Trấn Yên đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS
- Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2012 | 9:51:27 AM
YBĐT - Năm 2011, trên địa bàn huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phát hiện mới 39 trường hợp nhiễm HIV. Để từng bước giải quyết tình trạng này, huyện Trấn Yên đang đẩy mạnh công tác truyền thông để cộng đồng xã hội nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh HIV/AIDS.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trấn Yên kiểm tra, điều trị cho các cháu mắc bệnh tay, chân, miệng.
(Ảnh: Ngọc Sơn)
|
Trong 2 năm 2007 và 2008, cơn bão HIV/AIDS tràn qua nhiều địa phương trên địa bàn huyện Trấn Yên đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Những cái chết trẻ mà nguyên nhân được cho là AIDS liên tiếp xảy tại các xã Lương Thịnh, Minh Quân, Y Can, Hồng Ca và thị trấn Cổ Phúc… Nhiều gia đình mất đi trụ cột, những người vợ mất chồng, con mất cha, hay cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” đã trở thành nỗi ám ảnh của những vùng quê nghèo.
Xác định HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống, có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của địa phương, huyện Trấn Yên đã tăng cường chỉ đạo việc tham gia, phối hợp giữa các ngành, các cấp trong phòng, chống HIV/AIDS, từ đó xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp liên ngành để triển khai các hoạt động một cách cụ thể. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng truyền thông ở vùng sâu, vùng xa và vùng các dân tộc ít người, tập trung giáo dục cho thanh, thiếu niên nhằm mục đích dự phòng sớm.
Những năm gần đây, huyện đã xây dựng nhiều biện pháp để phòng, chống và ngăn chặn triệt để căn bệnh nguy hiểm này, trọng tâm là tích cực vận động, hướng dẫn xây dựng mô hình quản lý, giáo dục người nghiện ma túy và chủ động thành lập câu lạc bộ (CLB) tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại địa bàn.
Từ năm 2008 đến nay, Trấn Yên đã vận động thành lập 4 CLB dành cho những người nhiễm HIV/AIDS như: CLB Bạn và tôi (xã Minh Quân), CLB Đoàn Kết (xã Lương Thịnh), Bạn giúp bạn (xã Y Can) và CLB Khát Vọng (xã Hồng Ca). Trong năm 2011, huyện Trấn Yên vừa tập hợp thành lập nhóm Hoa Hướng Dương dành cho những phụ nữ nhiễm HIV. Các CLB đã góp phần tích cực tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS tạo sự chuyển biến về nhận thức, hiểu rõ tác hại của ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và hạn chế sự gia tăng số người nghiện ma túy và bị nhiễm HIV trên địa bàn.
Ông Vũ Xuân Hương, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên cho biết: “Nếu như năm 2001, huyện Trấn Yên mới chỉ phát hiện 1 trường hợp là nam giới nhiễm HIV thì đến năm 2007, HIV/AIDS đã xuất hiện ở hầu khắp các xã, thị trấn. Hiện nay, cả 22 xã, thị trấn trên địa bàn đều có người nhiễm HIV, tổng số người nhiễm HIV là 433 trường hợp, trong đó 126 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 53 người đã chết vì AIDS. Đó là chưa kể những đối tượng chết vì AIDS còn rất trẻ, nhưng do người nhà cố tình giấu là bị bệnh khác chết, hoặc do khi đi xét nghiệm các đối tượng khai báo không rõ địa chỉ nên khi chết Trung tâm Y tế dự phòng huyện không thống kê được danh sách bệnh nhân HIV/AIDS. Như vậy, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng”.
Tìm hiểu công tác phòng chống HIV/AIDS ở xã Hồng Ca, ông Phạm Xuân Toàn, Phó chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của xã tâm sự: “Trước đây có đám ma của người chết vì AIDS, dân làng không ai dám đến, chỉ có anh cán bộ y tế và mấy cán bộ xã cùng gia đình làm thủ tục khâm liệm, chôn cất. Sau khi chôn xong, người thân trong gia đình người chết vì AIDS còn rắc vôi bột khắp nơi xung quanh nhà. Bây giờ thì khác rồi, vì bà con đã hiểu rõ hơn về căn bệnh này....
Theo số liệu thông kê của Trung tâm Y tế huyện, hiện nay ở xã Hồng Ca có 51 người nhiễm HIV, 8 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS, 3 trường hợp đã chết. Trong 2 năm gần đây, số người nhiễm mới trên địa bàn đã giảm hẳn, điều nay là nhờ sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Trạm Y tế xã. Tại đây, nhiều dịch vụ y tế như cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm được triển khai, nhiều kênh thông tin trực tiếp được đưa đến tay người dân như tuyên truyền miệng, cung cấp tờ rơi, tranh vẽ về căn bệnh thế kỷ.
Thực tế đã chứng minh, công tác truyền thông luôn là biện pháp quan trọng để phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên và ở những nơi người dân có trình độ dân trí thấp. Những năm qua, tại Trấn Yên số người bị nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong tiếp tục gia tăng.
Năm 2011, trên địa bàn huyện đã phát hiện mới 39 trường hợp nhiễm HIV. Để từng bước giải quyết tình trạng này, cùng với việc hỗ trợ điều trị, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, huyện Trấn Yên đang đẩy mạnh công tác truyền thông để cộng đồng xã hội nhận thức đầy đủ hơn về căn bệnh HIV/AIDS. Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm của huyện tập trung truyền thông, cung cấp các gói dịch vụ cho người nhiễm. Trong năm 2011 đã tổ chức truyền thông trực tiếp gần 450 buổi cho 8.468 lượt người.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện còn thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại như cấp phát hơn 50.000 bơm kim tiêm và bao cao su cho các đối tượng nghiện hút ma túy và người nhiễm HIV. Đối với những người đã nhiễm rồi thì vận động họ xây dựng lối sống lành mạnh hơn, tham gia cùng với cộng đồng để phòng, chống HIV/AIDS, tránh sự lây lan rộng.
Thanh Tiến
Các tin khác
YBĐT - Đề án 1816 được thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua đã góp phần giảm tải được gần 20% cho các bệnh viện tuyến trên và đang dần đạt đến những mục tiêu mà Đề án đặt ra.
Chiều 16.2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã xác nhận ca nhiễm cúm A/H3N2 đầu tiên tại Việt Nam.
YBĐT - Hội Luật gia Yên Bái khoá II nhiệm kỳ 2009- 2014 vừa tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ V tổng kết công tác Hội năm 2011 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012.
YBĐT - Pá Lau là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sau 5 năm “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện chủ đề “Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” đã tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong cuộc sống của người dân nơi đây.