Công ty Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin: Bao giờ hết nợ tiền BHXH?
- Cập nhật: Thứ tư, 19/1/2011 | 2:17:39 PM
YBĐT - Công ty VTTH Cửu Long Vinashin nợ tiền BHXH từ năm 2006 đến nay là 4 năm, trong suốt thời gian đó người lao động phải chịu thiệt thòi vì Công ty không đóng BHXH...
Người lao động chỉ yên tâm lao động tốt khi được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Ảnh:Minh Hằng
|
Tính đến hết tháng 12 năm 2010, số nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) của Công ty Vật tư tổng hợp (VTTH) Cửu Long Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) lên tới trên 4,6 tỷ đồng. Tình trạng này đã khiến hàng trăm lao động nghỉ việc, ốm đau, thai sản... của Công ty từ năm 2007 đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ.
Từ câu chuyện quá khứ...
Công ty VTTH Cửu Long Vinashin tiền thân là Công ty Vật tư nông nghiệp Yên Bái, có nhiệm vụ kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh. Có thể nói đây là đơn vị đã có nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã từng được tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba...
Năm 2003 Công ty nghiên cứu mở rộng, phát triển dự án: Xây dựng Trung tâm thức ăn chăn nuôi chất lượng cao và chế biến xuất khẩu dứa ở huyện Văn Yên. Đây là hai dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước đột phá trong quá trình phát triển của Công ty, cũng như tạo sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả hai dự án đều đi vào bế tắc.
Sản phẩm thức ăn chăn nuôi không đủ lực để cạnh tranh với các thương hiệu đã đứng vững trên thị trường. Riêng dự án trồng dứa, UBND tỉnh đã phê duyệt 2.500ha đất để Công ty phát triển vùng nguyên liệu, trong đó có 500 ha để nhân giống dứa, cung cấp cho các hộ dân tại các xã của huyện Văn Yên, Văn Chấn, nhưng với nhiều lý do khác nhau dự án không thành công, hàng tỷ đồng đổ vào dự án đã không mang lại kết quả.
...Đến những người chịu thiệt thòi.
Có thể nói sự thất bại của hai dự án không những làm cho Công ty cạn kiệt về kinh tế, mất khả năng cân đối tài chính mà hơn 500 lao động phải chịu thiệt thòi về quyền lợi. Sau thất bại của dự án dứa, các ngân hàng thương mại cũng “khóa sổ” tín dụng với Công ty. Trước tình thế này, ngày 12/10/2007 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chuyển Công ty về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Hy vọng được nhen nhóm khi kết quả kinh doanh năm 2008 của Công ty đã có bước khả quan. Nhưng những khó khăn chung của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã “lan” đến Công ty. Bước sang năm 2009, các khoản nợ của Công ty ngày càng lớn dần, trong đó có nợ BHXH.
Trước vi phạm trong trích nộp BHXH dẫn đến việc không bảo đảm quyền lợi cho người lao động, sau nhiều lần đôn đốc, cuối cùng phía cơ quan BHXH cũng chỉ nhận được công văn khất nợ của Công ty vì "không vay được tiền của ngân hàng" và thế là quyền lợi của hàng trăm lao động tiếp tục bị ảnh hưởng. Trong tháng 7 năm 2009, đoàn Thanh tra liên ngành của tỉnh tiếp tục vào cuộc và có kết luận: Tại thời điểm thanh tra, Công ty chưa giải quyết các chế độ ngừng việc cho người lao động.
Công ty cũng đã thu tiền BHXH, BHYT của 52 công nhân đã nghỉ với tổng số tiền gần 300 triệu đồng... Đoàn thanh tra đã yêu cầu Công ty khắc phục ngay những vi phạm và nộp đầy đủ số tiền nợ BHXH trước ngày 30/9/2009; đồng thời quyết định phạt 4 triệu đồng. Từ đó đến nay đã hơn một năm nhưng vi phạm của Công ty không những không được khắc phục mà số nợ BHXH còn ngày càng tăng thêm. Tính đến hết tháng 12 năm 2010, số nợ BHXH của Công ty lên tới trên 4,6 tỷ đồng.
Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của BHXH Việt Nam theo hướng Công ty hoàn tất các thủ tục, giấy tờ liên quan đến việc giải quyết chế độ cho 150 công nhân hợp đồng trồng dứa tại Văn Yên đã chấm dứt hợp đồng thời gian trước, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Vì trên thực tế số lao động này đã đóng BHXH nhưng vẫn chưa được chốt sổ do Công ty vẫn còn nợ tiền BHXH. Tuy nhiên, phương án này của BHXH tỉnh đã không được BHXH Việt Nam chấp nhận. Như vậy, người lao động sẽ phải tiếp tục... “ngồi chờ” không biết đến bao giờ Công ty mới thanh toán hết nợ với BHXH để được giải quyết chế độ?
Thời gian vừa qua có nhiều lao động thuộc Công ty đã viết đơn khiếu kiện lên Sở Lao động Thương binh Xã hội với nội dung Công ty không giải quyết chế độ cho họ.
Công ty VTTH Cửu Long Vinashin nợ tiền BHXH từ năm 2006 đến nay là 4 năm, trong suốt thời gian đó người lao động phải chịu thiệt thòi vì Công ty không đóng BHXH, lại còn chiếm dụng cả số tiền mà một số công nhân đã đóng. Việc để công nhân không được hưởng quyền lợi gì trong suốt thời gian qua, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo Công ty VTTH Cửu Long Vinashin. Tuy nhiên, trong đó không phải không có trách nhiệm của ngành BHXH.
Ông Vũ Minh Quân đã công tác tại Công ty 33 năm. Từ tháng 11 năm 2006 đến nay do Công ty không bố trí được việc làm, không có lương nhưng tiền BHXH, BHYT ông đóng 100%. Ông Quân xin nghỉ chế độ và được Hội đồng giám định Y khoa giám định tỷ lệ mất sức lao động 61% nhưng không được giải quyết. Lý do mà BHXH tỉnh đưa ra là do Công ty nơi ông công tác còn nợ tiền BHXH và chỉ khi nào Công ty nộp đủ tiền BHXH thì ông mới được giải quyết chế độ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hưng cho biết: "Tôi vẫn nộp BHXH hàng tháng, năm 2008 tôi ra hội đồng y khoa cơ quan giám định sức khoẻ mới biết số tiền mà chúng tôi đóng hàng tháng đã không được Công ty nộp cho BHXH. Giờ nếu tôi muốn nghỉ hưu thì phải đóng thêm 14 triệu đồng nữa, vậy lấy đâu ra tiền, trong khi công việc thì lúc có lúc không”... và còn rất nhiều những công nhân khác của Công ty nhất là chị em phụ nữ nghỉ ốm đau, thai sản từ quý II năm 2007 đến nay vẫn chưa được giải quyết chế độ. Đến tháng 8 năm 2010, Công ty có 31 người xin chuyển công tác, 10 người xin nghỉ chế độ nhưng vẫn chưa được giải quyết chế độ. Có thể nói cuộc sống của người lao động đã khốn khó thì nay càng khốn khó hơn vì những vi phạm của Công ty.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Tại buổi làm việc với Tổ thu nợ của BHXH tỉnh tháng 12/2010, Ban giám đốc Công ty lại hứa sẽ thanh toán đủ số tiền nợ với cơ quan BHXH nhưng “phải đợi” Công ty vay được tiền... Theo ông Phạm Tiến Dũng - giám đốc Công ty, hiện nay tổng số nợ của công ty là 80 tỷ đồng, tổng tài sản đang sử dụng là 86 tỷ đồng. Như vậy, về kinh tế, Công ty có đủ khả năng để thanh toán tất cả các khoản nợ. Ông Dũng hy vọng trong thời gian tới Công ty tiến hành cổ phần hóa và cơ cấu lại tài chính sẽ có điều kiện để thanh toán hết nợ nần.
Cũng tại buổi làm việc này phía cơ quan BHXH tỉnh đã yêu cầu Công ty trả hết số tiền nợ vào tháng 12/2010, nếu không sẽ khởi kiện ra tòa. Nhưng đến nay Công ty VTTH Cửu Long chưa trả nợ và BHXH tỉnh cũng vẫn chưa khởi kiện ra tòa. Luật BHXH quy định, người sử dụng lao động phải đóng BHXH hàng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH và thực hiện quyết toán hàng quý đối với tổ chức BHXH. Luật này cũng quy định, tổ chức BHXH có quyền kiểm tra việc đóng BHXH và kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Nhưng ngành BHXH đã không kiên quyết ngay khi doanh nghiệp mới nợ BHXH. Đến khi nợ đọng kéo dài nhiều năm, số tiền lên đến hàng tỷ đồng, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo thì quá muộn.
Công ty hứa sẽ thanh toán hết số tiền nợ BHXH khi cổ phần hoá và vay được vốn ngân hàng, BHXH tỉnh dọa kiện Công ty ra toà nếu không trả hết nợ. Phần thắng sẽ thuộc về ai thì chưa biết, nhưng quyền lợi của hàng trăm người lao động đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
H.D
Các tin khác
Đợt rét đậm, rét hại bắt đầu từ ngày 2/1 có khả năng kéo dài ít nhất đến 28/1 do liên tiếp đón nhận không khí lạnh tăng cường. Các chuyên gia khí tượng lo ngại đợt rét này sẽ phá kỷ lục của đợt rét lịch sử năm 2008.
Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư 06/2011 sửa đổi, bổ sung một số điểm trong việc trang bị, thay thế ôtô cho một vài chức danh. Theo thông tư này, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ chỉ được mua xe có giá tối đa 840 triệu đồng/xe.
Bố trí phân công công tác đối với người dân tộc thiểu số sau khi tốt nghiệp. Miễn học phí cho tất cả các cấp học, ngành học đối với người dân tộc thiểu số rất ít người.
YBĐT - Năm 2002, thôn Đồng Bội, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình chính thức được công nhận làng văn hoá, đến năm 2004, thôn được công nhận làng văn hóa cấp huyện.