20 kỷ lục đặc sắc của Hà Nội nghìn năm

  • Cập nhật: Chủ nhật, 10/10/2010 | 8:38:41 AM

Đúng ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã chính thức công bố và xác lập 20 kỷ lục của thủ đô Hà Nội.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao
Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cho biết, trong hành trình tìm kiếm kỷ lục của Hà Nội, đơn vị này đã nhận được hàng trăm đề xuất. Những đề xuất trải rộng trên các sự kiện, di tích, công trình, kiến trúc..., đánh dấu những mốc son của thủ đô nói riêng và lịch sử đất nước nói chung.

20 kỷ lục đặc sắc được trao tặng giấy xác lập và cúp lưu niệm vào dịp tổng kết đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Rất nhiều đề xuất khác đang được trung tâm này tra cứu và tiếp tục công bố.

Một trong 17 thủ đô rộng nhất thế giới

Diện tích của thành phố Hà Nội sau khi mở rộng cách đây hai năm là 3.324,92 km2, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện ngoại thành. Hà Nội đứng đầu cả nước về diện tích và nằm trong số 17 thủ đô rộng nhất thế giới.

Lần thay đổi địa giới hành chính vào năm 2008 là lần thứ 5 thủ đô được điều chỉnh diện tích. Từ 152km2 năm 1954, Hà Nội được mở rộng lên 584km2 vào năm 1961, sau đó tăng lên 2.136km2 vào năm 1978. Một lần Hà Nội thu hẹp lại còn 924km2 là vào năm 1991. 

Nơi có hơn 4.000 di tích, thắng cảnh

Thắng cảnh chùa Thầy

Hà Nội có hơn 1.000 di tích đã được xếp hạng quốc gia trong số hơn 4.000 di tích, danh thắng, cùng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đứng đầu cả nước. Thủ đô còn có hơn 1.200 làng nghề, nhiều lễ hội độc đáo và một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, đặc sắc.

Nhiều bảo tàng nhất nước

Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ hơn 120.000 tài liệu, hiện vật, phim ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng Cách mạng có 30 phòng trưng bày trên 40.000 hiện vật. Bảo tàng Quân đội có diện tích trưng bày 2.000m2, với những hiện vật và tài liệu về quá trình ra đời và trường thành của các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ lịch sử.

Bên trong Bảo tàng Dân tộc học

Bảo tàng chiến thắng B52 ghi lại quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng phòng không. Bảo tàng Lịch sử với nhiều không gian từ thời tiền sử đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Bảo tàng phụ nữ Việt Nam có nhiều nội dung liên quan đến sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam trên mọi lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ đất nước từ xưa đến nay.

Ngoài ra còn có: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trưng bày, lưu giữ giá trị văn hóa của 54 dân tộc. Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Hà Nội (công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội), Bảo tàng Phòng không không quân, Bảo tàng Địa chất...

Thành phố của hồ, đầm

Hồ Tây, một trong những hồ nổi tiếng nằm trong nội thành

Vào thập niên cuối của thế kỷ 20, Hà Nội có đến hơn 40 hồ đầm lớn nhỏ, trong đó có 3 hồ nổi tiếng - hồ Tây, Trúc Bạch và hồ Gươm nằm trong nội thành.

Ở ngoại thành, Hà Nội cũng có nhiều hồ, đầm cảnh quan đẹp chưa được khai thác nhiều như hồ Đồng Quan ở huyện Sóc Sơn, đầm Vân Trì ở huyện Đông Anh, đầm Linh Đàm, đầm Sét ở huyện Thanh Trì...

Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, còn có thêm nhiều hồ nổi tiếng khác như hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô - Ngải Sơn ở huyện Ba Vì, hồ Đại Lải ở huyện Mê Linh, hệ thống hồ Quan Sơn... đưa thủ đô trở thành thành phố nhiều hồ, đầm nhất Việt Nam.

Nơi duy nhất có khu vườn trồng cây trái 3 miền

Vườn cây nhà sàn Bác Hồ

Đó là khu vườn nhà Bác Hồ, nơi Người ở và làm việc từ ngày 17/05/1958 đến khi qua đời. Vườn có cây dừa lửa của bà con người Việt ở Thái Lan, cây dừa hai thân của tỉnh Vĩnh Phú biếu Bác. Có cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác năm 1954. Có hàng cam Hải Phòng trĩu quả...

Ngoài ra, vườn còn có hàng trăm loài cây quý thuộc hơn 30 họ thực vật, cùng đặc sản các địa phương như bưởi Phúc Trạch, Thanh Hóa, Biên Hòa, Mê Linh; cam Xuân Mai, Vân Du, Xã Đoài, Sông Con; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền...

Có cây cầu sắt nhiều tuổi nhất

Cầu Long Biên 108 tuổi

Đó là Long Biên, cây cầu tồn tại qua 3 thế kỷ, là một trong bốn cây cầu lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20. Cầu được xây dựng từ năm 1899 đến năm 1902, dài 1.862m gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn bằng đá. Cầu được đặt tên là Paul Doumer nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi là cầu Long Biên hay cầu sông Cái.

Di tích có quy mô khai quật lớn nhất

Di tích hoàng thành Thăng Long với diện tích khai quật rộng hơn 19.000m2 trên khu vực nằm giữa các phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, quận Ba Đình, là di tích có quy mô khai quật lớn nhất Việt Nam và thuộc vào hàng lớn nhất Đông Nam Á.

Di tích Hoàng thành Thăng Long

Các tầng văn hóa được phát hiện tại di tích có niên đại xa đến 1.300 năm (thời Đại La), 1.000 năm (thời Lý, Trần, Lê). Hàng triệu di vật mang nhiều thông tin hữu ích, soi sáng phần nào diện mạo sinh hoạt đời sống cung đình của vua quan, quý tộc thời Lý, Trần và cả thời Lê.

Hoàng thành Thăng Long vẫn đang được các nhà khoa học, khảo cổ học, văn hóa học, kiến trúc, địa lý, địa chất ở Việt Nam nghiên cứu. Ngày 1/8 năm nay, UNESCO đã công nhận di tích hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thứ 900 của nhân loại.

Các kỷ lục khác trong nhóm 20 kỷ lục đầu tiên của Hà Nội còn có: tòa thành cổ nhất (Cổ Loa); thành phố có tên phố bắt đầu từ chữ "Hàng" nhiều nhất; nơi có bia tiến sĩ đầu tiên; có hệ thống văn bia nhiều nhất; nơi có trường mỹ thuật; trường đại học y; viện nghiên cứu khoa học đầu tiên...

(Theo VietNamNet)

Các tin khác

Theo báo cáo của các tỉnh miền Trung, tính đến ngày 8 - 10, tổng số người chết vì lũ lụt đã lên đến 52 người, trong đó, Nghệ An năm người; Hà Tĩnh tám người, Quảng Bình 36 người, Quảng Trị ba người.

Đã có 21 tập thể Ban TTND và GSĐTCCĐ đã được Thanh tra Nhà nước tỉnh và UBMTTQ tỉnh khen thưởng.

YBĐT - Sáng 8/10, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm công tác thanh tra nhân dân (TTND) (2005-2010) và công tác giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ).

Cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái tuyên truyền những điều cần biết về HIV/AIDS.

YBĐT - Năm 1997, Yên Bái phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm HIV. Đến tháng 8/2010, toàn tỉnh phát hiện 3.482 người nhiễm, trong đó 817 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 379 người đã tử vong. Đến nay 9/9 huyện, thị, thành phố, 146/180 xã phường, thị trấn có người nhiễm HIV.

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa có thông báo về việc không tổ chức bắn pháo hoa tại các quận, huyện (29 điểm) trên địa bàn thành phố trong đêm 10/10. Toàn bộ kinh phí từ việc dừng bắn pháo hoa này sẽ được dùng để ủng hộ đồng bào miền Trung.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục