Trường THCS Võ Thị Sáu Nỗ lực xây dựng chuẩn quốc gia
- Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2010 | 3:02:52 PM
YBĐT - Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Yên Bái được tách ra từ Trường THCS Quang Trung năm 1993.Từ khi thành lập đến nay, các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức nhà trường đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa cho con em tại cửa hàng của công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học.
|
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thầy, cô giáo và học sinh nhà trường đã có nhiều cố gắng vươn lên trong giảng dạy và học tập, xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2001- 2010.
Cô giáo Nguyễn Thanh Vân - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “ Khi mới tách ra từ Trường THCS Quang Trung, nhà trường chỉ có 3 căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng, đường lên trường thì dốc cao, sân chơi chật hẹp, lầy lội, trang thiết bị phục giảng dạy và học tập thiếu thốn... Đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn không đồng đều, các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế; chất lượng giáo dục chưa cao. Đây là những khó khăn trở ngại đối với nhà trường trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”. Để phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trong 5 năm qua, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo rà soát từng tiêu chí, nếu tiêu chí nào chưa đạt theo 5 tiêu chí quy định của trường chuẩn quốc gia, thì tìm giải pháp tham mưu với các cấp, các ngành giúp nhà trường tháo gỡ khó khăn để đạt cho được tiêu chí đó.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhà trường xác định phải sớm hoàn thành, đó là cho đội ngũ giáo viên đi học nâng cao trình độ chuẩn và trên chuẩn. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng học sinh, làm tốt công tác tuyển sinh vào lớp 6; xây dựng kế hoạch đúng thời gian để phân công giáo viên giảng dạy đúng với khả năng, năng lực của từng thầy, cô giáo. Đầu năm học, nhà trường tổ chức cho giáo viên ký kết thực hiện tốt chủ đề của năm học và chất lượng học sinh; họp phụ huynh bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cho con em, qua đó phụ huynh tự ký cam kết với nhà trường để kết hợp xây dựng môi trường lành mạnh, duy trì tỷ lệ thường xuyên cao, trang bị đầy đủ sách vở cho học sinh, không để học sinh thiếu sách vở...; duy trì tốt các hoạt động chuyên môn như sinh hoạt tổ khối, kiểm tra, thăm lớp dự giờ, cho giáo viên đi thực tế học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào giảng dạy; làm tốt công tác thi đua khen thưởng theo kỳ và hàng năm; tổ chức các chuyên đề hội thảo đánh giá đúng thực chất việc dạy và học, rút kinh nghiệm, tìm ra những giải pháp kịp thời để tổ chức giảng dạy và học tập tốt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, Sở Giáo dục- Đào tạo, Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Yên Bái quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động phụ huynh học sinh và các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng giáo dục.
Với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, cán bộ công nhân viên chức và học sinh; đến nay, Trường THCS Võ Thị Sáu đã có bước phát triển khá toàn diện. Nhà trường đã được đầu tư xây dựng khang trang hơn, có đủ phòng học cho 13 lớp học 1 ca cùng 4 phòng học bộ môn, 2 phòng chức năng, 2 phòng thư viện, 1 phòng máy vi tính được trang bị 18 máy, 1 phòng ứng dụng công nghệ thông tin; phòng thư viện được trang bị tương đối đầy đủ sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, truyện thiếu niên...
Hệ thống phòng làm việc của Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể được đảm bảo; sân chơi sạch sẽ, có cây che bóng mát; khu tập thể dục thể thao được bố trí đảm bảo theo quy định. Năm học 2009 - 2010, nhà trường được đầu tư toàn bộ trang thiết bị phòng thực hành bộ môn Hoá học với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng; các phòng học bộ môn hiện đang được khai thác, sử dụng hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường đã không ngừng được nâng lên.
Hiện nay 100% giáo viên của nhà trường đã đạt chuẩn, trong đó có 45,7% trên chuẩn; có 83,6% giáo viên giỏi, 16,4% giáo viên đạt loại khá, không có giáo viên trung bình và yếu về chuyên môn. Trong 8 năm qua, nhà trường có 11 lượt giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi - chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 52 lượt cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi - chiến sĩ thi đua cấp thành phố...
Kết quả chất lượng giáo dục trong 8 năm qua được nâng lên rõ rệt. Học sinh hạnh kiểm tốt đạt 81,4%, khá trên 16%; học lực loại giỏi đạt 14,4%, khá đạt 53,6%; tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,6%; xét tốt nghiệp THCS đạt 99,8%; 340 lượt học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố; 111 lượt đạt danh hiệu cấp tỉnh và 7 lượt đạt cấp khu vực...
Bằng sự nỗ lực, cố gắng của thầy và trò nhà trường trong nhiều năm qua, năm học 2009- 2010, Trường đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2001- 2010.
Trường Phong
Các tin khác
Kể từ ngày 23 – 8, đường Láng – Hòa Lạc chính thức đổi tên thành Đại lộ Thăng Long. Cùng với đó, 42 đường, phố khác cũng được đặt, đổi tên mới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, trong 4-5 ngày tới, do ảnh hưởng của bão số 3 và sau đó là vùng áp thấp, các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội tiếp tục có mưa, mưa to đến rất to. Nhiều địa phương nguy cơ sạt lở đất cao…
Không phải là bão mạnh, đường đi không quá phức tạp, song Mindulle đã cướp đi 4 sinh mạng và làm mất tích 10 ngư dân. Hiện còn một tàu với 3 lao động Thanh Hóa liên tục phát tín hiệu cấp cứu do gặp nạn trong bão.
YBĐT - Là một trong 2 huyện vùng cao nghèo nhất của tỉnh lại tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 77,9%, dân tộc Thái chiếm 16% dân số, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của đồng bào vùng cao còn hạn chế.