Phổ cập giáo dục ở Trấn Yên: Giải pháp tốt hiệu quả cao
- Cập nhật: Thứ hai, 27/12/2010 | 9:23:47 AM
YBĐT - Những năm gần đây, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã có bước tiến đáng khích lệ cả về quy mô và chất lượng.
|
Riêng công tác phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH)- chống mù chữ (CMC), huyện đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia từ năm 1995 và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH đúng độ tuổi (ĐĐT) vào năm 2003. Năm 2004, huyện tiếp tục được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS). Từ năm 2005 đến nay, huyện Trấn Yên tập trung vào nhiệm vụ duy trì, nâng cao chất lượng PCGDTH ĐĐT và PCGD THCS.
Có được những kết quả trên là do huyện đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về PCGD như: Nghị quyết số 41/2000/QH10 kì họp thứ 8 Quốc hội khoá X, Chỉ thị số 61-CT/TW ngày 28/12/2000 của Bộ Chính trị về thực hiện PCGD, Quyết định số 40/2002 ngày 22/1/2002 của UBND tỉnh về kế hoạch PCGDTH-CMC, PCGDTHCS tỉnh Yên Bái giai đoạn 2002-2005, 2006-2010... Đồng thời, Trấn Yên đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp vừa đồng bộ, sát với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tập trung chỉ đạo tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh công cuộc xoá đói giảm nghèo. Huyện chỉ đạo sát sao các ngành thành viên trong
Ban chỉ đạo PCGDTH - CMC, PCGDTHCS làm tốt nhiệm vụ được phân công và dựa trên đặc thù chức năng, nhiệm vụ phát huy tốt vai trò tham mưu với cấp trên về các giải pháp chuyên môn. Ngành giáo dục huyện với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đã tích cực tham mưu với UBND huyện củng cố mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, từng bước bố trí đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu.
Phòng tích cực phối hợp với Hội Khuyến học huyện tuyên truyền về PCGD và xã hội hóa giáo dục trong nhân dân, xây dựng nhiều mô hình xã hội hóa giáo dục khá hiệu quả như: mô hình bán trú dân nuôi; lớp học bổ túc; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; tổ chức tốt các hoạt động khuyến học. Huyện đã thành lập được tổ cốt cán thực hiện PCGD. Hàng năm, tổ cốt cán tăng cường kiểm tra, hỗ trợ chuyên môn đối với các xã, thị trấn. Tại mỗi xã, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách phụ trách PCGD. Công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số được tiến hành chặt chẽ.
Với những giải pháp trên, đến nay; toàn huyện đã có 65 trường học. Trong đó có 20 trường mầm non, 22 trường tiểu học, 19 trường THCS, 1 trường liên cấp 2-3 và 3 trường THPT. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành có 1.341 người, trong đó, biên chế là 1.209 người. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,6% Năm học 2010 - 2011, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn bằng 99,8%, trên chuẩn là 66,1% và chỉ còn 0,2% giáo viên dưới chuẩn. 100% số xã, thị trấn trong huyện đều đạt tiêu chuẩn về đội ngũ giáo viên. Kinh phí từ nguồn XHHGD được hỗ trợ từ năm 2000 đến nay đạt trên 2 tỷ đồng...
Về PCGDTH ĐĐT năm 2000 huyện Trấn Yên mới có 8/22 xã; năm 2001 có 11/22 xã nhưng từ 2002 đến 2004 có 22/22 xã; 2005 có 21/22 xã; năm 2006 đến 2008 có 20/22 xã và từ năm 2009 đến nay 22/22 xã, thị trấn của huyện đã đạt PCGĐTH ĐĐT. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi được huy động ra lớp 1 trong năm 2001 đạt 98,5% và từ năm 2002 đến nay duy trì ở mức 100%; tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học được huy động vào lớp 6 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS (kể cả hệ bổ túc) luôn ở mức xấp xỉ 100%.
Huyện tiếp tục duy trì, củng cố nâng cao chất lượng PCGDTH ĐĐT ở mức độ 2 để tạo tiền đề cho PCGDTHCS ĐĐT. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và PCGD là:tiếp tục quản lý chặt chẽ việc học sinh ra lớp và duy trì sĩ số; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận với phương pháp dạy học mới; tổ chức các chuyên đề hội thảo cụ thể để rút ra những kinh nghiệm chỉ đạo chung toàn huyện; yêu cầu các trường tổ chức thường xuyên theo định kỳ việc dự giờ, thăm lớp và có đánh giá rút kinh nghiệm, góp ý từng giờ giảng để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh từng vùng; thực hiện việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá tiết dạy của giáo viên, kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Thời gian tới, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ được huyện đặc biệt chú trọng và đưa vào nghị quyết của HĐND.
H.N
Các tin khác
YBĐT - Đến năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh Yên Bái có 2.321 giáo viên mầm non, trong đó đạt chuẩn trở lên là 99,31%, bậc tiểu học có 4.086 cán bộ quản lý và giáo viên, đạt chuẩn trở lên là 99,66%, THCS có 3.370 giáo viên, đạt chuẩn trở lên là 98,43%...
YBĐT - Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, tính đến tháng 12 năm 2010, phường Minh Tân đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Trời rét đậm, rét hại vẫn xâm chiếm các tỉnh Bắc Bộ trong ngày đầu tuần. Dự báo ngày 28/12, khối không khí lạnh sẽ suy yếu chậm.