Hậu thu hồi đất
- Cập nhật: Thứ hai, 6/9/2010 | 3:00:37 PM
YBĐT - Đã một năm rưỡi qua đi kể từ ngày người dân xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên) nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. 17 tỷ đồng là số tiền mà 118 hộ dân trong diện bị thu hồi đất tại Bảo Hưng nhận được từ việc thu hồi 27,4ha đất trong đó có 23,8 ha đất nông nghiệp. Phút chốc, nhiều người nông dân chân lấm tay bùn cấy lúa, hái chè đã trở thành triệu phú, tỷ phú.
Công ty TNHH tuyển rửa quặng sắt Hòa Yên xây dựng trên địa bàn xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
|
Sau khi nhận tiền nhiều người dự định khi ra khu tái định cư sẽ xây một ngôi nhà hai tầng nhưng rồi cái ước mơ đó cứ nhỏ dần, nhỏ dần theo túi tiền đang vơi.
Đã một năm rưỡi qua đi kể từ ngày người dân xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên) nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. 17 tỷ đồng là số tiền mà 118 hộ dân trong diện bị thu hồi đất tại Bảo Hưng nhận được từ việc thu hồi 27,4ha đất trong đó có 23,8 ha đất nông nghiệp. Phút chốc, nhiều người nông dân chân lấm tay bùn cấy lúa, hái chè đã trở thành triệu phú, tỷ phú.
Mỗi người một cách sử dụng tiền.
Rất gia đình nhận tiền đền bù phát triển kinh tế hiệu quả như gia đình bà Lê Thị Mười.
Xưởng may gia công của gia đình bà Lê Thị Mười (thôn Đồng Quýt) lúc nào cũng tấp nập người tới giao, nhận hàng. Bà Mười cho biết: “Trước kia, tôi chỉ trồng chè, trồng lúa nhưng từ khi nhường lại đất cho Nhà nước làm đường cao tốc, không còn ruộng nương, lại thấy nhu cầu may gia công rất lớn nên tôi dùng một phần số tiền đền bù mở xưởng may gia công, vừa tự tạo công ăn việc làm cho mình vừa có việc làm thêm cho các chị em”. Hiện nay, xưởng may của gia đình bà Mười đang tạo công ăn việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, những người nhanh nhạy trong cơ chế thị trường và biết sử dụng đồng tiền đền bù đúng lúc, đúng chỗ, phát triển kinh tế có hiệu quả như gia đình bà Mười ở Bảo Hưng không nhiều. Và cũng thật đáng buồn là con số đó chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều hộ gia đình số tiền đền bù hao hụt dần theo thời gian với đủ các loại chi phí bởi “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.
Có trong tay một số tiền lớn từ việc đền bù của Nhà nước nhưng nhiều người vẫn chưa biết sử dụng hợp lý. Những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì việc mua được những chiếc xe máy đẹp hay những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền là niềm mơ ước cả đời. Bởi vậy khi có được số tiền lớn nhiều người nghĩ ngay đến việc thực hiện ước mơ mà bấy lâu từng ấp ủ. Ông Lê Ngọc Quỳnh – Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Kể từ ngày có tiền đền bù đất, người dân ở đây không còn đi những chiếc xe máy Trung Quốc rẻ tiền nữa mà toàn đi xe đắt tiền cả. Trước mắt, cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể, nhiều nhà nhận được tiền mua xe mới, sửa sang được nhà cửa, sắm các tiện nghi nhưng không biết là cuộc sống tiện nghi sẽ kéo dài được đến bao giờ nếu như không có nghề và việc làm ổn định”.
Có trở lại bần nông sau những ngày làm triệu phú?
Hiện nay, xã Bảo Hưng có 32 hộ bị thu hồi đất thổ cư và nằm trong diện tái định cư. Chính quyền xã đang lo lắng khi đất tái định cư được định giá người dân liệu có còn đủ tiền mua đất làm nhà ở nữa hay không? Ông Quỳnh đưa ra ví dụ một cách hóm hỉnh: “Sau khi nhận tiền nhiều người dự định khi ra khu tái định cư sẽ xây một ngôi nhà hai tầng nhưng rồi cái ước mơ đó cứ nhỏ dần, nhỏ dần theo túi tiền đang vơi". Những lớp tư vấn, những buổi hướng nghiệp được mở ra cho nông dân sau khi thu hồi đất được người dân tham dự rất đông nhưng không có ai đăng ký học nghề ngay cả khi được học miễn phí. Chẳng nói đâu xa, Nhà máy gạch Bảo Hưng thu hút khoảng 60 lao động. Nhưng chủ yếu lại lấy lao động người từ các địa phương khác. Có lẽ những thanh niên trong xã cũng không thích trở lại với những công việc nặng nhọc, chân lấm tay bùn ngày xưa. Nông dân không thể thiếu đất sản xuất. Xã có chủ trương hướng dẫn những hộ bị thu hồi toàn bộ đất mua lại đất sản xuất của các hộ còn lại nhưng cho đến nay vẫn chưa có sào ruộng hay nương chè nào được chuyển nhượng. Có lẽ trước mắt người dân vẫn chưa lo đến cuộc sống sau này của thời hậu thu hồi. Số tiền Nhà nước hỗ trợ để nông dân mất đất học nghề, ổn định cuộc sống có lẽ chưa mang lại thật nhiều hiệu quả do suy nghĩ thiển cận của một số hộ dân.
Con đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi qua rất nhiều địa phương không riêng gì xã Bảo Hưng. Thêm nữa, ngày càng nhiều khu công nghiệp được thành lập để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Do đó, diện tích đất nông nghiệp sẽ ngày càng bị thu hẹp. Đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với những người nông dân mất đất. Cần có thêm nhiều việc làm tại chỗ cho những người nông dân bị thu hồi đất và những “triệu phú” sau khi nhận tiền đền bù cũng cần sử dụng tiền hợp lý, phát triển các mô hình kinh tế sao cho phù hợp trên diện tích đất bị thu hẹp để tránh tái nghèo sau một thời gian thành triệu phú.
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Trong không khí vui tươi của mùa thu Cách mạng, hoà chung với ngày hội non sông, những con em của đồng bào các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hăng hái lên đường tòng quân đợt II năm 2010.
YBĐT - Ban nữ công Liên đoàn lao động huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) quản lý và chỉ đạo 17 ban nữ công cấp cơ sở và một ban nữ công cấp trên cơ sở (Phòng giáo dục - đào tạo). Với tổng số 598 chị, chiếm 48,16% đội ngũ cán bộ công nhân viên chức – lao động (CNVC-LĐ) của huyện.
YBĐT - Dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp. Để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm ở người tại các địa phương trong mùa mưa lũ, cũng như thời điểm giao mùa thu - đông, phóng viên Báo YBĐT có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Mặc dù là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, song hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mọi người dân Yên Bái, đặc biệt là đội ngũ công nhân viên chức đã tích cực ủng hộ cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”.