Lao động ngành công thương: Nhu cầu và yêu cầu đào tạo
- Cập nhật: Thứ năm, 13/1/2011 | 2:21:26 PM
YBĐT - Những năm gần đây, lao động ngành công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh Yên Bái có xu hướng tăng dần, tuy nhiên tốc độ tăng còn chậm.
Học viên Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái thực hành với máy đột dập.
|
Năm 2005, lao động trong các ngành công nghiệp là gần 20 ngàn người - chiếm 5,4% lao động trong các ngành kinh tế; lao động thương mại là trên 17 ngàn người - chiếm trên 4,6% lao động trong các ngành kinh tế. Năm 2010, lao động ngành công nghiệp ước khoảng trên 32 ngàn người - chiếm khoảng 8,2% lao động các ngành; lao động ngành thương mại ước khoảng trên 28 ngàn người - chiếm 7% lao động các ngành. Trình độ lao động nhìn chung còn thấp, theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngành công thương chiếm khoảng trên 53%.
Thực trạng này một phần do mô hình kinh doanh của các đơn vị sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn còn nhỏ lẻ, kinh tế hộ cá thể chiếm phần nhiều, công tác đào tạo nghề lại chưa được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh coi trọng đúng mức cũng như chưa có các chính sách đãi ngộ thu hút người lao động hợp lý. Vì thế thời gian qua rất nhiều lao động chưa qua đào tạo vẫn có thể “tồn tại” được.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2015 là phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc. Năm 2015, công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 41%, dịch vụ chiếm 34% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Công nghiệp sẽ được phát triển theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, là khâu đột phá để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Ưu tiên quy hoạch và đầu tư xây dựng một số khu kinh tế như khu kinh tế tổng hợp - dịch vụ - du lịch ở các xã hữu ngạn sông Hồng thành phố Yên Bái, Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Âu Lâu... để Yên Bái trở thành động lực đầu tàu nền kinh tế của tỉnh, hướng vào công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm, sản phẩm đá trắng, gốm sứ, vật liệu xây dựng, thép, cơ khí, điện tử...
Đồng thời, tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp vệ tinh tại các huyện vùng thấp, hướng vào phát triển công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, chè, sản xuất xi măng... tăng cường công tác khuyến công, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở nông thôn. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 7.400 tỷ đồng trở lên.
Phát triển các ngành dịch vụ, đạt mức tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thương mại. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm có lợi thế và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu nhằm đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2015 gấp 4-5 lần năm 2010. Phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, di tích lịch sử từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ...
Với những mục tiêu phát triển trong giai đoạn tới, năm 2015, theo dự báo lao động ngành công nghiệp sẽ tăng lên trên 47 ngàn người - chiếm 11% lao động các ngành kinh tế; lao động ngành thương mại sẽ khoảng 36,4 ngàn người - chiếm 8,6% lao động các ngành kinh tế. Năm 2020, dự báo lao động ngành công nghiệp sẽ tăng lên 73,3 ngàn người - chiếm 16% lao động các ngành, lao động ngành thương mại sẽ là 62 ngàn người - chiếm 13,5% lao động các ngành kinh tế. Như vậy theo dự báo, nhu cầu lao động ngành công thương trong giai đoạn tới là rất lớn.
Định hướng phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh cùng với những yêu cầu của thời đại như sự đổi mới của công nghệ, xuất hiện những công nghệ mới, tự động hóa... đòi hỏi người lao động phải có trình độ, tay nghề cao hơn mới đáp ứng được nhu cầu làm nghề.
Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 24 cụm điểm công nghiệp được hình thành, trong đó 5 khu công nghiệp của tỉnh và 19 cụm điểm công nghiệp các huyện thị thành phố với diện tích trên 2.000 ha đất dành cho phát triển công nghiệp. Do vậy cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với các ngành sẽ được phát triển có lợi thế của tỉnh. Đó là các ngành như: công nghiêp chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch (chế biến chè, chế biến tinh bột sắn, tinh dầu, chế biến nước hoa quả), công nghiệp chế biến lâm sản (chế biến bột giấy, giấy đế, ván ép...), khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng, gạch xây dựng, sứ các loại), ngành cơ khí (sửa chữa ô tô, sản xuất hàng nông cụ), lao động cho các làng nghề truyền thống.
Trong thương mại, cần tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực cho các ngành kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, khí ga hóa lỏng, kinh doanh thương mại hiện đại như nhân viên bán hàng trong siêu thị, cửa hàng tự chọn, nhân viên bán hàng có yêu cầu kĩ thuật, kế toán đơn giản cho các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Trang bị những kiến thức cần thiết cho người lao động trong kinh doanh như lập kế hoạch kinh doanh, chiến lược kinh doanh, quản lý tài chính và các nguồn vốn, sử dụng công nghệ hiện đại vào kinh doanh... đào tạo về thương mại điện tử cho doanh nghiệp thương mại...
Đây cũng là những ngành nghề mà người lao động nên hướng đến để có thể tìm kiếm cơ hội việc làm ngay trên địa bàn tỉnh.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, trong những ngày qua thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đủ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như việc học hành của học sinh.
YBĐT - Các bác sỹ đã mổ và điều trị kịp thời cho 147 bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân được mổ cả 2 mắt. Sau mổ, thị lực của 100% bệnh nhân được cải thiện rõ rệt.
YBĐT - Lễ khởi động Năm Thanh niên 2011 của Huyện đoàn Trấn Yên có nội dung "Ngày thanh niên hành động vì người nghèo".
YBĐT - Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách" và bằng những đồng tiền nhỏ quyên góp, ủng hộ, nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn đang chung tay cùng toàn xã hội chăm lo cho người nghèo trên địa bàn đều được đón tết Nguyên đán vui tươi và đầm ấm.