung tăng.