Lãng phí đủ đường
- Cập nhật: Thứ năm, 7/4/2011 | 9:51:08 AM
YBĐT - Người xưa không dùng từ "uống rượu" trong bữa ăn mà thường gọi là nhắm rượu. Bởi các cụ nâng chén rượu lên nhấm nháp đến mấy lượt mới hết.
Uống nhiều vừa lãng phí lại hại sức khỏe. Ảnh minh họa
|
Các cụ vừa uống vừa trò chuyện, ngâm, vịnh, thơ phú, kể chuyện tích xưa... rất hay, ai nghe cũng thấy thích và thường ngồi uống rất lâu nhưng chẳng bao giờ say vì uống có chừng mực. Hoặc nếu trong mâm có ai đã mệt thì xin phép không hầu chuyện nữa để đi nằm nghỉ trước.
Cho nên, giờ đây, chứng kiến mãi cảnh thằng cháu tên P cứ đưa bạn về nhà ăn uống là bọn trẻ thường rót chén rượu, cốc bia đầy ứ ự rồi cứ nâng lên là hô "can pây" trăm phần trăm khiến cụ N phát khiếp.
Lo cho con cháu uống kiểu như thế dễ say và ảnh hưởng sức khỏe, cụ góp ý:
- Hãy uống từ từ thôi các cháu để còn thưởng thức hương vị của rượu, bia nữa chứ! Có vội đi đâu mà các cháu cứ phải đốc thúc nhau uống liên hồi như thế...
Nghe vậy, P không những không tiếp thu lại còn cãi láo:
- Ngày xưa, các cụ chỉ làm một vụ nên nông nhàn thì ngồi lai rai với nhau được. Bây giờ, xã hội công nghiệp, chúng cháu uống như các cụ có mà cơ quan đuổi việc.
Nói oai thế chứ người nhà, xóm phố, cơ quan chẳng ai không biết P là người hay tụ tập bạn bè đến nhà uống rượu, thậm chí đi uống ngay cả trong giờ làm việc và còn ngồi lì bằng mấy lần các cụ chứ đâu có tác phong công nghiệp.
Nhiều người trước đây cũng trong nhóm của P nhưng rồi không chịu nổi cái cảnh ăn uống triền miên nên tự rút ra dần.
Tất cả đều có chung nhận xét là uống rượu theo kiểu nhóm bạn của P thì quá lãng phí và lãng phí đủ đường. Bởi lẽ, đã là nhóm nhậu với nhau thì phải trả "nợ miệng" luân phiên.
Mới đầu chỉ gọi đồ ăn uống bình thường ở quán bình thường nhưng dần dần, mỗi người lại muốn thể hiện sự hào phóng của mình với bè bạn nên thường gọi nhiều món và là món đắt tiền.
Do đó, mâm nhậu của nhóm giờ đây thường có mệnh giá khá cao và người tiền ít cũng phải đua theo.
Tuy nhiên, cái kiểu uống liên hồi, uống trăm phần trăm, uống không có liều lượng thường khiến mọi người trong nhóm của P uống nhiều mà chẳng ăn được gì. Có hôm thanh toán hết cả bạc triệu mà mâm cỗ có món hầu như chưa động đũa.
Sự lãng phí nữa là thời gian. Uống xong, có người trụ được lại tiếp tục về làm việc nhưng không ít người phải gửi đồng nghiệp lời nhắn: "Em biêng lắm rồi! Anh đến cơ quan, có ai hỏi thì nói hộ là em đi khám bệnh nhé!" và có vô vàn lý do khác nữa...
Thực tế là họ đã say nên trốn việc cơ quan để đi ngủ. Lại có người dù có về được cơ quan thì làm việc cũng chẳng đâu vào đâu, rồi có khi quay ra chòng ghẹo chị em. Hoặc có trường hợp say quá, ngủ ngay tại bàn làm việc, mọi người trêu lấy bút vẽ râu vẽ ria đầy mặt mà cũng không hề hay biết...
Thứ lãng phí nữa là sức khỏe và trí tuệ của tuổi trẻ. Đúng ra ở tuổi này, họ phải tập trung cho việc học tập và làm ăn thì lại ngập chìm trong cám dỗ của ma men.
Nhiều người bạn trong nhóm của P tuổi mới trên dưới ba mươi mà đã "vóc hạc hom hem". Đi xe máy nhìn còn đỡ chứ khi họ đi bộ, dáng ngất ngưởng tưởng như có gió to.
Cụ N nhìn cảnh cháu mình và các bạn lướt khướt rượu, bia mà chán. Nói mãi chúng cũng chẳng chịu nghe, cụ buồn rầu thốt lên: "Bọn trẻ bây giờ không nói là "nhắm rượu" mà chúng bảo là "nhậu", là "đi đập phá"... thật quá đúng!".
Thanh Tâm
SV Lương Xuân Trường - Lớp Trung cấp Điện công nghiệp K1B, Trường Cao đẳng Nghề Âu Lạc: |
Các tin khác
YBĐT - Những năm là gần đây, lực lượng hiến máu tình nguyện đã được mở rộng đến các tầng lớp nhân dân.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trung bình mỗi năm Thanh tra lao động cả nước thực hiện từ 4.500 đến 5.000 cuộc thanh tra, phát hiện 25.000 - 30.000 sai phạm.
YBĐT – Năm 2010 hơn 70 học sinh của Trường Trung cấp Y tế Yên Bái đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo với trên 30 đơn vị máu chuyển đến các cơ sở y tế cứ giúp người bệnh.
YBĐT - Hình thức tuyên truyền luôn được đổi mới, phù hợp với từng địa bàn và đối tượng khác nhau. Tài liệu tuyên truyền dưới dạng tờ rơi, tờ gấp, Bản tin Tư pháp được chuyển xuống các xã, thị trấn đầy đủ kịp thời.