Bài toán khó trong xây dựng nông thôn mới ở Lâm Thượng
- Cập nhật: Thứ năm, 10/11/2011 | 3:17:06 PM
YBĐT - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Yên đã chọn xã Lâm Thượng làm điểm chỉ đạo giai đoạn 2010 - 2015.
Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn - bài toán khó trong xây dựng tiêu chí đạt nông thôn mới.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Sau một thời gian thực hiện, đến nay, Lâm Thượng đã hoàn tất bước quy hoạch tổng thể, được UBND huyện Lục Yên phê duyệt cả đồ án và đề án. Tuy nhiên trong 19 tiêu chí thì hiện chỉ có 4 tiêu chí có thể coi là đạt, gồm: tiêu chí thứ 14 về giáo dục, tiêu chí số 15 về y tế, tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiêu chí 19 về an ninh trật tự xã hội. Các tiêu chí còn lại hầu hết đều rất khó khăn, ví dụ: tiêu chí 10 về thu nhập bình quân đầu người, tiêu chí 11 về tỷ lệ hộ nghèo... Nhưng đáng chú ý nhất là tiêu chí thứ 12 - cơ cấu lao động.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, đối với xã Lâm Thượng thì tỷ lệ lao động trong độ tuổi lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là dưới 45%, song hiện nay con số này đang là trên 80%, tương ứng với số dân khoảng 4.800 người. Làm thế nào để từ nay đến năm 2015 chuyển hơn 2.000 nông dân sang hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp? Đây quả là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền xã Lâm Thượng.
Theo thống kê của xã, hiện thôn có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp lớn nhất là Bản Chang cũng chỉ chiếm khoảng 25% với các công việc chính là buôn bán nhỏ, kinh doanh hàng tạp hoá; các thôn khác có ít, thậm chí không có hoạt động phi nông nghiệp. Thực tế này khiến Lâm Thượng sẽ rất chật vật để hoàn thành các tiêu chí đề ra.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố khả năng tự chuyển đổi nghề nghiệp của nông dân. Nguyên nhân do phụ thuộc vào nguồn vốn, đào tạo nghề và nhận thức của chính người dân nên đa phần nông dân không có khả năng tự chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.
Mặc dù thời gian qua, công tác dạy nghề cho nông dân đã thực hiện nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Đến giữa năm 2011, xã có trên 3,6 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó số lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm 6,3%. Từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, xã mở được 11 lớp dạy các nghề: thợ xây, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa máy nông cụ, mây tre đan.
Tuy vậy, số lao động sau đào tạo có thể sống bằng nghề đã học thì còn quá thấp, khoảng 20%. Trên thực tế, nhu cầu được đào tạo nghề của nông dân rất lớn, nhưng học nghề gì và đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu của người dân, đáp ứng yêu cầu của thị trường, xã hội, lại thêm đáp ứng được mục tiêu chuyển đổi ngành nghề lao động ở nông thôn càng không đơn giản.
Một khó khăn nữa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động, không chỉ ở Lâm Thượng mà còn nhiều địa phương trong cả nước, đó là: lực lượng thanh niên - lao động chính và là đối tượng chính trong quy hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động thì phần lớn đi làm ăn xa, vì việc làm và thu nhập tại địa phương không đủ hấp dẫn họ. Đi làm ăn xa thì dĩ nhiên là việc nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương sẽ hạn chế rất nhiều, sẽ gây khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Điển hình cho câu chuyện này là gia đình ông Hoàng Văn Vần ở thôn Bản Muổi. Nhà ông Vần có 3 người gồm 2 vợ chồng ông đã sắp qua tuổi lao động và 1 con trai, “mặc dù đã vận động con đi học nghề để làm tại nhà nhưng ngay khi học xong THPT, nó đã đi làm ở các tỉnh phía Nam và không muốn về vì làm nghề ở nhà không chắc thu nhập đã ổn định” - ông Vần tâm sự.
Ông Trần Thanh Trúc - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã cho biết: “Tới đây, xã sẽ tiếp tục mở các lớp học nghề như sửa chữa các loại máy móc, hàn xì, từng bước thành lập hợp tác xã sản xuất, dịch vụ... với mục tiêu từng bước giúp người lao động có việc làm và thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp”.
Tuy nhiên với những đặc điểm hiện trạng của Lâm Thượng là một xã vùng cao thuần nông, lại tiếp giáp với nhiều xã vùng cao khác như Khánh Thiện, Tân Phượng, Khai Trung…. của huyện Lục Yên, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp hầu như không có, các vấn đề việc làm, đời sống nông thôn còn nhiều bất cập; số hộ nghèo tuy đã giảm nhưng chưa bền vững; trong sản xuất chưa có qui hoạch vùng sản xuất hàng hóa; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân còn thiếu; số lượng lao động lớn nhưng chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động thủ công, nên năng suất lao động thấp, việc phát triên ngành nghề ngoài nông nghiệp chưa có bước tiến đáng kể... thì có lẽ việc chuyển dịch ngành nghề cho hơn 40% lao động của xã thật nan giải. Trong khi đây lại là vấn đề có tính chất bao quát lớn, tác động đến đời sống của gần một nửa số dân trong xã.
Mai Huyên
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Hội Phụ nữ thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
YBĐT - Đoàn Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái hiện có 199 ĐVTN sinh hoạt tại 13 chi đoàn. Những năm qua, ĐVTN của trường luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội nhằm phát huy tinh thần sức trẻ với phương châm “Tuổi trẻ Yên Bái học tập và làm theo lời Bác”.
Mấy ngày qua mưa lớn cộng với việc hồ thủy điện miền Trung đồng loạt xả lũ khiến hàng trăm nghìn gia đình ở vùng hạ du ngập nặng, 22 người đã chết.
YBĐT - Những kết quả thu được từ công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở thôn Giàng B sẽ là kinh nghiệm để triển khai ở các thôn, bản người Mông khác ở vùng cao, nơi mà cuộc sống của người dân còn nghèo nàn và lạc hậu.