Đường về Chế Tạo
- Cập nhật: Thứ tư, 19/1/2011 | 2:23:09 PM
YBĐT - Nghị quyết của Đảng bộ Yên Bái là đến trước năm 2010, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã.
Đường về xã Chế Tạo (Mù Cang Chải).
|
Từ thành phố Yên Bái vượt qua đèo Khau Phạ với chiều dài 27 km, sương mù khủng khiếp ngập kín cả vùng đèo núi, khiến những xe ô tô không có đèn vàng phải bám sát xe đi trước để căn chuẩn đường về huyện lỵ Mù Cang Chải an toàn. Rồi từ quốc lộ 32 rẽ trái, thêm hơn ba giờ vượt qua các đỉnh Kim Nọi, Háng Gàng, Chế Tạo cao sừng sững, chúng tôi mới về đến Chế Tạo, xã cuối cùng của tỉnh Yên Bái có đường giao thông đến.
Trong cái rét căm căm dưới 8 độ C, các thanh thiếu niên trong những bộ quần áo mới sặc sỡ chơi tết, bỏ cả ném pao, đánh quay, chơi khèn, ùa đến vẫy chào người lạ, bởi quá lâu rồi mới có xe về Chế Tạo. Cái vất vả của những cú xóc kinh người, những cua và dốc 10 độ miền núi "có châm chước", những buốt cóng của chuyến đi trong chúng tôi như ấm lại bởi những cái bắt tay thật chặt, thật tình người nơi này.
Chế Tạo cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 35 km, là xã xa nhất tỉnh Yên Bái. 275 hộ dân tộc Mông sinh sống ở bảy bản, trong đó các bản Háng Tày, Pú Vá, Tà Xung cách trung tâm xã từ 15 đến 19 km. Do cách trở về địa lý gần như biệt lập với xã hội hiện tại, điều kiện sinh sống cực kỳ khó khăn chủ yếu tự cung tự cấp, không có điện, không có đường ô tô, không điện thoại, cán bộ xã làm việc chung trong ngôi nhà gỗ lợp ván thông ba gian chật hẹp... Vì thế hơn mười năm trước, một số bản đã có ý định "ly khai" khỏi Yên Bái để về với huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Tỉnh uỷ Yên Bái được tin đã cấp tốc đưa đoàn công tác do đích thân Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Phùng Quốc Hiển (hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội) dẫn đầu, đi bộ từ sáng đến nửa đêm mới tới xã. Các ban Đảng, cùng Ban Dân tộc miền núi trong đoàn công tác "ba cùng" với dân tìm hiểu, tổ chức họp với dân nhằm ổn định tình hình. ý nguyện của đồng bào là xin Đảng, xin tỉnh một con đường từ huyện lỵ tới xã. Chỉ có như vậy, mới giải quyết được cái thiếu chữ, thiếu đói, thiếu ánh sáng, mới đuổi được con ma rừng vẫn quẩn quanh bắt người bấy lâu nay chỉ vì không có bác sỹ và xe cấp cứu khi có bệnh trọng.
Nghị quyết của Đảng bộ Yên Bái là đến trước năm 2010, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Lòng dân hợp ý Đảng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) được tỉnh giao cho việc đỡ đầu xã đặc biệt khó khăn Chế Tạo.
Từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, công với huy động sức dân các xã trong huyện Mù Cang Chải để làm đường giao thông nông thôn vào xã. Mỗi bao xi măng phải chia đôi hai người cho vào lù cở để vận chuyển bộ hàng chục km, dây cáp bằng thép thì không chặt được mà gùi cũng không được vì quá nặng, thế là rồng rắn mỗi người một đoạn như rước rồng lễ hội cũng đưa được cáp vào xã làm cầu treo qua suối. Những nơi đường đi qua bị vướng đá núi, không được nổ mìn vì qui chế nghiêm ngặt bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên, đồng bào phát huy kinh nghiệm dân gian là dùng củi khô đốt liên tục mấy ngày khiến đá vỡ tơi để thông đường.
Hôm nay, đường vào xã đã thông cho “cái” ô tô đến dù chỉ vào mùa khô. Có đường giao thông, bộ mặt xã Chế Tạo đã có nhiều khởi sắc: Trạm Y tế xã được xây mới và có y sỹ người Mông trực hàng ngày; trên 250 học sinh được đến lớp tại bốn điểm trường, trong đó có một điểm trường được xây hai tầng khang trang; điện lưới tuy chưa có vì chi phí hàng trăm tỷ đồng cho kéo đường dây hơn 35 km đến xã với một tỉnh nghèo như Yên Bái là không tưởng nhưng những nhà có điều kiện đã biết dùng sức nước làm thuỷ điện nhỏ để có điện xem ti vi, xem băng hình.
Chủ tịch UBND xã Sùng A Tủa vui mừng cho biết: Nhà mình ở Háng Tày cách đây 17 km, ngày trước tới họp Ủy ban phải đi bộ mất cả buổi sáng, nay được đầu tư của Nhà nước nên cả bảy bản trong xã đều có đường giao thông nông thôn đến, mình mua cái xe máy đi về chỉ mất có hơn một tiếng thôi, tiện lắm nhà báo à!
Đang độ Tết đồng bào Mông, hoa Tớ dày bung sắc thắm khắp núi rừng, mọi nhà ở đây đều làm bánh dày, mổ lợn, gà cúng ông bà tổ tiên và cầu chúc cho mùa vụ mới tốt tươi. Trong cái lạnh mù sương che phủ cả vùng núi cao hơn 1.000 mét, Bí thư Đảng uỷ xã Giàng Pằng Tủa qua chén rượu thân tình ngày Tết Mông tâm sự: Từ ngày đắp đập nước Thuỷ điện Sơn La, vùng này mới bị sương mù thế. Cũng tốt, vì càng đỡ cháy rừng, bởi thế mạnh của xã mình là rừng.
Toàn xã có diện tích 23.658 ha thì gần 17.000 ha là rừng khoanh nuôi bảo vệ, do dân cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo quản lý. Có tiền từ việc giữ rừng, làm 158 ha lúa một vụ ruộng bậc thang cộng với trồng cây thảo quả đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo trong xã từ trên 80% nay giảm dưới 50% là một kết quả đáng khích lệ. Ngay như lớp trẻ hôm nay của xã cũng rất hiếu học, hàng chục em được gia đình cho ra huyện lỵ theo học trường dân tộc nội trú, nhiều em đã trở thành sỹ quan quân đội, công an, kỹ sư và cán bộ chủ chốt của huyện Mù Cang Chải.
Bí thư Đoàn xã Giàng A Xềnh khoác tay tôi líu ríu: Xã mình có 106 đoàn viên, năm nay có 6 đồng chí được đi học lớp đối tượng Đảng. Ai đi bộ đội khi xuất ngũ về cũng được đồng bào tín nhiệm cử tham gia các công việc của bản, của xã đấy! Vẫn biết nguồn cán bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay ở tỉnh còn thiếu và bất cập, nhưng khi nhìn thấy các khuôn mặt ngời sáng của lớp trẻ Chế Tạo, trong tôi thầm ước mọi xã vùng cao đều có được đội ngũ kế cận như ở đây thì tốt biết bao!
Trong ngôi nhà văn hoá xã lát gạch hoa đầu tiên trong xã rộng 120m2, công trình trị giá 200 triệu đồng từ nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Yên Bái hỗ trợ, anh Bùi Danh Tú, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết: Những năm qua, ngoài việc hỗ trợ làm nhà văn hoá xã, hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho các hộ nghèo và các cháu học sinh học giỏi, năm 2010, tỉnh đã đầu tư 60 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường nối quốc lộ 32 với trung tâm xã.
Nhiệm vụ của ngành trước mắt là nối tuyến đường từ Mường La (Sơn La) đến Mù Cang Chải; đường nối quốc lộ 70 với quốc lộ 32C; đường tránh ngập đoạn qua thành phố Yên Bái... nhằm phá thế độc đạo nhất là vào mùa mưa lũ, bảo đảm tốt giao thông trên địa bàn chiến lược vùng Tây Bắc.
Những tuyến giao thông nông thôn về các xã Chế Tạo, Bản Mù, Phình Hồ, Tà Xi Láng, Nà Hẩu, Làng Nhì..., đường đi đến đâu là bộ mặt nông thôn miền núi có thêm sức sống mới, mà ở đó đồng bào dân tộc thiểu số đời đời ơn Đảng, ơn Chính phủ đã cho mình cuộc sống tươi đẹp, an lành, hạnh phúc. Bên điệu khèn Mông, ai đó đang hát câu chuyện tình yêu: "Đường đi về bản, đường đi xuống núi/ Trời chỉ có, chỉ có sao sáng sao chiều/ Núi chỉ có hai người, hai người bên nhau".
Mỹ Sinh
Các tin khác
YBĐT - Công ty VTTH Cửu Long Vinashin nợ tiền BHXH từ năm 2006 đến nay là 4 năm, trong suốt thời gian đó người lao động phải chịu thiệt thòi vì Công ty không đóng BHXH...
Đợt rét đậm, rét hại bắt đầu từ ngày 2/1 có khả năng kéo dài ít nhất đến 28/1 do liên tiếp đón nhận không khí lạnh tăng cường. Các chuyên gia khí tượng lo ngại đợt rét này sẽ phá kỷ lục của đợt rét lịch sử năm 2008.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 06/2011 sửa đổi, bổ sung một số điểm trong việc trang bị, thay thế ôtô cho một vài chức danh. Theo thông tư này, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ chỉ được mua xe có giá tối đa 840 triệu đồng/xe.
Bố trí phân công công tác đối với người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp. Miễn học phí cho tất cả các cấp học, ngành học đối với người dân tộc thiểu số rất ít người.