Giải pháp xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ ba, 19/7/2011 | 9:20:14 AM
YBĐT - Trong năm 2011, Yên Bái sẽ phấn đấu hoàn thành việc quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện chương trình.
Cơ sở hạ tầng tốt sẽ thúc đẩy xã hội phát triển, đời sống nhân dân vùng cao được nâng lên, trẻ em có nơi vui chơi, giải trí phù hợp vệ sinh, an toàn và lành mạnh.
|
Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện tại lao động nông thôn trên địa bàn Yên Bái chiếm tới 76%. Thực tế cho thấy, xuất phát từ đặc điểm tình hình về cơ sở hạ tầng, đất đai, điều kiện canh tác, khí hậu, nhận thức và tư duy của người dân… để nông dân chuyển đổi ngành nghề và tăng thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/ người là rất khó khăn.
Do đó, để đạt mục tiêu xây dựng các xã đạt tiêu chí NTM, bên cạnh triển khai thực hiện đồng bộ về xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện y tế, giáo dục, xây dựng hệ thống chính trị... thì nhiệm vụ đặt ra là phải có giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, bền vững. Đây là chìa khoá để giải quyết bài toán tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người nông dân.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2015 sẽ có từ 15 - 20% số xã trong tỉnh đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Theo ông Mai Mộng Tuân - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Yên Bái thì mặc dù là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM nhưng tiến độ triển khai thực hiện của Yên Bái cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiến độ Ban chỉ đạo Trung ương đề ra và đảm bảo mức khởi động chương trình cùng các tỉnh.
Cụ thể, tỉnh đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo hướng dẫn như: kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn; xây dựng Dự án Quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015; xây dựng kinh phí thực hiện... đồng thời thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình từ tỉnh đến cơ sở. Đã lựa chọn 11 mô hình điểm về xây dựng NTM để rút kinh nghiệm, học tập nhân rộng cho các năm sau.
Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 2 mô hình điểm là xã Đại Phác (huyện Văn Yên) và xã Tân Đồng (huyện Trấn Yên). Kế hoạch trong năm nay, Yên Bái sẽ phấn đấu hoàn thành việc quy hoạch xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện chương trình. Do đó, đến nay trong phạm vi cấp tỉnh, đã xây dựng xong dự thảo Đề án, đang gửi xin ý kiến các cấp, các ngành có liên quan để tổng hợp, chỉnh sửa, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đối với cấp huyện, thị, thành phố đang tích cực triển khai, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9.
Đối với các xã, phấn đấu hoàn thành trước 30/12, trong đó riêng 11 xã làm mô hình điểm công tác quy hoạch lập đồ án đã thực hiện xong, đang được lấy ý kiến tham gia của các cấp, các ngành. Về quá trình thực hiện, ông Tuân cho biết thêm, Chương trình xây dựng NTM là một chương trình lớn, mang tính tổng thể về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng ở nông thôn.
Để đạt được mục tiêu, chúng ta đang gặp phải rất nhiều khó khăn, đó là, xuất phát điểm của các xã khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM là rất thấp. Cụ thể, qua rà soát 151 xã trên địa bàn tỉnh theo 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia thì mới có 50% số xã đáp ứng được tiêu chí số 4 về hệ thống điện (tức là có tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 95%); có 90% số xã đáp ứng được tiêu chí số 19 (tức là an ninh trật tự xã hội được giữ vững); có khoảng 40 % số xã đạt các tiêu chí về: hệ thống chính trị, y tế, giáo dục, còn các tiêu chí khác đều không đạt. Bên cạnh đó, yêu cầu về nguồn lực đầu tư cho các xã là rất lớn.
