Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào vùng cao: Đừng bỏ qua các buổi chợ phiên!

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/8/2010 | 9:51:07 AM

YBĐT - Để thu hút người đi chợ tự giác tham gia vào các buổi TTPBPL tại phiên chợ, không thể sử dụng hình thức đọc hay diễn thuyết văn bản luật một cách khô khan mà cần sử dụng các hình thức, phương pháp tuyên truyền sinh động, sáng tạo, tạo không khí vui tươi, thoải mái cho người nghe.

Đây sẽ là nơi tuyên tuyền pháp luật hiệu quả. Ảnh Quang Tuấn
Đây sẽ là nơi tuyên tuyền pháp luật hiệu quả. Ảnh Quang Tuấn

Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật (TTPBPL) được vận dụng hiện nay tại cơ sở chủ yếu là tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, thông qua các hội nghị chuyên đề hay lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản.

Tuy nhiên, do đặc thù địa phương với khá đông đồng bào là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa nên những hình thức tuyên truyền trên nhiều khi chưa thực sự phát huy tác dụng, chưa dễ đi vào nhận thức của bà con. Nhưng có một hình thức TTPBPL khá đơn giản, dễ thực hiện, thu hút sự quan tâm của đồng bào lại chưa thường xuyên được áp dụng, đó là TTPBPL tại các phiên chợ vùng cao.

Chợ phiên một tháng đôi lần

Chợ phiên là nét đẹp văn hóa lâu đời đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Mỗi gia đình một hoàn cảnh, dù khó khăn hay no ấm thì cũng không ảnh hưởng đến việc có mặt ở buổi chợ phiên. Với đồng bào vùng cao, chợ phiên không chỉ là để buôn bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là niềm vui, là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu với nhau. Chợ phiên hiện nay vẫn tồn tại ở hầu hết các xã, một tuần thường có 2 phiên chợ. Ở đấy ta có thể bắt gặp rất nhiều món hàng mà ở những chợ nơi thành thị không thể có được.

Những phụ nữ, trẻ em, cô gái, chàng trai người Mông, người Dao ríu rít bán mua. Có nhà chỉ có mấy mẹ con dắt nhau đi, có nhà thì cả hai vợ chồng cùng đi chợ, có nhà lại đi cả gia đình, bởi họ quan niệm đi chợ phiên như tham gia một lễ hội. Vào chợ, họ háo hức tham gia các hoạt động mua bán, xem cái này, ngó cái kia. Đặc biệt là những hoạt động văn hóa, văn nghệ có sức thu hút hơn với người đi chợ.

Đây là một thuận lợi cho những người làm công tác tuyên truyền, bởi nếu tuyên truyền thông qua các hội nghị hay cuộc họp thì sẽ không thu hút được người nghe, mà nếu người dân có đi thì lại chủ yếu là người già, phụ nữ, trong khi đối tượng hay vi phạm luật lại chủ yếu rơi vào bộ phận thanh niên.

Những người chịu tham gia cuộc họp thì chỉ đến một lúc và về bởi kiến thức pháp luật vừa khô khan, vừa khó nhớ mà phải ngồi nghe báo cáo viên thuyết giảng trên bục hết điều nọ đến khoản kia thì rất khó nhập tâm, trong khi nhà còn bao việc phải làm. Vậy là về. Kiến thức pháp luật cũng  không thiết thực bằng những thứ đang hiện hữu ngoài phiên chợ và trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, các buổi TTPBPL thông qua cuộc họp hay hội nghị dần trở nên mang nặng tính hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực.

Tuyên truyền gì ở chợ phiên?

Để thu hút người đi chợ tự giác tham gia vào các buổi TTPBPL tại phiên chợ, không thể sử dụng hình thức đọc hay diễn thuyết văn bản luật một cách khô khan mà cần sử dụng các hình thức, phương pháp tuyên truyền sinh động, sáng tạo, tạo không khí vui tươi, thoải mái cho người nghe. Một cách thức khá hiệu quả đó là trình diễn các tiết mục văn nghệ lồng ghép nội dung TTPBPL, có thể là sáng tác các bài thơ, bài vè, phổ nhạc vui hay các tiểu phẩm hài có các tình tiết liên quan đến pháp luật. Thời gian tuyên truyền chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng là đủ. Mỗi phiên chợ chỉ cần tuyên truyền một ít, nhưng phải đơn giản, dễ hiểu, thường xuyên, liên tục để bà con dễ nhớ và nhớ lâu.

Để thực hiện được việc này, Ban Tư pháp và Ban TTPBPL của các xã phải là người chủ trì tổ chức, xây dựng chương trình và mời các ngành thành viên cùng chung tay thực hiện, việc tuyên truyền tại phiên chợ cần có sự đầu tư cả về thời gian, vật chất và tâm huyết của những người thực hiện.

Một số văn bản luật có thể tuyên truyền, phổ biến tại các phiên chợ, đó là, Luật Giao thông đường bộ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Hôn nhân – Gia đình, pháp luật về hộ tịch – hộ khẩu… thông qua hình ảnh hay tổ chức một cuộc thi hái hoa tìm hiểu kiến thức pháp luật vào mỗi phiên chợ để kiểm nghiệm xem bà con đã nghe được gì, nhớ được gì trong những buổi tuyên truyền trước đó, phần thưởng không cần giá trị vật chất lớn nhưng lại đem lại giá trị tinh thần, khuyến khích bà con tập trung đông hơn để nghe và tìm hiểu.

Thiết nghĩ, thay vì chỉ tuyên truyền bó hẹp trong phạm vi hội trường, cuộc họp thì những người làm công tác TTPBPL cũng cần mạnh dạn đưa việc tuyên truyền vào các phiên chợ của địa phương mình. Tin tưởng rằng, cách thức tuyên truyền này sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào vùng cao.

Tân Nhân

Các tin khác
Cán bộ quân sự Ban chỉ huy quân sự huyện kiểm tra bảo quản vũ khí phục vụ huấn luyện.

YBĐT - Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã chỉ đạo huấn luyện năm 2010 xong 12/18 đơn vị cơ sở, đạt 66,6%, quân số huấn luyện đạt 45,2%.

YBĐT - Từ đầu năm 2010 đến nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã giải quyết việc làm mới cho trên 1.730 người (bằng 52,4% kế hoạch), trong đó trên 1.000 người được giải quyết việc làm từ phát triển kinh tế - xã hội; trên 680 người tham gia xuất khẩu lao động trong và ngoài nước (bằng 65,5% kế hoạch tỉnh giao).

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh Yên Bái về chính sách giải quyết giáo viên dôi dư, sau gần 1 năm triển khai đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết được trên 1.000 trường hợp.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục