Người Mông vùng cao xuất khẩu lao động làm giàu
- Cập nhật: Thứ năm, 6/1/2011 | 4:34:02 PM
YBĐT - Nhờ việc vay vốn để xuất khẩu lao động (XKLĐ) đến nay đã có nhiều người Mông ở 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái không những thoát nghèo mà đang từng bước vươn lên làm giàu.
Gia đình chị Giàng Thị Sau đ
|
Được Ngân hàng chính sách Xã hội (CSXH) huyện Trạm Tấu cho vay 23 triệu đồng để đi XKLĐ, mới đi được 2 tháng nhưng anh Giàng A Gâu con trai anh Giàng A Páo ở thôn km16, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã gửi về 13 triệu đồng, trước đó gia đình anh Páo nghèo đói quanh năm.
Anh Páo cho biết: “Trước đây nhà mình nghèo lắm, đi nương đi rẫy cả năm mà cũng không đủ ăn, từ ngày Gâu đi Li-bi và gửi tiền về, nhà mình đã mua được ti vi, mua được thóc để ăn nên không sợ đói nữa”. Cũng như gia đình anh Páo, gia đình chị Giàng Thị Sau ở thôn km14 có con trai là Sùng A Giống đi XKLĐ, mới đi được một năm mà Giống đã gửi về cho gia đình hơn 30 triệu đồng".
Có tiền, gia đình chị Sau đã tu sửa nhà cửa, mua thóc để ăn, đặc biệt gia đình chị đã mua 2 con trâu nái để sinh sản. Chị Sau vui vẻ tâm sự: “Giống gửi tiền về nhà, tôi mừng lắm. Hai con trâu nhà tôi mua được nhờ tiền của Giống gửi về nay nó cũng sắp đẻ rồi”.
Ngay cạnh nhà chị Sau còn có nhà anh Sùng A Vàng, mới đi Li-bi được một năm, về nước anh đã mang về hơn 40 triệu đồng, có tiền anh đã mua sắm ti vi, bàn ghế, giường, tủ, mua thóc và mua một con trâu sinh sản. Hiện nay, gia đình anh Vàng không còn đói nữa, con trâu mua được nay cũng đã sắp đẻ.
Anh Giàng A Chư - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu vui mừng nói: “Người Mông nay đã dần hết nghèo rồi, con cái đi XKLĐ gửi tiền về, họ đã biết mua thóc để ăn, mua trâu, bò, đầu tư phát triển kinh tế. Cứ đà này mấy năm nữa người Mông cũng sẽ giàu thôi”.
Rời Trạm Tấu chúng tôi lên huyện vùng cao Mù Cang Chải. Những nếp ruộng bậc thang kỳ vỹ hiện ra làm say mê lòng người. Anh Bùi Văn Hóa - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện vui mừng cho biết: “Cuộc sống của nhiều người Mông nay đã thay đổi nhiều lắm, hầu hết những hộ được vay vốn để XKLĐ đã hoàn trả lại gốc cho ngân hàng, không những vậy, họ còn mua được trâu, bò và còn có tiền gửi tiết kiệm nữa”. Mù Cang Chải có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đến nay huyện có 12 hộ được vay vốn để XKLĐ với tổng dư nợ 452 triệu đồng.
Cách đây 1 năm, những người Mông Mù Cang Chải không hề nghĩ mình có thể bước ra được khỏi bản để kiếm tiền. Cái đói nghèo đeo bám quanh năm, đói ăn nên không ai dám nghĩ đến việc cho con em mình đi học chữ mà chúng phải theo cha mẹ lên nương rẫy kiếm miếng ăn. Từ ngày được vay vốn để XKLĐ, người Mông nơi đây như nằm trong mơ bởi những khoản tiền lớn được gửi từ nước ngoài về, họ không còn sợ đói và đặc biệt đã có thể cho con em mình được đến trường.
Đến thăm gia đình anh Sùng Pàng Tủa, bản Trống Xua khi anh đang cẩn thận lau chùi chiếc xe máy mới mua được nhờ tiền con trai gửi về từ nước ngoài. Được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 22 triệu đồng,
Sùng A Chư con trai anh Tủa đi XKLĐ tháng 9/2009, mới được hơn năm nhưng anh Chư đã gửi về cho gia đình hơn 40 triệu đồng. Có tiền, anh Tủa đã nhanh chóng trả gốc ngân hàng, số tiền còn lại anh đem tu sửa nhà cửa, mua xe máy để đi lại, mua một con trâu sinh sản và đặc biệt anh đã cho 2 con của mình đến trường: “Giờ mình có tiền rồi phải cho con mình đi học cái chữ thôi, sau này nó còn đi lao động kiếm tiền không còn vất vả nương rẫy nữa”.
Cũng là một hộ nằm trong diện đói, gia đình anh Giàng A Hử, xã Lao Chải trước đây thiếu thốn trăm bề. Tháng 9/2009, con trai anh đi XKLĐ, đến nay đã gửi về 45 triệu đồng, có tiền anh Hử đã đem trả gốc Ngân hàng CSXH, mua thóc, tu sửa nhà cửa và mua một con trâu sinh sản, còn lại anh đem gửi tiết kiệm.
Anh Hử tâm sự: “Đồng bào Mông chúng tôi mang ơn Ngân hàng CSXH lắm, không được vay vốn để XKLĐ thì chúng tôi mãi nghèo thôi, nay chúng tôi không còn sợ đói nữa rồi”. Còn với gia đình anh Giàng Văn Su, con trai anh mới đi XKLĐ tháng 8 vừa rồi, mới đi được 4 tháng nhưng con trai anh cũng đã gửi về 8 triệu đồng, với anh Su đó là một khoản tiền rất lớn.
Nỗi ám ảnh về cái đói đã được xua đi, người Mông ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã đổi mới tư duy và nhận thức. Nhờ đó cuộc sống của đồng bào Mông vùng cao cũng đổi thay từng ngày, góp phần làm giàu cho gia đình, xã hội và xây dựng nông thôn vùng cao no ấm, tiến bộ.
Triệu Huấn
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, giai đoạn 2009 – 2011, huyện Trấn Yên (Yên Bái) được phê duyệt hỗ trợ làm 599 nhà cho hộ nghèo.
YBĐT - Nhân dịp đón năm mới 2011, Huyện ủy-HĐND- UBND-Ủy ban MTTQ huyện Văn Yên đã tổ chức gặp mặt 75 già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
YBĐT - Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái vừa tổ chức gặp mặt đội tuyển học sinh giỏi năm học 2010 - 2011.
YBĐT - Năm 2010, trên địa bàn 23 xã của huyện Lục Yên đã có 370 ngôi nhà được xây dựng xong cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.