Thấy gì qua việc chuyển đổi trường mầm non ra ngoài công lập?

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/8/2010 | 10:15:45 AM

YBĐT - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24 cho thấy, việc chuyển đổi trường mầm non công lập ra ngoài công lập (tư thục) đã và đang nảy sinh một số vấn đề cần phải điều chỉnh.

Giáo viên Trường Mầm non Sao Mai hướng dẫn học sinh làm quen với thế giới tự nhiên.
Giáo viên Trường Mầm non Sao Mai hướng dẫn học sinh làm quen với thế giới tự nhiên.

Ngày 15 tháng 12 năm 2006, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 24/2006/NQ- HĐND về việc phê duyệt Đề án “ Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và dạy nghề tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006- 2010”.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24 cho thấy, việc chuyển đổi trường mầm non công lập ra ngoài công lập (tư thục) đã và đang nảy sinh một số vấn đề cần phải điều chỉnh.

Mục tiêu của Nghị quyết số 24 trong giai đoạn 2006- 2010 về lĩnh vực giáo dục: “...Chuyển phần lớn các cơ sở công lập và một phần các cơ sở giáo dục không đảm nhận nhiệm vụ phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển tất cả các cơ sở bán công và một số trường công lập ở các bậc học: mầm non, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp thuộc khu vực thành phố, thị xã và vùng kinh tế phát triển sang loại hình ngoài công lập...”.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 24, toàn tỉnh mới chuyển đổi được 3 trường mầm non từ công lập sang tư thục, gồm: thành phố Yên Bái chuyển đổi Trường Mầm non Hoa Hồng (phường Minh Tân) và Mầm non bán công Sao Mai (phường Hồng Hà), thị xã Nghĩa Lộ chuyển đổi Trường Mầm non bán công Hoa Ban (phường Trung Tâm).

Những ngày cuối tháng 8, các trường chuẩn bị bước vào năm học mới 2010- 2011, chúng tôi có dịp đến thăm 3 ngôi trường mầm non trên và thăm một ngôi trường công lập vừa chuyển đổi “hụt”, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và phụ huynh học sinh. Sau một năm chuyển đổi, 3 trường mầm non đã có thay đổi về đội ngũ và cơ sở vật chất.

Ông Vũ Trung Kiên- Phó giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo Đồng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị 2 trường mầm non Sao Mai và Hoa Hồng cho biết: “Tháng 7 năm 2009, Công ty cổ phần Đào tạo Đồng Tâm đã trúng thầu mua lại Trường Mầm non bán công Sao Mai và Hoa Hồng. Sau khi làm thủ tục chuyển đổi xong, chúng tôi đã đầu tư sửa chữa nhà lớp học Trường Mầm non Sao Mai, lắp máy điều hoà nhiệt độ tất cả 8 phòng học, sơn tường, mua bàn ghế, đồ chơi, chăn, gối, đệm... trị giá trên 600 triệu đồng; đầu tư sửa chữa Trường Hoa Hồng trên 300 triệu đồng.

Năm 2010, chúng tôi tiếp tục đầu tư xây mới 2 nhà lớp học 3 tầng cho Trường Hoa Hồng, dự toán là 4,6 tỷ đồng để thay thế các phòng học ở đây đã xuống cấp. Về đội ngũ giáo viên, chủ yếu Hội đồng quản trị phải tuyển mới, vì sau khi mua lại 2 trường, Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố đã chuyển tất cả giáo viên biên chế sang các trường khác, chỉ còn một số ít giáo viên hợp đồng và nhân viên nuôi dưỡng ở lại.

Khi tiếp nhận giáo viên hợp đồng ở lại trường, Hội đồng quản trị đã trả lương cho giáo viên theo bằng cấp và tăng lương trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp 3 năm một lần, giáo viên nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục thì được nâng lương sớm một năm và đều có chế độ trong các ngày lễ, tết, tham quan, nghỉ mát...”.

Tuy vậy, khi được hỏi về nguyện vọng mong muốn dạy ở trường công lập hay tư thục, cô giáo Trần Thu Phương- giáo viên Trường Mầm non Sao Mai tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái), tháng 8/2007 em xin vào làm việc tại Trường Mầm non bán công Sao Mai. Lương năm đầu được trả 750.000 đồng/tháng, sau 3 tháng được đóng bảo hiểm; năm thứ 2 được trả 900.000 đồng/tháng; năm 2009 đến nay được trả 1 triệu 300 ngàn đồng/tháng. Dạy ở trường tư thục vất hơn, phải làm cả ngày thứ 7 mà lương thì không đảm bảo lắm!”.

Đó là những giáo viên hợp đồng ở lại trường không được nâng lương kịp thời từ ngày 1/5/2010, còn với các hộ có thu nhập thấp ở gần trường cũng không còn sự lựa chọn nào khác là vẫn phải gửi con vào trường tư thục mặc dù học phí cao gấp nhiều lần so với trường công lập. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền và anh Nguyễn Văn Hiếu, cư trú tại tổ 50, phường Minh Tân (sát cổng Trường Mầm non Hoa Hồng) phàn nàn:

-Gia đình chúng em rất khó khăn, em thì có việc làm ổn định còn chồng em bị tai nạn giao thông, chưa hồi phục sức khoẻ đã phải đi làm bảo vệ, mỗi tháng được thêm hơn 1 triệu đồng phụ gia đình nuôi 2 cháu ăn học. Còn anh Hiếu, anh trai em thì cả hai vợ chồng không có công ăn việc làm phải đi làm thuê, mỗi tháng được trên 2 triệu đồng, chưa có nhà phải ở chung căn nhà tạm với ông bà nội. Năm ngoái, Trường thu 200 ngàn đồng tiền học phí/ tháng, cộng với tiền ăn là 410 ngàn đồng/tháng; năm nay tăng học phí lớp nhà trẻ lên 350 ngàn/tháng, mẫu giáo lên 300 ngàn/tháng, cộng tiền ăn 208 ngàn đồng/ tháng, chúng em đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

- Sao anh, chị không xin cho cháu vào trường công lập?

- Em và anh trai em đã mang hồ sơ ra Trường Mầm non Bông Sen, phường Minh Tân nộp, nhưng các cô giáo bảo nhà trường sắp chuyển đổi ra ngoài công lập, vậy là không còn sự lựa chọn nào khác là quay về trường cũ vì xin các trường công lập ở phường trái tuyến khó lắm...

Rời thành phố Yên Bái trong cơn mưa rào tầm tã, chúng tôi vào Trường Mầm non Hoa Ban (thị xã Nghĩa Lộ). Ấn tượng đầu tiên khi bước vào cổng trường là ngôi nhà mới được đầu tư xây dựng khá khang trang, rộng rãi, thoáng mát.

Ông Bùi Đức Tự - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho hay: “Tháng 10/2009, chúng tôi mua lại Trường Mầm non bán công Hoa Ban, khi đó Trường có 8 lớp học, 170 học sinh, sau đó tăng lên 220 học sinh, tất cả 8 phòng học đều chật chội và đã xuống cấp nghiêm trọng. Hội đồng quản trị đã quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng mua sắm đồ chơi, sửa lại 2 phòng học và xây mới xây mới 6 phòng học khép kín, mỗi phòng trên 70 m2, tổng đầu tư 2,5 tỷ đồng, được ngân sách hỗ trợ 500 triệu đồng".

Năm học 2009- 2010, khi chuyển đổi đã vào năm học được hơn 1 tháng nên chúng tôi quyết định vẫn thu học phí theo mức nhà trường đang thu là 120 ngàn đồng/tháng, tiền ăn 6.000 đồng/ngày. Năm học 2010- 2011, nhà trường đã nhận 250 hồ sơ học sinh, chủ yếu là con các gia đình cán bộ công chức, hộ gia đình khá giả ở phường Trung Tâm và một số phường lân cận. Mức học phí năm nay của các lớp nhà trẻ tăng lên 300 ngàn đồng/tháng, mẫu giáo 278 ngàn đồng, tiền ăn 7.000 đồng/ngày (chưa tính tiền chất đốt).

Về đội ngũ giáo viên, nhân viên, có một cô hiệu phó biên chế ở lại làm hiệu trưởng và 9 cô hợp đồng đang hưởng 85% lương theo bằng cấp. Khi chuyển đổi, chúng tôi đã cho 9 cô hợp đồng hưởng 100% lương và làm thủ tục đóng bảo hiểm cho 6 cô chưa được đóng...”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mùi, Trường Mầm non Bông Sen dạy các cháu tập hát.

Trở lại thành phố Yên Bái, chúng tôi đến Trường Mầm non Bông Sen, thuộc phường Minh Tân- ngôi trường vừa chuyển đổi “hụt” sang tư thục. Cô giáo Lê Thị Hạnh- Hiệu trưởng nhà trường, cầm Quyết định số 1485/QĐ của UBND thành phố Yên Bái do ông Trần Công Thành- Chủ tịch UBND thành phố ký ngày 10/6/2010 về việc phê duyệt Đề án “Chuyển đổi trường Mầm non Bông Sen từ loại hình trường công lập sang loại hình trường ngoài công lập”, giãi bầy:

- Khi nhận được quyết định phê duyệt chuyển đổi, tất cả 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Trường rất buồn, vì quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi có hiệu lực từ ngày ký, tôi và 5 giáo viên khác đã cao tuổi xin nghỉ theo Nghị định 132 của Chính phủ, còn 16 giáo viên biên chế và giáo viên hợp đồng, nhân viên thì rất lo lắng không biết tương lai của mình sẽ ra sao.

- Vậy tại sao chị và tập thể nhà trường không có kiến nghị trước khi xây dựng Đề án?

- Mình biết gì về Đề án đâu. Phòng Giáo dục- Đào tạo thành phố Yên Bái làm Đề án cho, mình chỉ việc ký thôi, chứ ai lại tự “bán” mình!.

- Thế tại sao đến nay vẫn chưa chuyển đổi?

- Chúng tôi đều lo lắng, sắp hết hè rồi mà không giáo viên nào đến trường vệ sinh lao động, để cỏ và rác ngập sân trường, các bậc phụ huynh thì đứng kín ngoài cổng trường chờ nộp hồ sơ mà không biết nộp cho ai nên rất bức xúc, vì học sinh ở trường này thường có tới trên 80% là con em các hộ dân có thu nhập thấp. Mãi đến ngày 11/8/2010, khi nhà trường nhận được thông tin từ thành phố là không phải chuyển đổi nữa, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường rất mừng, tập trung đến trường lao động từ thứ 5 đến chủ nhật để chuẩn bị đón học sinh tựu trường...

Khi nhận được tin không phải chuyển đổi ra ngoài công lập, không chỉ gần 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Bông Sen giải toả được tư tưởng nặng nề trong suốt những tháng nghỉ hè, vì đã có những cô giáo gắn bó với ngôi trường này từ thời bao cấp như: cô giáo Ngô Thị Ngân công tác tại trường từ năm 1982 hay cô Trần Thị Tiện công tác từ năm 1986... chỉ mong muốn công tác ổn định tại trường đến khi về nghỉ hưu mà còn rất nhiều gia đình cả vợ chồng đều đi làm thuê, bán hàng rong, thu nhập thấp cũng rất phấn khởi khi Trường Mầm non Bông Sen vẫn ở lại công lập.

Trong cuộc giao ban trực tuyến tháng 7/2010 với các tỉnh, thành phố, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương dừng chuyển đổi các trường công lập ra ngoài công lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ dừng không chuyển đổi một số trường đã được phê duyệt Đề án. Đây là cũng là thông tin vui với những hộ dân có thu nhập thấp và hộ nghèo.

 Chị Trần Thị Bình- cư trú tại tổ 26, phường Minh Tân phấn khởi: “Gia đình em rất mừng khi Trường không phải chuyển đổi nữa. Em đi bán hàng rong, chồng em chạy xe ôm, mỗi ngày cả hai vợ chồng kiếm được từ 80- 90 ngàn đồng, đang không biết làm thế nào để có tiền gửi con vào trường đắt tiền, để con ở nhà thì cũng tội cho cháu, may quá là Trường Mầm non Bông Sen không chuyển đổi nữa, nếu không, gia đình em cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác, vẫn phải gửi vào đây thôi, vì trên địa bàn phường có 2 trường công lập thì một trường đã chuyển ra ngoài công lập rồi, xin trái tuyến thì rất khó”.

Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh, toàn tỉnh mới chuyển đổi được 3 trường mầm non. Nhìn chung, chất lượng giáo dục tại các trường này đều được nâng lên, số lượng học sinh cũng xin vào trường học tăng hơn trước; điều kiện cơ sở vật chất để chăm sóc trẻ cũng được tăng cường đảm bảo hơn. Tuy nhiên, các trường sau khi chuyển đổi chưa đáp ứng được quan điểm chỉ đạo và định hướng của Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh là: “...

Xã hội hoá nhằm huy động mọi tiềm năng, trí tuệ và vật chất của toàn xã hội chăm lo cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả xã hội hoá ở mức độ ngày càng cao...”.

Do vậy, trên thực tế, sau khi chuyển đổi, các trường đều tăng học phí, các hộ dân có thu nhập thấp và hộ nghèo không đủ tiền cho con vào học, trường tư thục thành nơi chủ yếu dành cho các hộ có thu nhập ổn định và thu nhập cao, ngoại trừ một số hộ thu nhập thấp nhà gần trường đành phải lặn lội kiếm thêm tiền để gửi con vào vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Trong quá trình chuyển đổi, mỗi địa phương thực hiện cơ chế, chính sách lại khác với tinh thần của Nghị quyết số 24. Năm học 2009- 2010, tại Trường Mầm non Hoa Ban (Nghĩa Lộ), Hội đồng quản trị đã quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng mua sắm đồ chơi, sửa lại 2 phòng học và xây dựng mới 6 phòng khép kín, mỗi phòng trên 70m2, tổng đầu tư 2,5 tỷ đồng, được ngân sách hỗ trợ 500 triệu đồng.

Trong khi đó, Trường mầm non Sao Mai và Hoa Hồng (thành phố Yên Bái) đã làm dự toán xin Phòng Tài chính- Kế hoạch thành phố duyệt hỗ trợ chi thường xuyên năm 2009 mà vẫn chưa được giải quyết. Hội đồng quản trị hai trường này đã làm công văn đề nghị các ngành chức năng của tỉnh can thiệp giải quyết từ đầu tháng 6/2010, nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời.

Thiết nghĩ, việc thực hiện cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh cũng phải thực hiện bình đẳng và công bằng; các ngành chức năng cũng phải có hướng dẫn cụ thể trong việc chi ngân sách hỗ trợ thì mới khuyến khích được xã hội hoá giáo dục và các ngành nghề khác, đảm bảo sự công bằng cho các chủ trường và giáo viên.

Được biết, Trường Mầm non Hoa Ban được ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên 50% nhưng giáo viên ở đây vẫn chưa được hưởng tiền đứng lớp thì thật là thiệt thòi cho họ. Trong cuộc giao ban trực tuyến tháng 7/2010 với các tỉnh, thành phố, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương dừng chuyển đổi các trường công lập ra ngoài công lập, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ dừng không chuyển đổi một số trường đã được phê duyệt Đề án.

Đây là cũng là thông tin vui với những hộ dân có thu nhập thấp và hộ nghèo ở thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, bởi thực tế thu nhập của người ở 2 nơi này nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung vẫn đang ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực và toàn quốc.

M.H  

Các tin khác

YBĐT - Những năm qua, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ TB&XH) Yên Bái đã có nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ quyền lợi và chăm sóc trẻ em. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân luôn dành sự quan tâm đúng mức đến thế hệ tương lai, do đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BV CSTE) của tỉnh được duy trì và đạt nhiều kết quả tích cực.

YBĐT - Những năm qua, công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) ở Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Yên Bái đã được quan tâm. Phong trào thi đua đã trở thành động lực giúp đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Qua các phong trào thi đua cũng đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc mà BHXH cần nhân rộng và phát huy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giáo sư Ngô Bảo Châu.

Tối 29/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ chào mừng giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields 2010.

Vị trí và hướng đi của bão số 4.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 310 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục