Đường vào bản Ten
- Cập nhật: Thứ hai, 5/7/2010 | 3:22:20 PM
YBĐT - Vào bản Ten, trên con đường bê tông thơm mùi lúa chín, tiếng máy xát phát ra rừng ngôi nhà sàn khang trang của gia đình ông Hà Văn Đức cùng tiếng nói cười của bà con xếp hàng đợi đến lượt xát thóc làm nhộn nhịp thêm âm thanh của bản làng.
Ông Lò Văn Pển - Tổ trưởng tổ 20 (bản Ten) phường Pú Trạng – thị xã Nghĩa Lộ, kể: “Từ ngày làm đường bê tông, khoảng cách từ bản ra phố như ngắn lại. Nói đơn giản như trước đây thương lái vào tận bản mua thóc, mua gà, vịt giá rẻ hơn so với ngoài chợ nhiều, còn bây giờ, bà con tự ra chợ bán, giá cả không bị ép như trước nữa. Bà con phấn khởi lắm! Không khí lao động sản xuất cũng hăng hái hơn. Kinh tế, văn hoá, xã hội của bản từ ngày có đường bê tông cũng đổi thay không ngừng”.
Bản Ten ở xã Trung Tâm, phường Pú Trạng đi lại khó khăn, 100% bà con là dân tộc Thái, trình độ nhận thức còn hạn chế, kinh tế chủ yếu là thuần nông. Xác định để đưa kinh tế phát triển, từng bước giải quyết khó khăn, nâng cao đời sống của nhân dân trong bản, năm 2009, phường Pú Trạng đã ưu tiên làm đường bê tông cho bản với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", theo cơ chế: Nhà nước 60%, nhân dân 40%. Bản Ten đã tổ chức họp dân triển khai và thống nhất hình thức đóng góp bằng ngày công và thuê thêm máy gạt làm mặt bằng.
Với sự đồng tình ủng hộ của các hộ dân, tuyến đường vào bản dài 440 m đã nhanh chóng được giải phóng mặt bằng và thi công. Mỗi khẩu chịu trách nhiệm ngày công 2,2 m chiều dài và 28.000 đồng tiền thuê máy. Đến tháng 12/2009, con đường đã hoàn thành trong niềm vui của dân bản.
Vào bản Ten, trên con đường bê tông thơm mùi lúa chín, tiếng máy xát phát ra rừng ngôi nhà sàn khang trang của gia đình ông Hà Văn Đức cùng tiếng nói cười của bà con xếp hàng đợi đến lượt xát thóc làm nhộn nhịp thêm âm thanh của bản làng. Trước đây, ông Đức chưa dám đầu tư máy xát vì đường đi khó khăn, chi phí cao, nếu lấy công đắt thì không đành. Nhưng từ ngày có đường mới, ông đã thực hiện mong ước của mình để phục vụ bà con, vừa đem lại lợi nhuận cho gia đình vừa thuận tiện cho nhân dân trong bản.
Hiện nay, bản có 45 hộ với gần 300 nhân khẩu, số hộ khá, giàu chiếm 30%, 60% số hộ có xe máy, ti vi. Các hộ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện mô hình áp dụng phân viên nén dúi sâu trong vụ đông xuân 2009-2010, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha. Trong vụ mùa 2010, bản có 70% diện tích cấy lúa sử dụng phân viên nén dúi sâu với các giống năng suất, chất lượng cao như: Nghi Hương 305, Chiêm Hương...
Nhiều hộ sử dụng phân viên nén dúi sâu trên 100% diện tích sản xuất lúa của gia đình, như hộ chị Hà Thị Tân, hộ ông Hoàng Văn Mầng, hộ bà Đinh Thị Linh... Nhiều hộ đầu tư chăn nuôi lớn như hộ ông Hoàng Trọng Nghĩa, trong chuồng lúc nào cũng có từ 30-40 con lợn. Một số hộ đã chuyển hẳn diện tích hoa mầu của gia đình sang chuyên trồng ngô nếp bán non cho thu nhập cao. Một số hộ chuyển sang trồng mướp đắng bước đầu cho hiệu quả.
Gia đình anh Hà Văn Thuần trồng 500 m2 mướp đắng, cho biết: “Gia đình trồng mướp đắng thu hoạch bán hạt, mỗi kg hạt bán được khoảng 200 - 250.000 đồng, chi phí đầu tư thấp cả giống và cây làm giàn chỉ khoảng trên 1 triệu đồng. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng dễ tiếp cận. Đây là năm đầu tiên gia đình tôi trồng thử nghiệm, nhưng tính sơ bộ hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng hoa màu khác”.
Cách làm kinh tế của bà con ở bản Ten đã có nhiều thay đổi và ngày càng phát triển. Hiện nay, 90% con em nhân dân trong bản đã được đến trường, tỷ lệ học lên cấp ba đạt 40%, không có tình trạng sinh con thứ 3... Bản Ten đã được công nhận bản làng văn hoá cấp phường và tiếp tục phấn đấu xây dựng được công nhận cấp thị xã.
Chia tay chúng tôi, ông Lò Văn Pển không giấu nổi trăn trở: “Trong bản vẫn còn nhiều hộ nghèo, đặc biệt có 9 hộ ở khu vực đầu bản chưa có nước sạch sinh hoạt. Chi bộ phấn đấu năm 2010 xoá được từ 3-4 hộ nghèo bằng cách giúp đỡ các hộ làm nhà, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế gia đình. Bản cũng mong muốn được Nhà nước đầu tư nguồn nước sạch phục vụ cho bà con, để phòng tránh dịch bệnh từ ô nhiễm nguồn nước gây ra”. Tôi hiểu tâm sự của ông Pển cũng là mong muốn thiết thực của người dân nơi đây. Và tôi tin bằng nội lực của người dân một ngày không xa bản Ten sẽ phát triển với những mô hình nông thôn mới.
Thu Hằng
Các tin khác
YBĐT - Phòng Tiếp nhận và Quản lý hồ sơ thuộc BHXH tỉnh Yên Bái hiện nay có 10 người, trong đó có 7 người là đảng viên, hầu hết đang ở tuổi Đoàn và có trình độ đại học. Với một đội ngũ cán bộ đa số là trẻ, nhiệt tình, yêu ngành, yêu nghề, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, lao động sáng tạo trong công việc, trong thời qua, cán bộ trong Phòng đã thực hiện tốt việc tiếp nhận và trả kết quả, giải quyết, tư vấn chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), quản lý và thực hiện công tác lưu trữ tài liệu, hồ sơ theo quy định.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, kết thúc đợt 1 kỳ thi ĐH 2010, cả nước có 104 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó 18 thí sinh bị khiển trách, 5 thí sinh bị cảnh cáo và 81 thí sinh bị đình chỉ thi, ít hơn 1 trường hợp so với năm 2009.
YBĐT - Là một doanh nghiệp Nhà Nước đứng chân trên địa bàn thành phố Yên Bái, với chức năng quản lý, xây dựng, sửa chữa, bảo quản hệ thống cầu, đường sắt từ ga Văn Phú - Yên Bái đến cầu Kiều - Lào Cai với chiều dài 160 km, trong những năm qua, lực lượng tự vệ Công ty Quản lý đường sắt Yên Lào luôn là lực lượng nòng cốt, xung kích thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của đơn vị.
YBĐT - Phát huy truyền thống của lực lượng công an trên quê hương anh hùng, những năm qua, lực lượng công an Trấn Yên (Yên Bái) đã tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân (CAND)”. Đặc biệt, qua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã đem lại nhiều chiến công trên trận tuyến thầm lặng, tất cả vì mục tiêu giữ trọn sự bình yên cho nhân dân.