Hiệu quả dự án “nâng cao sức khoẻ”

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/12/2011 | 2:57:37 PM

YBĐT - Hiện nay, Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" đang được triển khai tại 6 xã khó khăn: Mỏ Vàng, Lâm Giang, An Bình (Văn Yên) và Minh Tiến, Tô Mậu, Khánh Thiện (Lục Yên).

Dự án này nhằm nâng cao nhận thức của người dân thông qua tăng cường sử dụng các dịch vụ y tế, làm giảm tình trạng đau ốm, bệnh tật, nâng cao chất lượng sức khỏe.

Theo khảo sát của Dự án tại 6 xã này do Sở Y tế Yên Bái thực hiện, tình trạng mang thai, sinh con sớm hay các tai biến sản khoa ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao. Tảo hôn, sinh con sớm cùng với những tư tưởng lạc hậu như: trọng nam khinh nữ, phải sinh con trai để nối dõi tông đường... vẫn còn khá phổ biến ở các thôn khó khăn và vùng nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Gia đình anh chị Triệu Văn Chính và Lý Thị Đổi ở thôn 10, xã Lâm Giang (Văn Yên) là một hộ nghèo.

Cuộc sống của năm nhân khẩu trong gia đình chỉ trông chờ vào hai sào ruộng. Bản thân chị Đổi không khỏe lại sinh nhiều con nên sức khỏe giảm sút rõ rệt. Anh Chính có đi làm thêm nhưng công việc và thu nhập không ổn định.

 Anh Chính cho biết: "Khi sinh con thứ hai vẫn là gái, tôi thấy rất buồn phiền vì ra bên ngoài cứ hay bị nói là không có người nối dõi tông đường. Vì thế, mặc dù vợ bị bệnh tim nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm sinh con thứ ba và vẫn là gái. Nay có cán bộ y tế xã tích cực tuyên truyền, tôi cũng đã thấy rõ những điều không tốt do sinh nhiều con, nhất là đối với sức khỏe của vợ nên tôi sẽ không sinh thêm con nữa".  

Tại xã Khánh Thiện (Lục Yên), sau 5 tháng triển khai Dự án, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đến nay, hầu hết số phụ nữ mang thai và sinh con trên địa bàn đều được kiểm tra sức khỏe đầy đủ; số phụ nữ sinh con tại nhà giảm rõ rệt.

Tính đến hết tháng 11, chỉ còn 4 trường hợp sinh con tại nhà nhưng có sự hỗ trợ của cán bộ y tế xã. Tuy nhiên, vấn đề nâng cao nhận thức của các bà mẹ mang thai về chăm sóc sức khỏe bản thân và những kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ dưới 5 tuổi rất cần được quan tâm. Theo thống kê của Trạm Y tế xã, Khánh Thiện có 384 trẻ dưới 5 tuổi thì 25% số trẻ bị suy dinh dưỡng; số trẻ suy dinh dưỡng ở thể thấp còi là 140 trẻ, chiếm 36,5%.

Nguyên nhân phần lớn do đời sống người dân còn nghèo, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm 40%. Ngoài ra còn phải kể đến sự thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm từ phía những người có vai trò quyết định trong gia đình như: người bố, người mẹ, người chồng nên các bà mẹ và trẻ em chưa được sự quan tâm, chăm sóc đúng mức.

 Phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số là nhóm đối tượng thiệt thòi, ít được tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và chịu nhiều ảnh hưởng do phong tục, tập quán lạc hậu cũng như kinh tế gia đình khó khăn. Vì vậy, Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” nhằm giảm tử vong, bệnh tật và tăng cường sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số; giảm nguy cơ nghèo hóa bởi gánh nặng chi phí do bệnh tật, ốm đau và tử vong gây ra.

Ông Lê Đình Tiến - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên cho biết: "Để triển khai có hiệu quả, ngoài việc giới thiệu về Dự án, thông báo kết quả điều tra đánh giá ban đầu đến các ban, ngành, đoàn thể cán bộ y tế xã thì việc tổ chức hội nghị đối với những người có uy tín trong cộng đồng cũng đặc biệt được quan tâm.

Ước tính có hơn 28% số phụ nữ tại huyện Lục Yên, trên 38% số phụ nữ ở huyện Văn Yên mang thai lần đầu ở độ tuổi từ 17 - 19; khoảng 12% số phụ nữ tại huyện Lục Yên và 19,9% số phụ nữ tại huyện Văn Yên đã từng có các vấn đề về sản khoa như: nạo phá thai, sảy thai, thai chết lưu…; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà là 15,6%, sinh con thiếu sự trợ giúp của cán bộ y tế chiếm hơn 10%: tại huyện Lục Yên là 5,7% và gần 14,2% tại huyện Văn Yên.

Bên cạnh đó còn phải tổ chức tập huấn kỹ năng truyền thông trực tiếp cho các nhóm đối tượng như bà mẹ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ và nhóm các ông bố cũng như tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống suy dinh dưỡng trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban hàng tháng đánh giá kết quả triển khai, rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch trong những tháng tiếp theo".

Đẩy mạnh công tác truyền thông về thay đổi hành vi làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em; nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ các tuyến nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ, tăng cường kiến thức và hành vi của nam giới trong việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em, Dự án cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản, hộ gia đình để người dân hiểu rõ lợi ích khi thực hiện tốt công tác dân số.

Cụ thể như: sinh con khi người phụ nữ đã trưởng thành, con sẽ khỏe mạnh và được chăm sóc tốt hơn; khoảng cách sinh hợp lý giữa hai lần sinh giúp người mẹ tránh được những hao tổn sức khỏe; đối với mỗi hộ gia đình, đẻ ít và đẻ thưa sẽ giảm chi phí hàng ngày, ngăn ngừa sự nghèo túng và các thành viên trong gia đình có sức khỏe tốt hơn, được chăm sóc tốt hơn, có thời gian và điều kiện để nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, học tập...

Bước đầu triển khai Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe" đã đạt một số kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, để Dự án thực sự đi vào cuộc sống, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng với ngành y tế và sự vào cuộc của cả cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe phụ nữ và trẻ em, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của cộng đồng cũng như nâng cao chất lượng dân số.

 Ngọc Hưng

Các tin khác

YBĐT - Họ là những doanh nhân, cán cộ CNVCLĐ, cán bộ Hội phụ nữ các cấp, là những đại diện tiêu biểu cho hàng vạn phụ nữ của tỉnh Yên Bái. Tất cả đều có chung niềm tin, những kỳ vọng lớn lao, gửi gắm vào sự thành công của Đại hội. >>Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2011 - 2016

Các bác sĩ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco cho bệnh nhân.

YBĐT - Mổ đục thủy tinh thể bằng kỹ thuật Phaco đã giúp nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, nhất là đồng bào vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi rất nhiều.

YBĐT - Từ đầu năm đến nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý các đối tượng nghiện chích ma túy, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên toàn địa bàn; tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp nhằm thay đổi hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV tới các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, với tổng số trên 6.800 lượt người.

Nhiều người vẫn tin, khi nhìn thấy ngôi sao băng, điều ước của mình sẽ thành hiện thực.

Lúc 8 giờ tối nay, mưa sao băng sẽ đạt cực điểm, đẹp nhất trong năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục