Đề án 2.300 tỷ đồng phát triển trường chuyên: Đầu tư chưa công bằng!
- Cập nhật: Thứ năm, 25/11/2010 | 8:11:46 AM
Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020 với tổng số kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng vừa được Bộ GD-ĐT khởi động thực hiện. Tuy nhiên, nhiều nhà giáo là người giảng dạy nhiều năm ở trường chuyên lại bày tỏ băn khoăn về đề án này.
>> 2010-2020: Dành hơn 2.312 tỷ đồng phát triển trường chuyên
>> Triển khai dạy học bằng tiếng Anh ở trường chuyên
>> Đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng xây dựng hệ thống trường chuyên
PGS Văn Như Cương: Đề án này tôi thấy còn làm qua loa
Số lượng trường chuyên chiếm con số rất ít trong hệ thống các trường THPT, là nơi bồi dưỡng tài năng nên chương trình dạy học khác với trường THPT bình thường. Do vậy, tôi thấy trong mục đích xây dựng trường chuyên trở thành trường tiên tiến trọng điểm để cho các trường khác noi theo là không ổn. Hai hệ thống trường, 2 mục đích khác nhau, không thể lấy đó là mô hình cho trường khác được.
Tôi không hiểu sao bỏ ra số tiền lớn hơn 2.300 tỷ như vậy chỉ để xây mỗi tỉnh một trường chuyên. Trong khi đó nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa hiện nay rất khó khăn, nhà công vụ giáo viên chưa có, chỉ cần nhà nước đầu tư 1 - 2 tỷ xây nhà cho giáo viên, xây trường học cho học sinh vùng sâu, vùng xa khỏi gió, mưa như thế những người dân ở đó đã vui lắm rồi. Chúng ta bỏ ra hơn 2.300 tỷ để xây trường chuyên thì tôi thấy chúng ta đang hướng tới người giàu, không hướng tới người nghèo.
Trường chuyên ở địa phương nói thẳng ra là dành cho các con ông cháu cha, con nhà giàu người ta tìm mọi cách cho con cháu họ vào. Điều nữa mà tôi rất băn khoăn, ví dụ như trường THPT chuyên Amsterdam - Hà Nội xây tới hơn 400 tỷ, trong lúc đó có bao nhiêu trường khác ở Hà Nội còn rất thiếu thốn, nhiều trường còn đi học nhờ, đi thuê địa điểm. Hà Nội chơi hơi sang, vì trường hiện đại quá nên việc bảo vệ và giữ vệ sinh trường... cũng rất tốn tiền.
Trong Đề án có nêu rằng, sẽ cho 200 giáo viên đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài, đồng thời cử đi học 730 giáo viên cũng đi đào tạo ở nước ngoài để có thể về dạy các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin bằng tiếng Anh cho học sinh. Bộ cũng sẽ đào tạo thạc sỹ trong nước cho 500 giáo viên và bồi dưỡng, đào tạo tiếng Anh, tin học cho 1.560 cán bộ quản lý. Dự kiến kinh phí để phát triển đội ngũ giáo viên khoảng 624 tỷ đồng. Tất cả những “con số” này đầy phiêu lưu.
Về giáo viên, lực lượng giáo viên dạy ở trường chuyên hiện nay là rất thiếu. Hiện chúng ta chưa có một chương trình chuyên tốt, giáo viên dạy chuyên giỏi thì thiếu trầm trọng, những thầy giáo có uy tín thì già rồi mà chưa có đội ngũ kế cận. Tại sao việc đầu tư giáo viên không ở ngay các trường sư phạm mà phải đưa đi đào tạo ở nước ngoài quá tốn kém. Muốn chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các trường chuyên thì phải chuẩn bị ngay từ các trường sư phạm.Tôi thấy hơi vô lý.
Tôi thấy vô lý nữa của Đề án là đào tạo trường chuyên là dạy các em có tài năng, có năng khiếu nhưng sau khi các em học ở trường chuyên xong lại không có tiếp trường để các em tiếp tục phát huy khả năng của mình. Có em học chuyên Toán cấp III, sau đó lên đại học lại thi vào Y. Như vậy chúng ta bồi dưỡng các em lại chẳng đi đến đâu, không có kết quả. Trong khi đó, những em giỏi toán này, chúng ta phải tiếp tục hướng các em nghiên cứu về Toán thì mới đúng.
Khi có Đề án trường chuyên là chúng tôi những người dạy chuyên đã rất mừng nhưng chúng tôi lại rất bất ngờ, rất buồn là trong Đề án đầu tư trường chuyên này lại không có danh sách tên các trường chuyên thuộc các trường đại học. Trong khi đó, khối trường chuyên của các trường đại học này đã có rất nhiều thành tích, đào tạo biết bao nhà khoa học xuất sắc, hàng trăm học sinh giỏi quốc tế với đội ngũ giáo viên dạy giỏi hùng hậu nhưng lại không được chọn vào 15 trường trọng điểm để đầu tư.
Hiện nay học sinh chuyên của chúng tôi học trong các phòng học chật chội không bằng một trường tiểu học, cơ sở vật chất đã xuống cấp tồi tệ, nhưng chúng tôi vẫn làm tốt nhiệm vụ đào tạo học sinh chuyên.
Do vậy, Đề án nếu không đầu tư vào trường tốt như hệ thống trường chuyên thuộc các trường đại học thì phải trả lời lý do tại sao. Câu hỏi tôi muốn gửi đến những người làm Đề án là Bộ định đầu tư tiền cho các trường chuyên trọng điểm như thế nào? Và dựa trên căn cứ gì để xác định trường nào sẽ lọt vào 15 trường chuyên trọng điểm? Chúng tôi cần chữ công bằng. Mặc dù tôi biết rằng, số tiền hơn 2.000 tỷ vẫn còn ít nếu đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc tế.
Việc đầu tư giáo viên dạy chuyên muốn đạt chuẩn quốc tế thì thạc sỹ cũng chưa đạt mà phải có kinh nghiệm và giáo viên dạy chuyên có kinh nghiệm thì hiện nay như chúng tôi không nhiều. Nên đầu tư giáo viên ở các trường đại học vì đó như là "máy cái" làm trọng tâm để bồi dưỡng. Theo tôi, nếu xây dựng trường chuyên đạt chuẩn quốc tế mà giáo viên không có giáo viên đạt chuẩn quốc tế thì cũng bằng không.
HS, SV 6 tỉnh miền núi được hỗ trợ đặc biệt
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 với tổng kinh phí dự toán trên 300 tỷ đồng.Theo đó, HS, SV của 6 tỉnh miền núi được hưởng lợi từ đề án này.
Đề án sẽ được áp dụng với các cơ sở giáo dục có trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi, học sinh - sinh viên thuộc 9 dân tộc rất ít người gồm: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao, trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum. Đặc biệt, hưởng lợi theo đề án, 95% học sinh dân tộc rất ít người sau khi tốt nghiệp THPT được ưu tiên cử tuyển, xét tuyển đặc biệt vào các trường, khoa dự bị đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. |
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Dự báo khoảng gần sáng và ngày 25/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
YBĐT - Ngày 24/11, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các đại biểu là thành viên Hội đồng, cán bộ pháp chế thuộc các sở, ngành; các báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và các huyện Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
YBĐT - Với quyết tâm và nhiệm vụ số một của Trường THCS Động Quan, huyện Lục Yên (Yên Bái) là: Vận động học sinh ra lớp, giữ vững số lượng học sinh, hoàn thành phổ cập THCS năm 2010 và duy trì bền vững kết quả phổ cập, nhà trường đã tham mưu cho xã trong việc vận động nhân dân xây dựng 10 phòng ở cho học sinh.
YBĐT - Triển khai mô hình này trong toàn tỉnh, Yên Bái đã có 7.000 đến 8.000 hộ nghèo đã thụ hưởng Dự án này của tỉnh. Dự án đã có kết quả tốt, nhiều hộ đã được nhận trâu, bò vươn lên thoát nghèo bền vững.