Đề án 1816: Hướng tới mục tiêu an sinh xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2012 | 9:37:31 AM

YBĐT - Đề án 1816 được thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua đã góp phần giảm tải được gần 20% cho các bệnh viện tuyến trên và đang dần đạt đến những mục tiêu mà Đề án đặt ra.

Hiện đội ngũ bác sỹ các khoa, phòng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm chủ được các trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến.
Hiện đội ngũ bác sỹ các khoa, phòng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm chủ được các trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến.

Được triển khai từ năm 2008, đến nay, Đề án 1816 của Bộ Y tế thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tác động tích cực đến sự nghiệp phát triển y tế của tỉnh, đồng thời đang dần đạt đến những mục tiêu mà Đề án đặt ra, đó là góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân, nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Bác sỹ Cao Ngọc Thắng - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: “Đề án 1816 được thực hiện có hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái. Đây là đề án có tác dụng rất lớn đối với các tỉnh miền núi, nhất là Yên Bái - một tỉnh khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn lạc hậu, điều kiện kinh tế còn nghèo.

Việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới đã mở ra cơ hội để người dân được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại, được hưởng quyền lợi KCB một cách tốt nhất ngay tại cơ sở, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.

Có thể thấy, so với trước đây, rất nhiều bệnh nhân nặng như: cấp cứu sốc nhiễm khuẩn, cấp cứu chấn thương sọ não, mổ mắt Paco, sản khoa, tiết niệu, tiêu hóa… mà Bệnh viện Đa khoa Yên Bái phải chuyển lên tuyến trên mới có khả năng cứu chữa thì nay đã được xử lý và điều trị thành công ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh nhờ sự chuyển giao kỹ thuật trực tiếp của các bác sỹ bệnh viện tuyến trên”.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn với đông đồng bào dân tộc sinh sống, Yên Bái cũng không nằm ngoài thực trạng phổ biến chung của nhiều tỉnh miền núi trong khu vực, đó là thiếu nhân lực, thiếu bác sỹ ở tất cả các tuyến y tế.

Đề án 1816 được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh nói chung và Bệnh viện Đa khoa Yên Bái nói riêng đã phần nào giúp địa phương và đơn vị giải quyết khó khăn trước mắt về vấn đề nhân lực y tế trình độ cao. 3 năm thực hiện Đề án, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái đã tiếp nhận trên 50 bác sỹ và điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm và nhiệt huyết với nghề ở các bệnh viện Trung ương lên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng và chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y bác sỹ bệnh viện.

Trong đó có 33 bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai, 10 bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Việt Đức và 7 bác sỹ của Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, tổ chức trên 100 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thị, thành phố, tham gia khám ngoại trú cho trên 10.300 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú cho trên 6 nghìn lượt bệnh nhân, thực hiện thủ thuật cho gần 3 nghìn bệnh nhân, phẫu thuật cho gần 1.200 bệnh nhân... 

Qua đó, đã giúp đào tạo lại cho gần 3.400 cán bộ, đặc biệt là chuyển giao trên 170 kỹ thuật y tế mới, tiên tiến, hiện đại trong các lĩnh vực chuyên môn sâu cho các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, đồng thời hỗ trợ trang thiết bị y tế hiện đại trị giá trên 1 tỷ đồng cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Là bệnh viện chính tuyến tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái có trên 350 giường bệnh nhưng luôn trong tình trạng quá tải, công suất sử dụng giường bệnh tại viện vượt từ 12 - 15%. Hiện tại, có khoảng 30 nghìn người đăng ký KCB theo chế độ bảo hiểm y tế tại viện. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận trên 300 lượt người dân đến KCB.

Với 26 khoa, phòng chuyên môn và gần 440 cán bộ y bác sỹ, song trình độ bác sỹ ở đây chỉ có 84 người, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị y tế hiện đại còn thiếu thốn, chưa đủ đáp ứng cho công tác KCB, nhất là bác sỹ chính. Quyết định 1816 của Bộ Y tế về việc cử cán bộ bác sỹ luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới đã kịp thời giúp cho bệnh viện nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp tham gia KCB góp phần nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt với sự giúp đỡ và hỗ trợ một cách toàn diện của các bệnh viện Trung ương trong lĩnh vực lâm sàng và cận lâm sàng, nhất là chuyển giao kỹ thuật y tế mới, tiên tiến, đến nay đội ngũ bác sỹ các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thị, thành phố, đặc biệt là bác sỹ các khoa, phòng chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế hiện đại trong lĩnh vực hồi sức, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật nội soi gan, mật, phẫu thuật sọ não…, được cập nhật và bổ sung nhiều kiến thức mới trong điều trị tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, thần kinh, truyền nhiễm, ung thư, kỹ thuật khâu thắt vòng trĩ, đọc điện tâm đồ, quy trình truyền hóa chất bệnh nhân ung thư, chụp CT - Scanner… Nhờ vậy đã giảm tải được khoảng gần 20% cho các bệnh viện tuyến trên.

Là đề án mang đậm tính nhân văn, Đề án 1816 đã và đang góp phần quan trọng giúp các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu nhân lực y tế trình độ cao ở các tuyến y tế. Nhiều mục tiêu của Đề án như: nâng cao trình độ tay nghề cho cán bộ tuyến dưới, tạo điều kiện để người dân được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở, giảm chi phí chuyển viện, giảm gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân, giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, thực hiện công bằng trong KCB… đang dần đạt được.

Hiệu quả của Đề án 1816 là rất rõ ràng, do đó rất cần được các ngành chức năng quan tâm tiếp tục duy trì để người dân ở các tỉnh miền núi nghèo có thêm cơ hội hưởng lợi từ chính sách mang lại.

Phạm Minh

Các tin khác

Chiều 16.2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã xác nhận ca nhiễm cúm A/H3N2 đầu tiên tại Việt Nam.

YBĐT - Hội Luật gia Yên Bái khoá II nhiệm kỳ 2009- 2014 vừa tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ V tổng kết công tác Hội năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012.

Nước sạch đến với Pá Lau.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Pá Lau là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sau 5 năm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện chủ đề “Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân nơi đây.

YBĐT - Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề phụ nữ trong thời kỳ mới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tham mưu cho UBND thị xã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục