Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, thực chất và bền vững hơn

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/9/2010 | 2:55:10 PM

YBĐT - Qua 10 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động mạnh mẽ và toàn diện lên mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp.

Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2000 – 2010, phóng viên Báo YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào này của tỉnh.

- Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh, xin đồng chí cho biết những kết quả cơ bản trong việc chỉ đạo thực hiện phong trào trong 10 năm qua của tỉnh Yên Bái?

Qua 10 năm thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã có tác động mạnh mẽ và toàn diện lên mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay, có gần 55% số làng, bản, tổ dân phố; 94% số cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chuẩn về văn hóa; trên 82% hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng, số hộ gia đình nghèo ngày càng giảm. Đã có 100% xã, phường, thị trấn thành lập ban thanh tra nhân dân; trên 4.000 tổ hòa giải và tổ an ninh nhân dân được thành lập; gần 1.500 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Môi trường cảnh quan tại các thôn, xóm, làng, bản, cơ quan, đơn vị ngày càng được cải thiện.

Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Mức hưởng thụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và vui chơi, giải trí của nhân dân ngày càng được nâng cao. Việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn cũng đã có sự tiến bộ đáng kể. Các tiêu cực, tệ nạn xã hội, các hủ tục, tập quán lạc hậu đang dần được đẩy lùi và xóa bỏ.

Công tác xã hội hóa trên các lĩnh vực không ngừng được đẩy mạnh, nhất là trong việc huy động các nguồn lực xã hội xây dựng và đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao ở các cơ quan, đơn vị và các thôn, bản, tổ dân phố; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các địa điểm thờ tự, tín ngưỡng... Có thể khẳng định, phong trào đã có những ảnh hưởng tích cực, tác động lên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Là một tỉnh miền núi, hiện nay, những khó khăn đối với việc chỉ đạo, triển khai phong trào là gì, thưa đồng chí?

 Những kết quả tôi vừa nêu trên so với một số tỉnh trong khu vực các tỉnh miền núi, chúng ta đạt ở mức khá. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, ở tỉnh Yên Bái, nhiều nơi chất lượng còn thấp, chưa cập so với tiêu chuẩn mà Quyết định 62 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch) ban hành. Không ít gia đình tuy được công nhận là gia đình văn hóa nhưng trong lao động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả còn thấp, rất nhiều hộ còn nghèo.

Vấn đề vệ sinh môi trường chưa bảo đảm. Không ít làng, bản, tổ dân phố tuy được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa nhưng chưa thật sự rõ nét, nổi trội so với những nơi chưa được công nhận. Có nơi vẫn còn tệ nạn xã hội, cơ sở hạ tầng còn yếu kém; một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn chưa được xóa bỏ. Có cơ quan, đơn vị được công nhận là đơn vị văn hóa nhưng vẫn còn một số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm khuyết điểm và tập thể chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa mạnh; cảnh quan, môi trường có nơi chưa xanh - sạch - đẹp...

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân nhưng tựu trung có một số nguyên nhân chính như sau:

- Còn có cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa dành sự quan tâm chỉ đạo tương xứng với yêu cầu, vị trí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu sự sâu sát, cụ thể, thường xuyên, còn nặng về hình thức, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; chưa khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo từ cơ sở. Hoạt động của một số ban chỉ đạo, đặc biệt là các ban vận động trên địa bàn dân cư còn yếu, chậm được củng cố, kiện toàn; năng lực của một số cán bộ chưa cập với yêu cầu.

Một số nơi, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hóa, những quy định, quy ước về nếp sống văn hóa chưa được cụ thể hóa sát với tình hình thực tế; chưa được triển khai một cách sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng con người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng trên địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực và quan hệ con người...”.

- Việc bình xét, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa có nơi thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của Bộ và của tỉnh. Có nơi còn thực hiện một cách chiếu lệ, chạy theo thành tích. Một số làng, bản, khu phố văn hóa sau khi được công nhận đã không có biện pháp duy trì và phát huy danh hiệu nên có những giảm sút, vi phạm tiêu chí, ảnh hưởng đến phong trào chung. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chưa được đẩy mạnh; các mô hình, điển hình tiên tiến chưa được nhân rộng. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tuy đã có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu, lãng phí, phô trương, gây phiền hà...

- Việc quan tâm đầu tư nguồn lực cho phong trào còn hạn chế. Các thiết chế phục vụ cho phong trào, đặc biệt ở các làng, bản còn thiếu thốn. Công tác xã hội hóa chưa được đẩy mạnh, tâm lý trông chờ, ỷ lại nhìn chung còn phổ biến.

- Đời sống kinh tế ở một số vùng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Đó cũng là những khó khăn trong việc chỉ đạo và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

- Xin đồng chí cho biết về những mục tiêu và giải pháp để chỉ đạo thực hiện tốt hơn phong trào trong thời gian tới?

Mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làm cho phong trào phát triển sâu rộng, thực chất và bền vững hơn. Đồng thời tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015.

Nhiệm vụ chủ yếu thực hiện phong trào giai đoạn 2011 – 2015 là: Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, duy trì ổn định bảo đảm từ 80% - 82% gia đình văn hóa được công nhận đạt chuẩn; phấn đấu có từ 70% số làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa, trong đó có 60% làng, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa và 30% làng, bản văn hóa xây dựng đạt chuẩn theo Đề án Nông thôn mới; 70% trở lên số thôn, bản, tổ dân phố xây dựng được nhà văn hóa; 100% cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; hàng năm, có 95% trở lên số cơ quan, đơn vị toàn tỉnh đạt chuẩn văn hóa; năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ được công nhận là thị xã văn hóa.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một cuộc vận động rộng lớn, mang tính tổng hợp, bao trùm toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cơ sở. Trong đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa và làng, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa được xác định là hạt nhân, là động lực cho sự phát triển bền vững của toàn bộ cuộc vận động. Kinh nghiệm chỉ đạo từ nhiều năm qua cho thấy, để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa, trong thời gian tới, chúng ta cần tiến hành thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau đây:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần tự giác, tự nguyện, tự quản trong mỗi người dân, gia đình và cộng đồng dân cư; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn lực trong xây dựng phong trào, nhất là phong trào xây dựng thiết chế văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở.

- Chủ động, tích cực trong công tác phối hợp giữa Thường trực Ban chỉ đạo với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể trong chỉ đạo điều hành và tổ chức các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn để nâng cao chất lượng phong trào.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, đánh giá đúng tình hình của phong trào để có những biện pháp kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện.

- Tập trung xây dựng các nhân tố điển hình để nhân rộng và thực hiện công tác thi đua - khen thưởng một cách có hiệu quả.

Chúng ta tin tưởng, với những kinh nghiệm và thành công đã đạt được trong 10 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả tốt hơn nữa trong những năm tới.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

P.V (Thực hiện)

Các tin khác

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 94 (ngày 9-9) về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

Từ 15/9, tất cả đồ chơi trẻ em được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường thiếu dấu CR sẽ bị coi là vi phạm quy định và bị tịch thu, xử lý.

Truyền thông phòng chống các bệnh về mắt tại các trường học.
(Ảnh: Minh Đức)

YBĐT - Sau những thông tin sự xuất hiện của dịch đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc cấp) ở Yên Bái, đến thời điểm này, dịch đã bùng phát mạnh, lan rộng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, toàn bộ 9/9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đã có dịch với gần 2 nghìn bệnh nhân.

YBĐT - Nội dung quy định của UBND tỉnh đối với một cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hoá: có niêm yết quy định xây dựng CQĐVVH; có nội quy cơ quan; có quy định an toàn cháy nổ; hoạt động Đảng và đoàn thể tốt; đời sống người lao động năm sau cao hơn năm trước...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục