Bất ổn bên dòng Nậm Tộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/6/2010 | 9:00:19 AM

YBĐT - Dòng suối Nậm Tộc mùa này nước không nhiều. Giữa suối là những đống đất đá ngổn ngang, thi thoảng có những tảng đá to bằng cả gian nhà nằm chặn ngang khiến lòng suối ngày một nâng cao và thu hẹp. Gần trăm hộ dân thuộc bản Bay, bản Pưn, xã Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ) đang lo lắng về tính mạng, tài sản khi mùa mưa bão năm 2010 sắp đến.

Dòng Nậm Tộc bắt đầu đổi dòng, mở rộng bề mặt dòng chảy.
Dòng Nậm Tộc bắt đầu đổi dòng, mở rộng bề mặt dòng chảy.

Dòng suối Nậm Tộc vốn rất hiền hòa, nhưng khi vào mùa mưa lũ (tháng 7 năm trước đến tháng 3 năm sau) rất hung dữ, sẵn sàng cuốn trôi tất cả bất cứ vật gì cản trở nó. Biết được sự nguy hiểm của dòng suối, trong những năm vừa qua, hàng chục hộ sinh sống bên rìa suối Nậm Tộc, thuộc xã Nghĩa Phúc đã di dời nhà cửa đến nơi ở an toàn hơn. Nhiều bản, làng đã được Nhà nước đầu tư xây kè chống lũ an toàn và khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, trong một, hai năm trở lại đây, dòng suối Nậm Tộc đoạn chảy qua xã Nghĩa Phúc bắt đầu đổi dòng. Dòng suối được đất đá bồi dày cao lên hàng mét, nhiều chỗ lòng suối bị nâng cao tới 2m.

Năm 2008, chỉ sau một trận mưa, hơn 2 ha ruộng ở bản Bay đã bị lũ phá hoại hoàn toàn. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc dẫn chúng tôi đi dọc hai bên bờ suối từ bản Pưn đến bản Bay và đoạn tiếp giáp với xã Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn). Suốt chiều dài của dòng suối ngổn ngang đất, đá, từng đống, từng đống, khi thì ở giữa dòng, khi thì ở trên mép suối, thi thoảng có những tảng đá to bằng cả gian nhà chặn ngang giữa dòng và xô cả vào bờ ruộng. Thật khó để nhận biết đâu là dòng chính nữa, bởi đất đá vùi lấp hết. Tại kè bản Pưn, khu vực này trước đây là một vực sâu, mỗi khi mùa lũ đến làm sói lở đất rất nguy hiểm. Để bảo vệ tài sản, tính mạng cho 70 hộ dân thuộc bản Bay, năm 2007, kè bản Pưn được Nhà nước đầu tư xây dựng. Nhưng hơn một năm nay, khu vực này đã bị đất đá từ đầu nguồn đổ về bồi đắp lên hơn 3 m.

Mặc dù chỉ là một cơn mưa đầu mùa nhỏ, nhưng dòng chảy có phần xiết và dữ dội hơn.

Không riêng khu vực bản Pưn mà cả đoạn chảy qua bản Bay cũng vậy, đã gây ách tắc dòng chảy nghiêm trọng. Mùa mưa năm 2010 đang đến gần, chỉ cần một trận lũ nhỏ thôi, rất có thể sẽ làm nước, đất, đá tràn qua kè gây hậu quả nặng nề. Theo khảo sát của xã, hiện có 10 hộ dân thuộc bản Bay và 30 hộ dân của bản Pưn nằm trong vùng đặc biệt nguy hiểm. Nguyên nhân của việc dòng suối bị đất đá bồi đắp gây ách tắc dòng chảy là do từ khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc.

Nhân dân trong xã khẩn trương thu hoạch lúa mùa.

Trong quá trình xây dựng nhà máy và kênh dẫn nước vào nhà máy, người ta phải đào đất, đá và toàn bộ số đất, đá này được đổ thẳng ra các triền núi, rìa suối. Thế là từ đó đến nay, cứ mỗi trận mưa xuống đất, đá lại sạt lở xuống và trôi theo dòng suối đổ về hạ nguồn. Cũng chính từ việc đào đắp đất đá trong quá trình xây dựng nhà máy này, sáng ngày 23/1/2010, đã xảy ra sạt lở hơn 10 nghìn m3 đất, đá của kênh dẫn nước thủy điện Nậm Tộc tại thôn Bản Bẻ, xã Nghĩa Sơn (huyện Văn Chấn) làm vùi lấp hoàn toàn nhà cửa của các hộ: Lò Văn Sơn, Đồng Văn Hàm, Đồng Văn Biên, Đồng Văn Xuân và làm cháu Lò Thị Hiệp 3 tuổi bị chết tại chỗ.

Ước thiệt hại kinh tế gần một tỷ đồng. Không biết các ngành chức năng và Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc trước và khi thi công xây dựng có thiết kế và tính toán đến việc vận chuyển đổ, đắp đất, đá đảm bảo an toàn vì môi trường hay không? Nhưng thực tế là việc xây dựng như hiện nay đã gây nên những hậu quả khôn lường và gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân và ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này? Giờ đây, còn rất nhiều hộ dân thuộc bản Bay, bản Pưn, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ đang nơm nớp lo âu khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Kè đã được xây, nhưng không lấy gì đảm bảo chắc chắn vì khi vào mùa mưa lũ dòng chảy dâng cao.

Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, vừa qua, xã Nghĩa Phúc đã phối hợp cùng Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc tiến hành khơi thông dòng chảy đoạn suối thuộc bản Bay và bản Pưn, nhưng có lẽ đó chỉ là giải pháp tình thế mà thôi, bởi ngay trong những ngày đầu tháng 6 này, đất, đá lại đổ về bồi đắp gần đầy như cũ.

Mong muốn hầu hết của người dân nơi đây là xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ và Nhà máy Thủy điện Nậm Tộc khẩn trương huy động máy móc khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn cho nhân dân trong mùa mưa lũ này và những năm tiếp theo.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Anh Sùng A Tủa cùng đồng bào Mông ở Phình Hồ giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của quê hương.

Xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đang được đánh thức trở nên đẹp ngỡ ngàng, thu hút khách du lịch cả lúc bình mình, hoàng hôn và đêm xuống. Một Phình Hồ đang xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ, nâng giá trị chè búp tươi cho địa phương lên gấp gần 3 lần. Diện mạo, sức sống mới tươi trẻ, năng động đang dần hiện hữu ở một xã vùng cao xa xôi với những bước đi đầy tâm huyết, táo bạo của những người trẻ tuổi.

Thường trực Hội CTĐ tỉnh trao biểu trưng hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà cho gia đình chị Lương Thị Liên ở thôn 6, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình.

Những ngôi nhà chữ thập đỏ đã và đang được xây dựng chính là nghĩa cử cao đẹp của cả cộng đồng giúp người nghèo an cư, là "đòn bẩy” để những hoàn cảnh khó khăn yên tâm phát triển kinh tế.

Hành khách làm thủ tục bay tại Sân bay Quốc tế Nội Bài.

Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.

Người dân trang bị chống nắng khi ra đường.

Phía Tây Bắc Bộ ít mây, ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Riêng khu Tây Bắc có nắng nóng đặc biệt gay gắt, đêm không mưa. Gió nhẹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục