Vụ 11 thủy thủ Việt Nam gặp nạn ở Nam Cực: Khẩn cấp giải quyết hậu sự
- Cập nhật: Thứ tư, 15/12/2010 | 8:15:04 AM
Một ngày sau tai nạn đắm tàu cá Hàn Quốc tại vùng biển Nam Cực, trong đó có 11 người Việt Nam, ngày 14/12 Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) có cuộc làm việc với các công ty đưa lao động làm việc trên tàu cá nói trên để khẩn cấp giải quyết các vấn đề liên quan.
Bà Nguyễn Thị Ngân (mẹ của nạn nhân Nguyễn Văn Sơn) khóc lóc thảm thiết khi nghe tin con bị nạn.
|
Tàu Hàn Quốc chở 42 người chìm
Đến cuối giờ chiều 14/12, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) đã xác định đầy đủ danh tính của 11 thuyền viên Việt Nam có mặt trên tàu. Trong đó, nạn nhân xấu số đã tử nạn là Nguyễn Tương, ở Kỳ Khang, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
3 người được coi là mất tích đều ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gồm: Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Song Hào, Nguyễn Văn Thành. 11 thuyền viên Việt Nam do 5 công ty XKLĐ đưa đi, gồm: Công ty CP phát triển nguồn nhân lực (LOD) 5 thuyền viên, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO No1) 2 thuyền viên, Công ty CP XKLĐ thương mại và du lịch (TTLC) 2 thuyền viên, Tổng công ty đường sông miền Nam 1 thuyền viên và Công ty cổ phần TRAENCO 1 thuyền viên.
Chấm dứt công tác cứu hộ Các nhân viên cứu hộ hôm 14/12 ngưng cuộc tìm kiếm 17 thủy thủ mất tích, trong vụ tàu Hàn Quốc No.1 Insung chở 42 người chìm ở vùng biển Nam Cực hôm 13.12. AFP dẫn lời đại diện chính quyền New Zealand cho biết 3 tàu Hàn Quốc đã tìm kiếm cả đêm nhưng không tìm thấy người nào và cho rằng họ không thể chịu đựng tới 30 giờ dưới biển Nam Cực mà không mặc áo bảo hộ đặc biệt. Người quản lý công tác cứu hộ New Zealand Dave Wilson nhận định: “Khả năng sống sót trong vùng nước lạnh như thế là rất thấp”. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 14/12 cho hay vẫn còn hai tàu ở vùng biển nơi No.1 Insung chìm và sẽ phối hợp với một tàu đánh cá Nga tìm kiếm thi thể 17 người mất tích. Ông Phạm Quang Tuyến, Bí thư thứ nhất phụ trách Báo chí và Cộng đồng người Việt thuộc Đại sứ quán tại Hàn Quốc, cho hay đại sứ quán vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng Hàn Quốc để giải quyết các trường hợp của người Việt trong vụ chìm tàu. |
Trao đổi với phóng viên báo chí, ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục QLLĐNN, cho biết đã yêu cầu các công ty phải cử cán bộ có thẩm quyền sang Hàn Quốc phối hợp với các bên liên quan để kiểm tra, xác minh danh tính thuyền viên bị tử nạn, mất tích và danh tính những thuyền viên được cứu sống; đồng thời liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc (Ban Quản lý lao động), Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand để báo cáo, tìm hiểu thêm thông tin và cung cấp những giấy tờ cần thiết để đại sứ quán cấp giấy tờ đi lại cho thân nhân người lao động (nếu đã bị mất) và đề nghị hỗ trợ trong quá trình giải quyết vụ việc.
Cũng trong chiều qua, ông Lê Nhật Tân, Phó giám đốc Công ty LOD, xác nhận 5 lao động do công ty đưa đi, trong đó có 1 người chết và 1 người mất tích. Ông Tân cho hay, trong ngày 15.12 lãnh đạo công ty lên đường vào Nghệ An và Hà Tĩnh thăm hỏi, gặp gỡ và chia buồn với thân nhân các gia đình có người gặp nạn. Trước mắt, công ty sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình 5 triệu đồng. Ông Tân cho hay thông thường với những trường hợp tử nạn sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm khoảng 13.000 USD.
Còn ông Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc Công ty TTLC - đơn vị có 1 lao động hiện vẫn đang mất tích, cho biết mặc dù đã gửi thư thông báo tới gia đình người bị nạn nhưng trong hôm nay, công ty sẽ về quê gặp gỡ trực tiếp gia đình và dự kiến hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng. Theo ông Dũng, các lao động trước khi đi đều đã mua bảo hiểm. Trong trường hợp xấu nhất, sẽ được bồi thường khoảng 10.000 USD/người.
(Theo TNO)
Các tin khác
Với khả năng thả lỏng cơ thể nổi hoàn toàn trên mặt nước hàng giờ, một gia đình ở Cà Mau được Trung tâm sách kỷ lục Vietkings xác nhận là "Gia đình có nhiều người nổi trên mặt nước nhất".
YBĐT - Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 33.000 cụ trực tiếp tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau và có trên 3.000 NCT đạt danh hiệu NCT làm kinh tế giỏi.
YBĐT - Những bước chuyển quan trọng trong phát triển kinh tế năm 2010 là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền xã Tích Cốc thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh nông - lâm - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
YBĐT -Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã mở 12 lớp đào tạo nghề cho 360 học viên. Trong đó, mở 8 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và 4 lớp dạy nghề cho đối tượng là các hộ nghèo.