Chuyện quanh mâm rượu
- Cập nhật: Thứ hai, 9/5/2011 | 9:44:16 AM
YBĐT - Ở đây không nói đến chuyện uống một lượng rượu vừa đủ trong mỗi bữa ăn sẽ có tác dụng tốt đối với sức khỏe như các nhà khoa học đã nghiên cứu, kết luận mà xin nói về chuyện ép nhau uống rượu.
Nếu trong mâm rượu, ai cũng giữ được chừng mực cho bản thân mình và tất cả mọi người thì câu chuyện chắc chắn sẽ cởi mở hơn, không khí sẽ thân tình hơn... khi cùng nhau nâng ly rượu, cốc bia. Tuy nhiên, nếu đồ uống bị lạm dụng, mọi người sẽ không còn thấy cái hay, cái tốt của rượu, bia mà chỉ thấy toàn những phiền toái, tác hại mà nó mang lại. Hết sức tai hại khi người ta tìm đủ lý do để uống, để ép nhau uống với những lí lẽ, quan niệm đại loại rằng: “Say mới thật”, “Đời phải có lúc say, ai lại lúc nào cũng tỉnh như sáo...” hay tụ tập, đàn đúm uống rượu, bia là giao du, quan hệ rộng rãi...
Bắt đầu ngồi vào mâm, "khởi động" một chén gọi là “tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu” cũng là bình thường. Uống một, hai chén chắc cũng chưa ai say và ai uống được bao nhiêu thì tùy, không o ép nhau... thì chắc chắn sẽ không có những hậu quả đáng tiếc do rượu gây ra. Đằng này, đã vào mâm thì không những "khởi động" một chén mà có khi phải là ba chén đồng thời "chủ xị" - người tổ chức bữa ăn - nhất định sẽ lần lượt được mọi người trong mâm “cảm ơn” một chén.
Rồi mỗi lần nhà hàng bổ sung thức ăn thì nhất thiết phải có một ly “chúc mừng món mới”. Nếu trong mâm có người chưa quen biết nhau thì sẽ có chén “giới thiệu”. Lâu lâu lại phải có một chén dành cho “đồng khởi” hay “họp thôn” - nghĩa là tất cả mọi người cùng uống. Riêng chuyện “đồng khởi”, “họp thôn” cũng nhất thiết phải lần lượt từng người trong mâm "phát động".
Tiếp đến là xin uống với người cánh trái, người cánh phải rồi là uống với người đối diện, uống chéo cánh... Ai đó nói được một câu "hay hay" sẽ là "cơ hội" để mọi người "thưởng" cho một chén.
Trong mâm rượu, khi mọi người tập trung nói về một chủ đề nào đó mà nếu có ai đó chuyện trò riêng tư thì bắt buộc họ "uống riêng với nhau một chén”. Anh nào bận việc đến muộn, cứ mỗi lượt uống sẽ “phần người đến muộn một chén” và có khi, người đến sau phải tu cạn cả một cốc rượu to thì mới được ngồi vào mâm. Khi mời nhau rượu, có ai đó nói lý do đang phải uống thuốc để từ chối uống thì ngay lập tức sẽ nhận được một chén kèm với lời khuyên: “Uống thuốc xong rồi uống rượu vào, các cụ ta bảo là rượu thuốc, càng nhanh khỏi bệnh”.
Anh nào bị ép uống nhiều quá nên cố từ chối: “Rượu bất khả ép” thì chắc chắn sẽ có người nói thêm rằng: “ép bất khả từ”. Rồi còn biết bao lý do khác để ép nhau uống như: “Anh em mình lâu lâu không uống với nhau”, “Tôi muốn uống với chú mà chú bận đi “công tác” nên giờ mình phải uống riêng với nhau một chén”, “Ông sang uống với mâm tôi là tốt rồi nhưng ông học “võ” gì mà một mình “chiến đấu” với cả sáu người thế? Thôi, ông cứ "chào mâm" một chén đi đã”...
Đủ hết mọi lý do, mọi người uống một chén để ăn cơm. Và khi đã ăn cơm xong, họ lại cùng uống một chén chia tay... Cứ như vậy, cứ với những lý do hết sức “chính đáng” ấy, mỗi người cũng phải uống hơn chục chén rượu không kém. Và khi đã uống từng ấy rượu vào bụng thì người uống giỏi mấy cũng phải "tây tây", người uống kém hơn thì ngất ngây, còn người uống kém hơn nữa thì "lên tận mây".
Tàn cuộc, có người còn rất hả hê vì đã cho ông này, ông kia say mềm và "chủ xị" thì rất đỗi "hoan hỉ" vì đã tạo được "ấn tượng" với các bạn.
Có người bức xúc đã thốt lên rằng: “Các ông lạ quá nhỉ, thịt gà, cá chép, ba ba... toàn thứ ngon, thứ bổ thì các ông chẳng ép, sao lại cứ ép rượu độc như thế là sao?".
Tấn Đạt
Các tin khác
Cơn bão Aere mạnh cấp chín và có sức gió giật tới cấp 11 đang tiến sát quần đảo Philippines. Đây là cơn bão đầu tiên trong mùa mưa bão năm nay ảnh hưởng tới biển Đông.
YBĐT - Ngày 7/5, tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã tổ chức kỷ niệm 57 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đón nhận bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia Đèo Lũng Lô.
Ngày 6-5, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về vấn đề Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
YBĐT - Hơn 200 ngày đêm vừa mở đường, vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khi đạn dược đến nơi an toàn, đèo Lũng Lô đã trở thành con đường huyết mạch góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.