Dụ Thượng xa xanh
- Cập nhật: Thứ tư, 15/12/2010 | 2:56:24 PM
YBĐT - Không chỉ là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên (địa bàn sinh sống của 5321 nhân khẩu gồm 4 dân tộc là Dao, Tày, Kinh và Mông), Phong Dụ Thượng còn là kho báu thiên nhiên với 4.968,5 ha rừng đặc dụng 5.559,5 ha rừng phòng hộ.
Trường Trung học cơ sở được xây dựng khang trang đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng cao.
|
Đến Phong Dụ Thượng khi ngành điện đang triển khai lắp đặt công tơ để đưa điện lưới quốc gia phục vụ nhân dân một số thôn, bản trong xã. Vậy là bao mong mỏi của người dân đã thành hiện thực. Không giấu được phấn khởi, Phó chủ tịch UBND xã Ngô Văn Long cho biết: Từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ có 5 thôn là Trung Tâm, Làng Chạng, Làng Ngõa, Làng Thi và Bản Nùng có điện lưới quốc gia để sử dụng. Bà con phấn khởi lắm, việc điều hành của xã cũng thuận lợi vì máy vi tính, máy in ấn tài liệu có thể hoạt động tốt.
Được biết, nhà Phó chủ tịch UBND xã cũng ở thôn Bản Nùng, cách trung tâm xã gần 5 km. Cả bản, có gần trăm hộ dân, trước đây bà con trong bản hoàn toàn dùng máy phát điện nước ở các suối nhỏ, nay có điện lưới quốc gia về, nhà gần cũng phải đầu tư vài trăm ngàn, nhà xa cũng phải đầu tư hàng triệu đồng để mua dây dân kéo điện về nhà. Mặc dù tốn kém nhưng ai cũng chấp nhận vì có điện lưới của Nhà nước về dùng vừa sáng lại ổn định hơn điện chạy bằng sức nước. Mừng cho Phong Dụ Thượng vì cùng tuyến đường từ Đông An vào Phong Dụ Hạ đã được trải nhựa đi lại dễ dàng, chỉ còn mươi cây số từ Dụ Hạ vào Dụ Thượng là đường đất nên đi lại có phần khó khăn, vất vả nay lại có điện quốc gia sử dụng đời sống của bà con đã được nâng lên. Anh Hòa, một cựu tài xế của huyện tâm sự: cách đây dăm năm, do đường giao thông đi lại khó khăn, cách trở nên cách trung tâm huyện chỉ vài chục kilômét mà ô tô, xe máy phải mất nửa ngày mới lên được đến Dụ Thượng. Đó là vào mùa khô, còn mùa mưa, tắc đường là chuyện bình thường.
Mãi năm 2006, đường từ Dụ Hạ vào Dụ Thượng mới được rải cấp phối. Dù còn nhiều đoạn khó đi nhưng như vậy đã là sung sướng lắm rồi! Bí thư Đảng uỷ xã Siều Ngọc Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII, Ban chấp hành Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảng viên và nhân dân các dân tộc tích cực tham gia lao động sản xuất, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh. Diện tích lúa mùa cấy đạt 148 ha, thực hiện đạt trên 163 ha, diện tích ngô hè thu trên 70 ha. Bên cạnh đó, xã có đàn trâu 1836 con, đàn bò 328 con, đàn dê 162 con. Với thế mạnh là đồi rừng, năm nay nhân dân trồng 200 ha sắn, sắn năm nay được giá có thể đem về cho bà con khoản thu hàng tỷ đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm trường học của xã, Chủ tịch xã - Mai Quốc Ngữ phấn khởi giới thiệu: Phong Dụ Thượng đã thành lập được Hội Khuyến học, các thôn bản đều có chi hội khuyến học. Xã có 3 cấp học với 47 lớp và 1144 học sinh trong đó có 7 lớp mầm non 152 học sinh, 28 lớp tiểu học với 624 học sinh; 1 điểm trường trung học cơ sở với 358 học sinh. Đáng mừng hơn, xã luôn duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 97%.
Với trên 900 hộ, trên 5000 nhân khẩu, địa bàn rộng phức tạp, giao thông cách trở, vậy mà xã thường xuyên có trên 1/5 dân số được đi học, quả là điều đáng mừng. Theo đó, trong số 48 cán bộ trong xã đã có 6 người có trình độ đại học, 22 người có trình độ trung cấp và 16 có trình độ cao đẳng. Đấy là chưa tính có 5 cán bộ xã đang theo học các lớp đại học tại tỉnh. Niềm vui thì nhiều nhưng những trăn trở ở Dụ Thượng cũng không ít. Thứ nhất đó là cơ sở hạ tầng còn kém, không kể điện lưới quốc gia được đưa vào sử dụng trong năm nay, Dụ Thượng vẫn còn thiếu đường giao thông, thuỷ lợi, thông tin liên lạc thì phập phù, trong khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Điện lưới quốc gia đã về Phong Dụ Thượng.
Anh Siều Văn Thương - cán bộ văn hóa xã vừa điều tra về thông báo, theo tiêu chí mới số hộ nghèo trong xã là 533/939 hộ chiếm 57%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 41%. Hơn nữa vụ mùa năm nay lúa lại bị rầy nâu phá hại nhiều hộ số lúa thu chỉ còn một nửa, đói giáp hạt trong vụ tới là việc nhãn tiền với nhiều hộ. Qua tìm hiểu được biết cũng như nhiều địa phương khác, nguyên nhân đói nghèo ở Dụ Thượng là do bà con thiếu tư liệu sản xuất như: thiếu đất, thiếu vốn...
Bên cạnh đó có thêm nguyên nhân cơ bản là do trình độ nhận thức hạn chế nên không tiếp cận với cách làm ăn mới, còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Để khắc phục tư tưởng này, trong cuộc họp tổng kết Chương chình 135 giai đoạn II, Bí thư Tân đã kiến nghị không nên hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ dân cụ thể bằng gạo, bằng tiền mà tập trung giải quyết những vấn đề lớn như: thuỷ lợi, giao thông, điện, đầu tư khoa học kỹ thuật... Có như vậy, bà con mới thay đổi nhận thức để vươn lên trong sản xuất.
Một vấn đề lớn đặt ra cho Dụ Thượng, đó là do diện tích rừng tự nhiên lớn, địa bàn rộng, giao thông cách trở, nên tình trạng phá rừng tự nhiên, xâm canh và cháy rừng vẫn diễn ra, mặc dù xã đã triển khai nhiều giải pháp, nhiều kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, Chủ tịch Ngữ trăn trở. Nỗi lo của Chủ tịch xã Mai Quốc Ngữ là có cơ sở bởi Dụ Thượng thực sự là địa bàn để ý của lâm tặc do diện tích rừng tự nhiên của xã còn gần 5 ngàn ha. Thêm nữa, tuyến đường Gia Hội - Phong Dụ Thượng sắp được khởi công xây dựng, công tác giữ rừng sẽ lại càng khó hơn nhiều lần dù Kiểm lâm huyện Văn Yên phải cắm tới 4 kiểm lâm viên địa bàn.
Lãnh đạo chủ chốt xã trao đổi, để tháo gỡ khó khăn trước mắt bằng nhiều giải pháp cụ thể sẽ quyết tâm vận động nhân dân trong vụ sản xuất tới sẽ cấy hết diện tích trên đất hai vụ, đẩy mạnh phát triển cây màu... đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh đó, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã sẽ vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế đồi rừng, đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc và đặc biệt là công tác bảo vệ rừng.
Chia tay Dụ Thượng, chúng tôi đã hình dung miền quê này với những bản làng người Tày, người Dao, người Mông no ấm sẽ sống thanh bình trong lung linh ánh điện giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng vùng cao trong một ngày rất gần.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Ngày ngày nhìn thấy cuộc sống khó khăn của các em, các thầy, cô giáo thương lắm! Tới đây, nhà trường sẽ được xây dựng khu phòng bán trú kiên cố cho học sinh. Ngoài giờ học các em còn phân công nhau cuốc đất, gánh nước trồng rau phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
YBĐT - Bám sát nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, phối hợp cùng chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD), hàng năm. Đó là những kết quả đã đạt được của Công đoàn Công ty Điện lực Yên Bái trong nhiệm kỳ 2007 - 2010 vừa qua.
Chỉ thị của Bộ Y tế ban hành ngày 14-12 yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tả, sốt xuất huyết nhằm hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; chỉ đạo các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị, nhân lực để kịp thời chẩn đoán thu dung và điều trị bệnh nhân.
Tại buổi giao ban báo chí ngày 14-12, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước đông dân nhất thế giới. Bình quân mỗi năm, Việt Nam tăng thêm gần 1 triệu người, tương đương dân số một tỉnh trung bình.