Qua khảo sát, tính bình quân 1 xã khi thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí sẽ phải đầu tư khoảng 160 đến 200 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm tới 74,9%. Tuy nhiên, vấn đề này ông Tuân cho rằng không đáng ngại, vì theo Quyết định 800 của Thủ tướng Chính phủ, đối với những địa phương không đảm bảo cân đối về ngân sách thì Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư, mà vấn đề đáng quan tâm nhất là việc tăng thu nhập đầu người đảm bảo gấp 1,2 lần so với mức bình quân chung của tỉnh (mục tiêu thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của Yên Bái là 25 triệu đồng) và việc giảm cơ cấu lao động nông nghiệp xuống còn dưới 45%.
Trên thực tế sản xuất nông nghiệp theo truyền thống thì người nông dân chỉ đủ ăn, ít có điều kiện tích luỹ vì giá trị gia tăng làm ra không nhiều. Do đó, muốn có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống và góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương thì phải chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, làm ra nhiều sản phẩm để bán, để cung cấp cho công nghiệp chế biến. Việc triển khai và thực hiện tốt mối liên hệ có trách nhiệm giữa 4 nhà: nhà quản lý là sự quản lý của chính quyền, hoạt động của doanh nghiệp, việc làm của nhà nông, và nhà khoa học là rất cần thiết.
Trong điều kiện đặc thù của nông thôn Yên Bái, sản xuất còn nhỏ lẻ, tập quán sản xuất cũ, nhận thức của nông dân còn nặng tính bảo thủ, trì trệ không muốn đổi mới, đất đai còn manh mún. Vì vậy, bên cạnh kêu gọi những nhà đầu tư lớn, với công nghệ hiện đại vào đầu tư để nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm từ nông, lâm nghiệp thì cần phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ sản xuất, kỹ thuật tiên tiến trên lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông - lâm sản, để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Một vấn đề đặt ra là, nông dân Yên Bái dù cần cù, chịu khó nhưng chưa có điều kiện vươn lên làm ăn lớn, còn một bộ phận không nhỏ các hộ dân vẫn sản xuất theo hình thức tự túc, khép kín trong gia đình, đa số người nông dân chưa có tay nghề và chưa đào tạo để có tác phong, tính kỷ luật của sản xuất công nghiệp, vì vậy, cần đào tạo nghề cho người nông dân.
Điều đáng mừng là, qua một năm triển khai chương trình, đã có 5.980 lao động nông thôn được đào tạo nghề; 20 lớp dạy nghề được mở để dạy nghề cho lao động nông thôn... Tuy nhiên việc đào tạo nghề cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Khi người nông dân có nghề trong tay cần tạo việc làm có thu nhập, đó là việc phải xây dựng các khu công nghiệp, các làng nghề có quy mô phù hợp ở các huyện. Để làm được việc đó chúng ta phải tạo ra cơ sở hạ tầng tốt để doanh nghiệp có điều kiện phát triển doanh nghiệp không phải quá lo đầu tư về mặt bằng, điện đường, giúp các cơ sở và doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm; cùng giải quyết việc làm tại chỗ cần xây dựng các chương trình tạo việc làm qua xuất khẩu lao động trong và ngoài nước để người nông dân tham gia.
Nếu thực hiện đồng bộ được các giải pháp trên thì khó khăn trên sẽ được giải quyết, chắc chắn thu nhập của người dân sẽ tăng lên, tỷ lệ lao động nông nghiệp trên địa bàn sẽ giảm xuống, chúng ta sẽ đạt tiêu chí đã đề ra xây dựng thành công NTM.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Giai đoạn 2011- 2015, thành phố Yên Bái sẽ đầu tư nâng cấp 2 xã Nam Cường và Hợp Minh trở thành phường.
YBĐT - Chiều 18/7, 27 thành viên đã đại diện cho trên 1.000 cựu thanh niên xung phong Hải Phòng năm 1964 đã có hành trình thăm lại chiến trường xưa tại tỉnh Yên Bái.
Sáng 18/7, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ ban giao Dự án sử dụng công nghệ GIS tra cứu thông tin tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Khai trương trang Web Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.
Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: 6 tháng đầu năm nay, số người nhiễm HIV được báo cáo là 6.146 người. Các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện chủ yếu ở các tỉnh, thành: Điện Biên, Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh.