Tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
- Cập nhật: Thứ hai, 8/8/2011 | 3:21:15 PM
YBĐT- Đánh giá những kết quả đạt được trong năm học 2010 - 2011 và tìm hiểu về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học mới 2011 - 2012, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Hưng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Yên Bái.
Đồng chí Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Yên Bái (thứ tư, phải sang) nhận cờ
thi đua của Bộ GD-ĐT tặng ngành GD-ĐT Yên Bái vì thành tích xuất sắc trong năm học 2010 - 2011.
|
PV: Xin ông cho biết một vài đánh giá về việc đổi mới công tác quản lý giáo dục trong năm học 2010 - 2011?
Ông Trần Xuân Hưng: Năm học 2010 - 2011, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã tích cực tham mưu với tỉnh ban hành một số chỉ thị, nghị quyết, quyết định, phê duyệt một số đề án quan trọng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Công tác chỉ đạo của Sở triển khai kịp thời, đầy đủ, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ các ngành học, bậc học và lĩnh vực công tác của Bộ Giáo dục & Đào tạo tới các cơ sở giáo dục và đào tạo trong toàn tỉnh.
Đổi mới công tác quản lý giáo dục, ngành thực hiện chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Ngành tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cả 9/9 huyện, thị, thành phố đã có quyết định quy định chức năng, quyền hạn của phòng giáo dục và đào tạo; 100% trường học thực hiện công tác tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qui định về công khai đối với các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được thực hiện nghiêm túc.
Công tác thông tin, tuyên truyền được đổi mới. Công nghệ thông tin được đẩy mạnh ứng dụng trong giáo dục. Công tác cải cách hành chính trong năm học đã có chuyển biến đáng kể. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành nghiêm túc và hiệu quả. Việc đánh giá thi đua trong các lĩnh vực công tác được đổi mới; công tác pháp chế và công tác thông tin báo cáo được tiến hành nghiêm túc.
- Kết quả nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục của ngành thế nào, thưa ông?
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, ngành tiếp tục phối hợp với công đoàn ngành triển khai sâu rộng các cuộc vận động và phong trào thi đua tới các cơ sở giáo dục. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp dạy nghề thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; phối hợp với các địa phương triển khai nội dung “Đi học an toàn” cho học sinh trên đường đi học và về nhà. Toàn ngành đã vận động quyên góp tiền mặt, hàng hóa trị giá trên 2 tỷ đồng và chuyển trực tiếp đến các học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Trong năm học vừa qua, vẫn còn 1.137 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,86%, giảm 0,36% so với năm học trước. Để hạn chế học sinh bỏ học, ngành đã chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác tham mưu với địa phương, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội; tăng cường công tác khuyến học, tích cực xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tới lớp, tới trường.
Ngành chỉ đạo tổ chức tốt các kỳ thi cũng như đánh giá chất lượng giáo dục các nhà trường. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đặc biệt chú trọng, coi đây là giải pháp tích cực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 105 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 100% kế hoạch giai đoạn 2006 - 2010. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố và duy trì theo hướng bền vững: đã có 169/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tăng 136 xã; 180/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng 134 xã so với năm 2000. Công tác giáo dục dân tộc và giáo dục toàn diện cũng được ngành hết sức chú trọng.
Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 105 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 100% kế hoạch giai đoạn 2006 - 2010. (Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái ứng dụng CNTT giải toán trên mạng Internet).
Thực hiện nhiệm vụ các cấp học, ngành học, ngành đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non; triển khai chương trình giáo dục mầm non mới ở 135 trường, đạt tỷ lệ 76,7%. Giáo dục phổ thông có những chuyển biến quan trọng. Trong giáo dục tiểu học, ngành chỉ đạo các trường dạy theo chuẩn kiến thức kỹ năng nên chất lượng cơ bản được giữ vững.
Tỷ lệ học sinh tiểu học xếp học lực khá, giỏi môn Tiếng Việt đạt 55,8%, môn Toán đạt 63%; chất lượng ở một số địa phương vùng khó khăn được nâng lên đáng kể.
Đối với giáo dục trung học, ngành tiếp tục triển khai dạy học tự chọn, dạy học nội dung giáo dục địa phương, giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống; chú trọng phụ đạo học sinh yếu, kém và bồi dưỡng học sinh khá, giỏi; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Nhờ đó, năm học qua, chất lượng giáo dục trung học cơ sở được nâng lên: có 72,6% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, tăng 2,6%; học lực giỏi đạt 4,9%, tăng 1,0%; học lực yếu còn 4,4%, giảm 1,6%. Chất lượng giáo dục trung học phổ thông cũng có nhiều khởi sắc: 68,9% học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, tăng 2,3%; học lực giỏi đạt 2,3%, tăng 0,6%; loại yếu, kém còn 6,9%, giảm 4,4% so với năm học trước.
Số lượng giải thi học sinh giỏi tăng nhiều so với năm học trước. Cấp tỉnh thi giải Toán trên máy tính cầm tay đạt 64 giải, trong đó có 6 giải nhất, tăng 30 giải; thi 9 môn văn hóa trung học phổ thông đạt 256 giải, tăng 183 giải; thi 8 môn văn hóa trung học cơ sở đạt 191 giải, tăng 68 giải; thi tiếng Anh trên Internet đạt 102 giải. Cấp quốc gia và khu vực, thi Toán trên máy tính cầm tay đạt 13 giải (2 giải nhì, 4 giải ba), tăng 1 giải; thi 9 môn văn hóa trung học phổ thông có 52 học sinh dự thi, đạt 29 giải (9 giải ba, 20 giải khuyến khích).
