Trường THPT Nguyễn Huệ với phong trào thi đua yêu nước
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/9/2010 | 8:58:25 AM
YBĐT - Năm 2009, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) vinh dự được công nhận là trường THPT chuẩn quốc gia, trở thành một trong hai trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của tỉnh bậc THPT.
Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Huệ đón nhận cờ thi đua của Chính phủ năm học 2008 - 2009.
|
Đây là kết quả trực tiếp của những nỗ lực trong việc thực hiện đề án và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của nhà trường trong thời gian qua. Song, đây cũng là thành quả có được nhờ động lực từ phong trào thi đua yêu nước được tập thể nhà trường thực hiện có hiệu quả trong những năm qua.
Cô Đinh Thị Kim Khánh - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Phong trào thi đua yêu nước được tuyên truyền mạnh mẽ trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, trở thành động lực động viên, khuyến khích mọi thành viên và các tổ chuyên môn năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Đầu mỗi năm học, Hội đồng Thi đua, khen thưởng của nhà trường đều được kiện toàn. Hội đồng Thi đua, khen thưởng căn cứ nhiệm vụ năm học, các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành, tỉnh phát động đã tổ chức và cụ thể hoá thành các phong trào thi đua một cách sáng tạo, sinh động và thiết thực.
Phong trào thi đua không chỉ phát động trong đội ngũ sư phạm mà còn được tổ chức sâu rộng trong học sinh. Cứ mỗi đầu năm học, từng tập thể và cá nhân, cán bộ, giáo viên học sinh nhà trường đều tham gia đăng ký thi đua. Việc theo dõi các hoạt động thi đua được diễn ra thường xuyên, hàng tuần thông qua kiểm tra chuyên đề, kiểm tra bộ phận cũng như các nội dung công tác trong từng đợt, từng chủ điểm. Nhà trường cũng cụ thể hóa nội dung thi đua cho phù hợp với từng đối tượng, từng năm học.
Nếu như cán bộ, giáo viên thi đua gắn với việc rèn luyện, nâng cao đạo đức, trách nhiệm nhà giáo, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như tích cực tự học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn..., thì học sinh tích cực trong nề nếp học tập, ý thức chuyên cần... Nhờ đó, tạo nên không khí sôi nổi trong các hoạt động học tập, giảng dạy cũng như các công tác khác của nhà trường, nhất là phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt". Đặc biệt, việc nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm - một trong những tiêu chuẩn thi đua đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường. Hàng năm, tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đều tham gia nghiên cứu khoa học, chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy mới ở cấp độ tổ chuyên môn, cấp cơ sở, cấp tỉnh song mỗi đề tài sáng kiến kinh nghiệm đã có hiệu quả trong công tác dạy học và quản lý nhà trường. Để phục vụ cho công tác này, thư viện nhà trường hàng năm đều được bổ sung đầu sách, tài liệu, báo chí, trang bị máy vi tính, nối mạng Internet... đáp ứng cho công tác nghiên cứu, học tập của thầy và trò nhà trường. Các đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến kinh nghiệm đều được đánh giá và xếp loại vào cuối năm học. Riêng năm học 2008-2009 vừa qua, nhà trường đã có 20/21 đề tài được Hội đồng Khoa học ngành xếp loại khá và xuất sắc.
Từ phong trào thi đua của nhà trường, nhiều giáo viên, học sinh đã đạt thành tích cao trong giảng dạy, học tập, là tấm gương để bạn bè, đồng nghiệp học tập. Điển hình như giáo viên bộ môn Lịch sử - cô Nguyễn Thị Nhung. Ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy, cô Nhung còn tích cực tham gia các chuyên đề nghiên cứu khoa học và đều đạt xuất sắc. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2009 - 2010, cô đã đạt giải Nhất kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc THPT và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cô được học sinh bầu chọn là "Nhà giáo được học sinh yêu quí nhất".
Ngoài cô Nhung, còn phải kể đến những thầy, cô khác như cô Nguyễn Thị Thanh Nội, thầy Bùi Lý Lam Sơn, cô Đinh Thị Kim Khánh, cô Phạm Thị Thu Hiền, cô Nguyễn Thị Hải Yến... đều là những điển hình từ trong phong trào thi đua của nhà trường, đã cùng chung sức làm chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường được ổn định và có hiệu quả. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng của nhà trường luôn đạt từ 60% - 72%. Năm học 2009 - 2010 vừa qua, nhà trường có 7 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 20 học sinh giỏi cấp tỉnh và 4 học sinh giỏi quốc gia.
Tập thể nhà trường được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua của Chính phủ, UBND tỉnh.... Song, phần thưởng quan trọng hơn cả đó là chất lượng giáo dục của nhà trường đã được khẳng định, được nhân dân và các cấp, các ngành tin tưởng.
Huyền My
Các tin khác
YBĐT - Đến tháng 8 năm 2010, khi Chế Cu Nha được chọn làm điểm để triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng kết hôn cận huyết thống của huyện Mù Cang Chải, xã mới tiến hành thống kê sơ bộ và con số đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi năm 2005 xã có tới 14 trường hợp, năm 2009 có 10 trường hợp và 8 tháng đầu năm 2010 đã có 2 trường hợp kết hôn cận huyết thống.
YBĐT - Trong số các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái thì xã Phù Nham, huyện Văn Chấn thực sự là lá cờ đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự.
YBĐT - Yên Bình là huyện vùng thấp, nằm giáp ranh với các huyện: Lục Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ. Địa bàn có quốc lộ 2, quốc lộ 37 và các tuyến tỉnh lộ tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng vì thế mà công tác phòng chống, ngăn chặn tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Trước thực trạng nghiện game của giới trẻ và các điểm internet ngày càng gia tăng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.