Bệnh tả xuất hiện ở 10 tỉnh thành
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/7/2010 | 2:00:58 PM
Những ngày qua, một số địa phương đã xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp nhiễm phẩy khuẩn tả. Trong khi đó, các địa phương khác, bệnh tả đã sớm được đẩy lùi nhờ sử dụng các biện pháp đồng bộ, quyết liệt.
Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM cho thấy: có 3 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả, cả 3 bệnh nhân này đều ở quận Tân Bình.
Trước khi phát bệnh các bệnh nhân đã ăn bún riêu, uống trà đá, sữa đậu nành đá ngoài hè phố… Sở Y tế TPHCM vừa đề nghị quận Tân Bình rà soát lại thực phẩm ở các chợ và thức ăn đường phố, xử phạt kiên quyết các điểm kinh doanh thực phẩm, hàng rong... không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Trần Thuý Nga, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Bình cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang khử nhiễm ở những môi trường xung quanh, phát cloramin B và tờ rơi cho cộng đồng. Đồng thời cũng khoanh vùng không để dịch lây lan ra xung quanh, đặc biệt luôn nhắc nhở người dân ăn chín uống sôi, không được ăn uống tại các quán ăn lề đường”.
Cũng do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, tại thành phố Hà Nội, số bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp nhập viện tăng mạnh.
Tuần qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tới hơn 60 ca tiêu chảy cấp. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 28 bệnh nhân mắc tả, trong đó có 27 người ở Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Nhật Thỏa, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của bệnh viện cho hay, bệnh nhân mắc tả chủ yếu có liên quan đến thức ăn đường phố, thịt chó, rau sống, uống nước đá…
Mới đây, tại Thanh Hoá đã phát hiện một bệnh nhân mắc tả. Đây là ca bệnh tả đầu tiên trong năm nay ở tỉnh này. Người bệnh cho biết, trước đó ăn cơm tại quán ăn ven đường và ăn chè đá, cùng các thực phẩm không rõ nguồn gốc khác.
Tại một số địa phương như: Nam Định, An Giang, số bệnh nhân nhiễm phẩy khuẩn tả hồi cuối tháng 6 vừa qua đã khỏi bệnh, hồi phục và được ra viện. Hơn một tuần nay tại 2 địa phương này không xuất hiện bệnh nhân mới nhiễm tả.
Ông Vũ Hữu Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định chia sẻ kinh nghiệm: sau khi biết nguyên nhân tất cả 9 người nhiễm tả đều do uống nước đá và uống nước mưa chưa đun sôi, ngành y tế địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch, tuyên truyền người dân ăn chín uống sôi; tổng kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm, các cửa hàng ăn uống ở xã Trực Thái, huyện Trực Ninh nơi xuất hiện bệnh nhân mắc tả và kiểm tra tại các xã lân cận, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ông Vũ Hữu Việt nói: “Chúng tôi làm các biện pháp tương đối gắt gao, ngừng, cấm sản xuất nước đá; Đẩy mạnh việc tuyên truyền vệ sinh phòng chống dịch bệnh, trước hết phải sử dụng nước sạch. Thứ 2, tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tổng kiểm tra về sản xuất buôn bán chế biến các hàng ăn uống thực phẩm ở địa phương đó và các xã lân cận, xử lý môi trường triệt để”.
Cũng là một địa phương khống chế bệnh tả thành công, ông Phạm Văn Bé, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết, hiện địa phương vẫn giám sát chặt chẽ những ca tiêu chảy để phát hiện bệnh nhân mới.
Ông Phạm Văn Bé cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông tại những nơi có những ấp của những xã có dịch, khuyên họ nên ăn chín uống sôi. Uỷ ban và Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo, chủ yếu là ngành y tế và các cơ sở điều trị, giám sát chặt chẽ những ca tiêu chảy mất nước. Với những ca tiêu chảy cấp, mất nước, tiến hành chống dịch như một ca tả đồng thời lấy mẫu xét nghiệm ngay tại chỗ”.
Như vậy, từ đầu năm đến nay cả nước đã có 10 địa phương ghi nhận các bệnh nhân nhiễm tả, hầu hết số bệnh nhân này đều sử dụng thức ăn đường phố, uống nước đá, hoặc nước chưa đun sôi.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, ở một số địa phương khống chế thành công căn bệnh tả đều khẳng định biện pháp hữu hiệu đề phòng căn bệnh này là thực hiện ăn chín uống sôi, tránh ăn uống thức ăn đường phố.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, Văn Chấn (Yên Bái) luôn là tâm điểm chịu ảnh hưởng của các đợt bão lũ. Hầu như năm nào cũng có người chết và mất tích, nhiều nhà dân bị sập đổ, tốc mái gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa mầu. Vì vậy, công tác chuẩn bị đối phó trong mùa mưa bão luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt trung tuần tháng 6 vừa qua, Văn Chấn đã tổ chức thành công đợt diễn tập phòng chống lũ bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) do Trung ương chọn làm điểm.
YBĐT - Một trong các giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số-KHHGĐ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2009-2012, đó là: củng cố kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, nhất là ở cấp cơ sở theo hướng tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số.
Nhiều hồ thủy điện miền Trung, miền Nam đã về sát mực nước chết; hàng loạt sự cố trên đường dây và các nhà máy điện liên tiếp diễn ra gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong tuần đầu tháng 7 dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Ngày 8-7, tại Đà Nẵng, Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề cơ bản về phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020”.