Yên Bái xếp thứ 33/63 tỉnh, thành trong cả nước; xếp thứ 6/15 tỉnh vùng I, tăng 1 bậc so với năm trước và cao hơn Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang về số lượng giải. Thi Olympic tiếng Anh cấp trung học cơ sở đoạt Huy chương Đồng toàn đoàn và 3 huy chương đồng cá nhân, 4 bằng danh dự; cấp tiểu học đoạt Huy chương Bạc toàn đoàn và 1 huy chương vàng, 5 huy chương đồng cá nhân, 6 bằng danh dự. Các hoạt động giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp được đổi mới và nâng cao chất lượng.
- Vấn đề chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phát triển mạng lưới, cơ sở vật chất trường lớp có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Xin ông cho biết, ngành đã triển khai các hoạt động này như thế nào?
Chăm lo, đầu tư và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề được ngành hết sức chú trọng. Đến nay, toàn ngành có 14.646 lao động, trình độ chuẩn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã dần được nâng lên, hiện đã có 41,1% đạt trên chuẩn và 98,8% đạt chuẩn trở lên. Ngành đang tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ quản lý trường học; thực hiện đồng bộ các khâu đánh giá, xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm cán bộ quản lý. Hiện nay, ngành có tổng số 335 cán bộ, giáo viên đã và đang được đào tạo sau đại học, trong đó có 150 người đang đi học.
Năm học 2010 - 2011, ngành giáo dục & đào tạo Yên Bái hoàn thành 16/16 lĩnh vực công tác, trong đó hoàn thành xuất sắc 12 lĩnh vực. Kết thúc năm học, ngành đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý. |
Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục được tăng cường, toàn ngành hiện có 6.102 phòng học, 224 phòng học bộ môn, 170 phòng thư viện, 158 phòng thiết bị; tỷ lệ phòng kiên cố đạt 69,75%, tăng 5,98% và tỷ lệ phòng học tạm chỉ còn 12,45%. Sách và thiết bị trường học luôn bảo đảm cung cấp đủ, đáp ứng yêu cầu giáo dục - đào tạo của toàn ngành. Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 bảo đảm tiến độ và chất lượng.
- Xin ông cho biết về những hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra sau một năm học?
Điều dễ nhận thấy là chất lượng giáo dục trong tỉnh chưa đồng đều và còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền. Chất lượng phổ cập giáo dục ở vùng cao còn thiếu tính bền vững; nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa thực sự tạo ra những nguồn lực để thúc đẩy giáo dục - đào tạo phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục còn thiếu, nhất là ngành học mầm non ở các xã vùng cao, vùng khó khăn; hệ thống thư viện, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học hiện đại còn hạn chế về số lượng.
Kinh nghiệm rút ra là cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Mặt khác cần phải tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động các ngành, lực lượng xã hội tham gia và hỗ trợ, tạo sự đồng thuận trong chăm lo, phát triển giáo dục. Đồng thời phải đổi mới công tác quản lý giáo dục, tăng cường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương.
Các cấp quản lý giáo dục phải tích cực tham mưu, đề xuất các vấn đề có tính chiến lược cho phát triển giáo dục địa phương; tăng cường bám sát thực tiễn và cơ sở một cách có kế hoạch; giải quyết kịp thời, dứt điểm vướng mắc khó khăn đồng thời nhân rộng điển hình tiên tiến, các mô hình hiệu quả một cách phù hợp; chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng, tập trung vào chống lưu ban, bỏ học và nâng cao chất lượng mũi nhọn, phụ đạo học sinh yếu… Bên cạnh đó triệt để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giữ vững chất lượng phổ cập giáo dục; quan tâm tới chất lượng giáo dục vùng cao, nhất là việc huy động học sinh ra lớp và bảo đảm tỷ lệ chuyên cần.
- Năm học mới 2011 - 2012, ngành coi đâu là nhiệm vụ trọng tâm, thưa ông?
Năm học mới 2011 - 2012 là năm học đầu tiên triển khai nghị quyết đại hội Đảng các cấp; tiếp tục thực hiện các nghị quyết của tỉnh về giáo dục - đào tạo; thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngành tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua ở tất cả các đơn vị, trường học; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp; củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Minh Đức (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Còn chưa đầy nửa tháng nữa là năm học mới bắt đầu. Cùng với các địa phương trên khắp cả nước, cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục - đào tạo huyện Văn Yên đã và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để năm học mới 2011 – 2012 có được kết quả tốt nhất.
Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, trao đổi với phóng viên báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Năm nay có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên sàn. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 206.302. Như vậy, số nguồn tuyển NV2, NV3 năm nay khá lớn”.
YBĐT - Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện Văn Yên (Yên Bái) vừa tổ chức sơ tuyển và khám tuyển, lựa chọn được 150 công dân trong độ tuổi nhập ngũ với phương châm tuyển người nào chắc người đó, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đúng quy trình, đúng luật, an toàn tiết kiệm gắn với việc xây dựng đơn vị dự bị động viên.
YBĐT - Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, ngày 1/8/2011, Văn phòng UBND tỉnh đã ra Thông báo số 244/VP-UBND-KS về việc thông báo địa chỉ tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Sau đây là nội dung chi tiết: