Đổi thay ở quê hương cách mạng
- Cập nhật: Thứ năm, 2/9/2010 | 9:48:56 AM
YBĐT - Nằm sát Chiến khu Vần - Hiền Lương, cửa ngõ phía Tây huyện Văn Chấn, xã Đại Lịch có truyền thống phong trào đấu tranh cách mạng.
Nhiều cơ sở chế biến gỗ rừng trồng đã hình thành ở xã Đại Lịch tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Ảnh Hoàng Nhâm
|
Những năm trước và sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, nơi đây từng là địa điểm nuôi giấu cán bộ cách mạng, tù Sơn La, Căng Nghĩa Lộ vượt ngục và là vùng địch hậu căn cứ kháng chiến. Nơi đây quê hương của anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ, người đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh ở Đèo Din (Đại Lịch) với quân Pháp tháng 7 năm 1947.
Ghi nhận những công lao đó, năm 1998, Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Lịch...
Là xã thuần nông, người dân chủ yếu sống dựa vào trồng lúa, trồng chè, chăn nuôi và trồng rừng, Đại Lịch hiện có hơn 1.100 hộ dân với 4.790 nhân khẩu, có 6 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó người Tày chiếm 60% dân số. Từ chỗ có nhiều hộ nghèo, thiếu ăn, đến nay xã hầu như không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn gần 3%. Đi đôi với trồng lúa, trồng màu, để đảm bảo an ninh lương thực, xã chú trọng vận động nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chế biến sản phẩm.
Tìm hiểu mô hình chế biến chè, gỗ rừng trồng tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đại Hưng, tại đây có 20 lao động địa phương làm việc thường xuyên, trung bình một ngày xưởng chế biến 10 tấn chè búp tươi, tương đương với 2,5 tấn chè khô. Những sản phẩm chè đen này được HTX ký hợp đồng dài hạn bán cho các doanh nghiệp kinh doanh chè trong nước. Ngoài ra, HTX còn tham gia trồng rừng, nuôi ba ba và thành lập xưởng chế biến gỗ rừng trồng, tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã.
Anh Trần Đăng Dung - Chủ nhiệm HTX Đại Hưng cho biết: "Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Nhà nước về việc từng bước hình thành cơ sở sản xuất, chế biến hàng hóa trên vùng nguyên liệu, Đại Lịch đã có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản tại chỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông, lâm sản địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương".
Hiện tại, trên địa bàn xã có 3 nhà máy chế biến chè, 2 xưởng chế biến gỗ rừng trồng, những cơ sở này nộp ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Đại Lịch - Hoàng Hữu Khanh: "Trong những năm tới, mục tiêu của Đại Lịch là trở thành một xã phát triển toàn diện và vững chắc. Đảng bộ xã xác định tiếp tục cải tạo 375 ha chè hiện có, nâng cao sản lượng chè búp từ 2.500 tấn lên 3.000 tấn năm, trồng rừng mới mỗi năm trên 50 ha, duy trì đàn trâu, bò, lợn theo hướng hàng hóa, với tổng đàn trâu, bò lên tới 1.000 con, đàn lợn trên 3.500 con, trung bình mỗi năm xuất bán ra thị trường trên dưới 200 tấn lợn hơi, góp phần nâng cao đời sống của bà con nhân dân".
Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã Đại Lịch đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo. Xã đã vận dụng linh hoạt và hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giúp người dân nghèo có tư liệu để sản xuất như: hỗ trợ đất rừng, hỗ trợ vốn, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ trâu, bò sinh sản...
Nhờ vậy nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo, điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Nga - hộ nghèo ở thôn Khe Mơ. Năm 2009, xã đã đứng ra vận động bà con thôn xóm, anh em trong họ tộc, đồng thời hỗ trợ cho gia đình chị trên 24 triệu đồng để làm nhà. Sau một thời gian triển khai, căn nhà xây cấp ba, 3 gian lợp prôximăng đảm bảo đúng tiêu chí mái cứng, thân cứng và nền cứng đã được hoàn thành.
Đầu tháng 8/2010 vừa qua, gia đình chị Nga đã dọn về ngôi nhà mới trong niềm vui và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và nhân dân trong xã. Chị Nguyễn Thị Nga tâm sự: "Nhờ ơn Đảng, ơn chính quyền mà gia đình chúng tôi mới có được ngày hôm nay. Đây là nền móng vững chắc để gia đình tôi cũng như nhiều người dân khác trong xã có thêm cơ hội để thoát nghèo bền vững".
Từ những bước đi hợp lý trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp uỷ chính quyền trong phát triển kinh tế đến nay mức thu nhập bình quân của người dân xã Đại Lịch đã đạt 9 triệu đồng/năm, vượt xa mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ xã khoá 19 đề ra.
Phát huy truyền thống của xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và những thành quả trong công cuộc đổi mới hôm nay, Đảng bộ và nhân dân xã Đại Lịch đang chung tay đoàn kết xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng của anh hùng liệt sĩ thiếu niên Hoàng Văn Thọ.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Hôm nay đây, trên mỗi miền quê từ Mù Cang Chải, Trạm Tấu xa xôi đến Lục Yên, Yên Bình,Văn Yên hay Văn Chấn, Trấn Yên, Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc đã có bước cải thiện đáng kể.
Ngày 1-9, một thông tin đáng chú ý tại hội nghị tổng kết năm học khối ĐH-CĐ là thi ĐH năm 2011 sẽ được cải tiến theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao đổi với báo chí về vấn đề này. Ông Ga cho biết:
YBĐT - Sáng 1/9, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Yên Bái tổ chức tổng kết Liên hoan phóng sự phát thanh truyền hình tỉnh lần thứ IX năm 2010
YBĐT - Ngay sau khi Nghị quyết số 11 có hiệu lực, UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chuyên môn đã tập trung ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết tới nhân dân. Cho đến nay, UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan đến vấn đề giải quyết giáo viên dôi dư.