Văn Chấn sẵn sàng đối phó với mưa bão
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/7/2010 | 9:14:17 AM
YBĐT - Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, Văn Chấn (Yên Bái) luôn là tâm điểm chịu ảnh hưởng của các đợt bão lũ. Hầu như năm nào cũng có người chết và mất tích, nhiều nhà dân bị sập đổ, tốc mái gây thiệt hại lớn về tài sản và hoa mầu. Vì vậy, công tác chuẩn bị đối phó trong mùa mưa bão luôn được UBND huyện quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt trung tuần tháng 6 vừa qua, Văn Chấn đã tổ chức thành công đợt diễn tập phòng chống lũ bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) do Trung ương chọn làm điểm.
Diễn tập cứu người bị thương do sạt lở đất ở Văn Chấn.
|
Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban PCLB huyện Văn Chấn cho biết: "Trong hội nghị triển khai công tác PCLB được tổ chức mới đây, huyện đã xác định cụ thể các khu vực dễ xảy ra bão lốc, sạt lở, ngập lụt, lũ ống và lũ quét cũng như tọa độ để lên phương án phòng chống. Khu vực lũ lụt được coi là trọng điểm thuộc các xã: Thạch Lương, Phù Nham, Cát Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Nghĩa Tâm. Khu vực trọng điểm sạt lở gồm: Nậm Búng, Minh An, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Tân Thịnh, Đèo Ách (Cát Thịnh). Khu trọng điểm bão lốc gồm có: Thượng Bằng La, Đồng Khê, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm.
Qua việc xác định các vùng trong điểm nguy cơ cao để chỉ đạo sát sao công tác PCLB, trong tháng 5, huyện cũng đã huy động nhân dân các xã giải phóng các công trình kiến trúc và các vật cản như: tre, gỗ, rác... trong tất cả các khe suối. Toàn bộ kế hoạch triển khai đều được cụ thể hoá trên các bản đồ hành chính, đây là một điểm mới tạo điều kiện thuận lợi, chủ động trong công tác chỉ đạo, triển khai lực lượng một cách chính xác khi xảy ra mưa lũ.
Với phương châm chỉ đạo “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hiệu quả”, trong đó lấy phòng tránh là chính. Phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) vẫn là biện pháp chính. Tư tưởng trên đã được huyện quán triệt đến từng xã, thôn bản.
Ông Lò Pậu- Chủ tịch UBND xã Gia Hội cho biết: “Trong kế hoạch PCLB - TKCN, xã đã xây dựng một cách chi tiết, các tình huống xảy ra đều có lực lượng ứng cứu kịp thời. Khi xảy ra thiên tai gây thiệt hại về người và tài sản, xã chủ động sử dụng lực lượng tại chỗ đi ứng cứu; tổ chức cứu người trước, tài sản sau và báo ngay lên cấp trên để kịp thời chỉ đạo”. Các biện pháp phòng chống khi xảy ra các tình huống như: bão, lốc, lũ lụt, sạt lở, được huyện xây dựng hết sức chi tiết. Chẳng hạn, khi xảy ra lũ lụt thì các lực lượng: tuần tra canh gác báo động, sơ tán nhân dân và tài sản, tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ đảm bảo an toàn khi được phân công nhiệm vụ cụ thể.
Cùng với lực lượng tại chỗ là dân quân và các đoàn thể cấp xã, thị trấn, huyện còn có lực lượng sẵn sàng PCLB-TKCN. Trong đó, Ban Chỉ huy quân sự huyện thành lập các tổ cơ động sẵn sàng nhận nhiệm vụ và một tổ trực 24/24 giờ tại cơ quan. Công an huyện cũng thành lập các tổ, mỗi tổ từ 3-5 người sẵn sàng cơ động đến khu vực xảy ra thiên tai kết hợp với đội xung kích khu vực để giữ gìn an ninh, trật tự.
Ngoài ra, huyện còn chủ động 1 đại đội dự bị động viên 110 người thuộc tiểu đoàn bộ binh 1 Văn Chấn và trung đội cơ động của các xã: Cát Thịnh, Tân Thịnh, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Phù Nham, Nậm Búng, Tú Lệ, Sơn Lương, Nghĩa Tâm có quân số theo biên chế cơ sở sẵn sàng cơ động khi có tình huống. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành viên như: Phòng Kinh tế, lực lượng vũ trang, công an, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các công tác bảo đảm tổ chức chỉ huy, thông tin liên lạc, cơ động lực lượng; hậu cần, quân y đều đã được lên kế hoạch hết sức cụ thể.
Toàn bộ kế hoạch được tổ chức diễn tập vào trung tuần tháng 6 vừa qua được Văn phòng Trung ương PCLB - TKCN đánh giá tốt. Rút kinh nghiệm từ thực tế và qua các đợt diễn tập, lên kế hoạch giao nhiệm vụ chi tiết cụ thể, mùa mưa lũ này huyện Văn Chấn đã sẵn sàng đối phó với bão lũ ở mức cao nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
A.D
Các tin khác
YBĐT - Một trong các giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số-KHHGĐ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2009-2012, đó là: củng cố kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, nhất là ở cấp cơ sở theo hướng tăng cường và nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số.
Nhiều hồ thủy điện miền Trung, miền Nam đã về sát mực nước chết; hàng loạt sự cố trên đường dây và các nhà máy điện liên tiếp diễn ra gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trong tuần đầu tháng 7 dưới thời tiết nắng nóng gay gắt.
Ngày 8-7, tại Đà Nẵng, Bộ Khoa học - Công nghệ phối hợp với Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề cơ bản về phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020”.
YBĐT - Những năm 1994 - 1995 trở về trước, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) từng là địa phương gieo trồng cây anh túc với diện tích lớn, dẫn đến địa bàn xã có nhiều người nghiện.