Hiệu quả từ trường bán trú ở Pá Hu
- Cập nhật: Thứ tư, 9/11/2011 | 2:51:55 PM
YBĐT - Thiếu thốn về mọi mặt, song vượt lên khó khăn, các thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Pá Hu (huyện Trạm Tấu) đã duy trì hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi, góp phần nâng cao chất lượng công tác dạy và học, giữ vững tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 98%.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2011 - 2012, Trường Tiểu học và phổ thông cơ sở Pá Hu đổi tên thành Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu. Năm học này, trường có 19 lớp với 364 học sinh, trong đó trường nội trú dân nuôi tại km 16 có tổng số 10 lớp, 250 học sinh với 4 điểm trường lẻ. Là một trong những trường vùng cao nên công tác dạy và học gặp không ít khó khăn. Trước khi khai giảng năm học mới, nhà trường phải huy động cán bộ, giáo viên đến từng gia đình vận động phụ huynh cho trẻ đến trường nhưng chỉ hai, ba, tháng sau số học sinh đến lớp ngày một thưa dần. Năm học nào nhà trường cũng phải cử giáo viên phối hợp với chính quyền xã đến các gia đình vận động các em ra lớp. Ngày nắng ráo đã đành chứ mùa đông mưa rét thì vận động học sinh ra lớp không phải là chuyện đơn giản. Nhiều học sinh cách trường đến nửa ngày đi bộ, không thể học xong buổi sáng, chiều lại đến trường tiếp tục học, chỉ tổ chức bữa ăn trưa cho các em tại trường mới có thể đảm bảo được việc học duy trì 2 buổi/ngày.
Từ thực tế đó, nhà trường đã mạnh dạn cùng các gia đình chung tay thực hiện mô hình bán trú dân nuôi. Ngoài khoản hỗ trợ của Nhà nước cho học sinh nghèo diện bán trú, nhà trường còn vận động các gia đình, chính quyền xã hỗ trợ thêm một số em có nhu cầu bán trú nhưng không thuộc diện được hỗ trợ. Phương châm của nhà trường là khó khăn vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, giảm tối đa chi phí khác để tăng khẩu phần ăn, từng bước mua sắm đồ dùng phục vụ việc nuôi dưỡng. Trường phối hợp với xã họp phụ huynh tuyên truyền, giải thích về chủ trương học 2 buổi/ngày, vận động phụ huynh học sinh đóng góp củi, gạo.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hiền cho biết thêm: "Khi bắt đầu thực hiện mô hình này, chúng tôi cũng rất phân vân bởi lấy đâu ra kinh phí để nuôi các em trong khi địa phương lại vô cùng khó khăn. Rồi cứ huy động mỗi chỗ một ít, vậy là các em đã có chỗ ăn ở và yên tâm học tập. Quả thật, khi các em được ăn ở, học tập tại trường thì tỷ lệ chuyên cần đã tăng lên khá nhiều. Không chỉ nhà trường, cấp ủy, chính quyền mà các gia đình cũng đều vui mừng khi năm học mới này họ yên tâm cho con em mình đi học mà không phải lo nghĩ nhiều như trước".
Những năm học trước, để duy trì sĩ số, nhà trường đã phải nhờ cả đến chính quyền xã can thiệp nhưng được một vài buổi tình trạng học sinh đi học thất thường lại diễn ra. Tuy nhiên, không phải đến bây giờ mới thực hiện mô hình bán trú mà từ những năm học 2008 - 2009 nhà trường đã có khu nội trú cho gần 200 học sinh ở tại trường song các em phải tự túc lương thực.
Nhiều thôn ở xa trung tâm như Háng Gàng, Tà Tàu, các em phải đi bộ gần nửa ngày đường mới đến trường. Vậy là cứ cuối tuần các em lại về thăm nhà chuẩn bị lương thực đem đến cho một tuần học mới. Và số học sinh trở lại trường ngoài phụ thuộc vào thời tiết, nhiều em gia đình không lo được lương thực, chuyện học tập đành gác lại. Được biết, vào thời điểm này của nhiều năm học trước, các thầy cô vẫn đang ở tận trên bản để vận động học sinh đến lớp, còn năm học này nhờ mô hình trường dân tộc bán trú nên học sinh đã đi học đều hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao.
Tuy nhiên, để trường dân tộc bán trú phát huy hiệu quả rất cần sự chung tay của toàn xã hội, bởi theo như tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền thì nhu cầu học sinh ở bán trú ngày một tăng trong khi điều kiện cơ sở vật chất, chỗ ăn ở mới chỉ đáp ứng được 30%; mức hỗ trợ cho học sinh dân tộc bán trú còn hạn hẹp, sẽ rất khó khăn cho nhà trường. Muốn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục ở xã vùng cao này ngoài sự nỗ lực của tập thể cán bộ nhà trường thì cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Ở Trường Mầm non xã Pá Hu còn xảy ra một chuyện hy hữu: khi mà cuộc sống của các cô đã rất khó khăn, trường vẫn phải tính toán chi thêm để ngoài gạo của bố mẹ, các cháu có thêm thức ăn, vậy mà một số phụ huynh còn đưa con đến học bán trú chỉ với mấy cân gạo rồi phó thác con mình cho thầy cô ở trường cả ngày lẫn đêm đến cả tuần.
YBĐT - Thời gian qua, cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục - đào tạo, chính quyền các xã, thị trấn ở Trạm Tấu đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả công tác giáo dục - đào tạo trên địa bàn huyện.
YBĐT - Sáng 9/11, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái phối hợp với Hội Chữ thập đỏ thành phố, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức thăm hỏi các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại thành phố Yên Bái.
Sáng 9-11, Bản Báo cáo Phát triển con người (NHDR) của Việt Nam năm 2011 đã được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức công bố tại Hà Nội.