Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2011 | 3:02:52 PM

YBĐT -

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tỉ lệ học sinh ra lớp ở Trường THCS xã Sùng Đô (Văn Chấn) đạt gần 100%
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tỉ lệ học sinh ra lớp ở Trường THCS xã Sùng Đô (Văn Chấn) đạt gần 100%

Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đến nay tỉnh Yên Bái đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành xong chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT). Đó là tiền đề quan trọng để sự nghiệp giáo dục Yên Bái từng bước ổn định và nâng cao chất lượng.

Để có được kết quả đó, với vai trò là cơ quan thường trực, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn đối với các huyện, thị, thành phố trong việc triển khai tổ chức, thực hiện. Tiêu biểu như: xây dựng các kế hoạch, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định nhằm duy trì chỉ đạo và tổ chức thực hiện mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng CMC-PCGDTH, đẩy mạnh tiến độ PCGDTHĐĐT, duy trì và nâng cao chất lượng PCGDTHCS; Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV xác định mục tiêu, nhiệm vụ CMC-PCGDTH, PCGDTHCS là của cả nhiệm kỳ…

Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục cũng được chú trọng và đẩy mạnh, trong đó các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp đã hỗ trợ đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng trường lớp học, nhà ở cho giáo viên. Nhờ vậy, sau 10 năm thực hiện mục tiêu PCGDTHĐĐT, hệ thống mạng lưới trường lớp được bố trí, sắp xếp lại hợp lý và từng bước xây dựng theo hướng kiên cố hóa. Nếu như năm 2000 toàn tỉnh có 224 trường học với 3.587 lớp và 2.718 phòng học (trong đó 1.293 phòng học kiên cố, 1.425 phòng dưới cấp 4) thì đến nay số được sắp xếp lại là 204 trường, 2.883 lớp với 2.740 phòng học (trong đó số phòng học kiên cố đã tăng lên 2.248 và phòng dưới cấp 4 giảm còn 492).

Công tác huy động học sinh ra lớp, duy trì số lượng, nâng cao chất lượng phổ cập có nhiều tiến bộ. Năm 2000 số trẻ vào lớp 1 có 11.678 đạt 89,9% thì đến năm 2010 số trẻ vào lớp một có 12.802 đạt 99,2%. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác phổ cập giáo dục ở Yên Bái hiện vẫn đang gặp nhiều rào cản. Trước hết, Yên Bái vẫn là một tỉnh nghèo, toàn tỉnh có 132/180 xã vùng khó khăn, trong đó có 65 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCGDTHĐĐT, đặc biệt là ở các huyện vùng cao việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 còn hạn chế, hơn nữa rào cản về ngôn ngữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Ngoài ra, mạng lưới trường lớp bước đầu tương đối ổn định nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, các cấp học, ngành học.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa cân đối về cơ cấu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều nhà trường còn thiếu, chưa đồng bộ... vì vậy, đến nay toàn tỉnh vẫn còn 14 xã chưa PCGDTHĐĐT và 2 xã chưa hoàn thành PCGDTHCS tập trung ở các xã khó khăn của các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên...

Ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Trước mắt đối với những xã chưa hoàn thành phổ cập giáo dục thì phải xem xét lại toàn bộ đội ngũ giáo viên, huy động mọi nguồn lực và làm tốt công tác tuyên truyền vận động con em đến lớp đúng độ tuổi.

Đối với những địa phương đã được công nhận cần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục. Thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động theo cả giai đoạn 2010 - 2015 từ tỉnh đến các huyện, thị. Có kế hoạch kiểm tra chương trình phổ cập giáo dục thường xuyên từ cấp nhà trường, huyện và tỉnh. Giáo viên thường xuyên theo dõi các thôn, bản, có mối quan hệ chặt chẽ với các bí thư, trưởng bản, đặc biệt là ở vùng cao để kịp thời nắm bắt và động viên con em ra lớp đúng độ tuổi".

Khác với các tỉnh miền xuôi, phổ giáo dục ở Yên Bái muốn có chất lượng thì trước hết chất lượng phải nằm trong số lượng, tức là phải huy động được học sinh ra lớp đúng độ tuổi. Theo ông Hưng, để làm được vấn đề này, trước hết ngành giáo dục cũng như các địa phương cần thực hiện tốt Nghị quyết 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đề án của UBND tỉnh về xây dựng hệ thống dân tộc bán trú dân nuôi.

Nằm  nâng cao chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho tỉnh có nhiều biện pháp như: đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nội trú, tập trung nâng cao chất lượng dạy học và học hai môn Toán, Tiếng Việt phù hợp với nhận thức của học sinh trong vùng; chú trọng các hoạt động ngoài giờ lên lớp giúp cho các em có điều kiện giao lưu, thực hành sử dụng tiếng Việt; tăng cường chỉ đạo dạy học 2 buổi/ngày, xây dựng nề nếp dự giờ, thăm lớp ở các trường tiểu học, nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với học sinh.

Một mùa xuân mới lại về, hy vọng rằng với nhiều giải pháp mới, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác phổ cập giáo dục của tỉnh Yên Bái sẽ duy trì và từng bước nâng cao chất lượng theo hướng bền vững.

Hà Tĩnh

Các tin khác
Thí sinh dự thi ĐH năm 2010 nhận phiếu báo thi tại Văn phòng 2 Bộ GD-ĐT.

Ngày 18-2, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2011.

Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc đề nghị của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo...

YBĐT - Thực hiện nhiệm vụ tuyển quân hàng năm, ngay từ tháng 9/2010, Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở tổ chức tuyển chọn và sơ tuyển thanh niên; rà soát lập danh sách 1.080 công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ.

Tính đến ngày 11-2, theo Cục Thú y, cả nước có 14 tỉnh xuất hiện dịch lở mồm long móng là: Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi và Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục