Truyền hình Yên Bái những ngày đầu tiên

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/7/2010 | 2:36:58 PM

YBĐT - Cuối năm 1989, Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn được tỉnh đầu tư mua một máy phát hình Liên Xô, công suất 100w. Đầu năm 1990, máy được đưa vào phát thử nghiệm tại khu trụ sở Đài, km7 bằng chiếu phim, thi thoảng có buổi phỏng vấn. Đặc biệt, Phòng Thời sự (lúc đó được giao chỉ đạo phóng viên truyền hình) còn mạnh dạn tổ chức ghi hình kỳ họp HĐND tỉnh rồi cứ thế phát mộc lên sóng!

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trong buổi
tiếp nhận xe truyền hình của Dự án ODA (Tây Ban Nha).
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trong buổi tiếp nhận xe truyền hình của Dự án ODA (Tây Ban Nha).

 Cái việc nôm na “mời cả nhà xem nháp” gây nên dư luận bất lợi cho hoạt động truyền hình. Vì thế, Phòng Biên tập Văn nghệ được giao nhiệm vụ tổ chức cả nội dung truyền hình, với yêu cầu phát sóng chương trình đầu tiên vào Ngày sinh lần thứ 100 Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời máy phát sóng truyền hình được chuyển ra Km5, trên khu đồi Ngân hàng xây dựng thành Trạm Phát sóng tại đó, chuẩn bị cho việc di chuyển cả Đài ra trung tâm.

Được giao việc, cả Phòng Văn nghệ vừa mừng, vừa  lo, bởi ca-mê-ra chỉ có một chiếc M7, máy dựng là hai đầu video, trong đó có một chiếc đã sử dụng lâu từ một dự án nước ngoài, tỉnh trao lại cho đài. Những thiết bị kỹ thuật do Phòng Kỹ thuật truyền hình quản lý, sự kết hợp giữa hai đơn vị không phải lúc nào cũng dễ dàng. Muốn có một căn nhà đẹp, dứt khoát phải có một thiết kế tốt. Truyền hình cũng vậy, phải có kịch bản, kế hoạch chương trình thì mới tổ chức được hình ảnh, đối tượng ghi hình; có được kịch bản phân cảnh để đạo diễn ghi, dựng hình thành tin, thành phóng sự, phim tài liệu… Từ cách nghĩ đó, chúng tôi chỉ đạo phóng viên quay phim chạy theo các sự kiện để làm tin. Tổ chức viết kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh, với sự giúp đỡ của Công ty Cơ giới nông nghiệp, của Sở Thuỷ lợi, Sở Thương mại chuẩn bị trước ba phóng sự để chủ động chương trình. Mọi việc tưởng chỉ chờ bấm nút khởi động thì bất ngờ, bộ phận kỹ thuật thông báo máy phát “trục trặc kỹ thuật”. Thế là chương trình truyền hình đầu tiên mặc nhiên bị dời lại.

Đã có kinh nghiệm từ chương trình đầu tiên, lại dư thời gian xem xét, chỉnh sửa, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc đi cơ sở. Bám sát nội dung thời sự chính trị của tỉnh. Ngày 15/7/1990, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Phát thanh - Truyền hình Hoàng Liên Sơn với hình hiệu là biểu tượng năm ngọn Ngũ chỉ sơn, nhạc hiệu là nhạc hiệu Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn đã được truyền đến từng nhà người dân ở thị xã tỉnh lỵ và các huyện Yên Bình, Trấn Yên, một phần huyện Văn Yên, Văn Chấn và các huyện giáp ranh các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Tuyên. Chỉ với 17 phút phát sóng ban đầu (gồm 4 tin hình, 3 tin đọc, 1 phóng sự về hoạt động ở Công ty Cơ giới nông nghiệp) nhưng chúng tôi, những người làm truyền hình đã phải chuẩn bị cả 5 tháng trời mới đến được.

Cũng bởi khi ấy đâu có bàn dựng, trường quay. Dựng hình bằng lấy một đầu video làm máy phát, một đầu video khác làm máy in, việc lấy chuẩn các câu hình như thử thách bàn tay khéo léo của kỹ thuật viên. Băng dựng xong thì dùng ca-mê-ra để đúp tiếng phát thanh viên đọc lời bình. Dựng phóng sự, muốn có âm nhạc cho sinh động thì thêm một máy radio catssete phát nhạc cùng lời đọc của phát thanh viên. Để duy trì đều đặn mỗi tuần một chương trình, thời lượng tăng dần lên 25 rồi 30 phút phát sóng thực sự là quay như chong chóng, nhiều đêm anh chị em phải làm việc tới hai, ba giờ sáng để có máy tiếp tục đi ghi hình hôm sau.

Hoạt động truyền hình dần ổn định nên từ tháng 10/1990, tăng lên mỗi tuần có hai chương trình phát sóng. Sau mỗi chương trình địa phương đều có chiếu phim truyện, vì thế Đài Truyền hình Hoàng Liên Sơn luôn được sự chờ đón của khán giả. Đặc biệt trong giai đoạn này có giải bóng đá thế giới tại Italia, chúng tôi đã tự chế ăng ten thu, ghi lại các trận đấu qua sóng truyền hình Tam Đảo rồi tổ chức phát lại trên sóng Đài tỉnh được bạn xem rất hoan nghênh.

Để xứng đáng với niềm tin yêu của khán giả, mặc dù phải đưa trực tiếp băng tin, phóng sự về Đài Truyền hình Việt Nam bằng đường tàu hoả, nhưng mỗi tuần Đài Hoàng Liên Sơn cũng có từ 3 đến 5 tin, mỗi tháng có từ 3 đến 5 phóng sự phát trên sóng Đài Truyền hình quốc gia.

Chuyện tưởng như còn tươi mới mà thoắt đã hai mươi năm! 

 Dương Soái

Các tin khác
Đội tuyển Olympic IMO 2010.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, cả 6 học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế IMO 2010 đều đoạt giải. Trong đó 1 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.

Các đội tri thức trẻ tình nguyện hè 2010 tại buổi lễ xuất quân.

YBĐT - Với chuyên đề “Thanh niên Yên Bái cùgn xã nghèo vượt khó” và phương châm hành động “Mỗi thanh niên một việc làm tình nguyện, mỗi chi đoàn, mỗi cơ sở đoàn một công trình, phần việc thanh niên”.

YBĐT - Vừa qua, HĐND huyện Văn Yên (Yên Bái) đã triển khai kỳ họp thức 14 đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2010.

YBĐT - Không tránh khỏi những khó khăn trắc trở như bao đài PT-TH địa phương khác, song Đài PT-TH Yên Bái đã có những sáng tạo riêng để có thể làm truyền hình trực tiếp theo kiểu “cái khó ló cái khôn”. Cách đây 13 năm, tháng 6 năm 1997, chương trình truyền hình trực tiếp (THTT) đầu tiên của Đài PT-TH Yên Bái được thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục