Phát huy vai trò cầu nối, nòng cốt trong hoạt động nhân đạo
- Cập nhật: Thứ năm, 22/3/2012 | 3:12:58 PM
YBĐT - Trong nhiệm kỳ, các cấp hội CTĐ tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 8/10 chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tổng nguồn lực huy động đạt 56,53 tỷ đồng, hiệu quả hoạt động đạt 3,83 lần. Hoạt động của Hội đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả.
Đồng chí Ngô Thị Chinh - Phó chủ tịch uBND tỉnh (áo dạ) và đồng chí Lục Thị Nhung (áo đỏ) thăm hỏi các đoàn viên thanh niên hiến máu tình nguyện.
|
Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) là tổ chức xã hội hoạt động nhân đạo theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, nguyên tắc cơ bản của Phong trào CTĐ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; có nhiệm vụ tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động CTĐ về cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khỏe; sơ cấp cứu ban đầu; hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa... với mục đích chăm lo cho người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tham gia các hoạt động nhân đạo quốc tế.
Trong nhiệm kỳ IV (2005 - 2012), công tác Hội và phong trào CTĐ tỉnh Yên Bái được triển khai toàn diện với nhiều thuận lợi: Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách kinh tế - xã hội chăm lo cho người nghèo, vùng kinh tế khó khăn; tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau ngày càng được phát huy; hoạt động của Hội luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tại địa phương. Hoạt động nhân đạo do Hội thực hiện được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng ngày càng đông đảo; cán bộ, hội viên nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động này.
Bên cạnh những thuận lợi, công tác Hội và phong trào CTĐ cũng gặp những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi: điểm xuất phát của nền kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều; địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; hàng năm thường xảy ra thiên tai, bão lũ, cháy rừng; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, còn nhiều đối tượng cần được quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần... Với tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ các cấp trong tỉnh đã nỗ lực triển khai tốt các nhiệm vụ của Hội.
Nổi bật nhất trong công tác Hội nhiệm kỳ qua là các cấp hội đã tích cực, chủ động trong công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa, tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp kịp thời, hiệu quả. Đồng thời xây dựng kế hoạch chủ động về phương tiện, hàng hóa và các điều kiện đảm bảo khác cho cứu trợ khi thiên tai xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó thảm họa cho cán bộ, hội viên như tập huấn cứu nạn cho các chủ đò trên địa bàn huyện Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái; cấp 250 áo phao, phao ném phục vụ cho việc cứu hộ, cứu nạn; tham gia làm đường, làm cầu vượt lũ và cống thoát nước cho những vùng có nguy cơ ảnh hưởng do mưa lũ; hỗ trợ 1.527 thùng hàng gia đình, lương thực, quần áo, chăn màn cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn trị giá trên 3 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động giúp sửa chữa nhà ở.
Trong đợt lũ lớn năm 2008, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ đã tích cực giúp đỡ những người bị nạn, cứu trợ khẩn cấp và cứu trợ phục hồi sau mưa lũ; tham gia vận chuyển người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn; tổ chức mua và cấp phát gạo, mỳ tôm, chăn, màn, quần áo, thùng hàng gia đình đến đối tượng bị thiệt hại với tổng trị giá gần 2,3 tỷ đồng; vận động, tiếp nhận nguồn viện trợ của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương, các tổ chức quốc tế và tổ chức cấp phát kịp thời cho trên 24.500 lượt hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai trị giá 19,7 tỷ đồng, điển hình là thực hiện Dự án “Cứu trợ khẩn cấp sau bão số 4/2008” do Hội CTĐ Pháp và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh tài trợ đã hỗ trợ người dân bị thiệt hại 374,4 tấn lương thực, 462 tấn phân đạm urê, 78,5 tấn ngô, thóc giống với tổng giá trị 12,4 tỷ đồng.
Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hỗ trợ chương trình sinh kế, làm nhà ở, nâng cao năng lực phòng ngừa thảm họa, cứu trợ khẩn cấp sau cơn bão số 7 năm 2005 cho các đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai 99 tấn gạo, 400 thùng hàng gia đình và các phương tiện phục vụ học tập cho học sinh như bàn ghế, bút vở... trị giá gần 2 tỷ đồng, góp phần giúp nhân dân vùng lũ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Xác định công tác trợ giúp nhân đạo là nhiệm vụ trọng tâm trong các hoạt động của Hội, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân tương ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong các tầng lớp nhân dân; tham gia hưởng ứng phong trào “Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” và cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”...
Phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”, các cấp hội đã vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền, lương thực, thực phẩm thiết yếu và tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam; ủng hộ chăn ấm, quần áo ấm, sách vở cho đồng bào và học sinh vùng cao trong mùa đông (năm 2010 và 2011 đã vận động, ủng hộ bằng tiền, vật chất, hỗ trợ 12.964 người, trị giá 2,81 tỷ đồng).
Các hoạt động chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ngày càng được các cấp hội quan tâm tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Ngoài thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân chất độc da cam nhân “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” hàng năm, các cấp hội đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xe lăn, xe lắc, làm nhà, sửa chữa nhà ở và hỗ trợ con giống (trâu, bò, lợn), cây giống.
Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, sau 3 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh có 687 đối tượng khó khăn được khảo sát, trong đó có 521 địa chỉ được các cấp hội vận động cơ quan, đơn vị, cá nhân đăng ký trợ giúp thường xuyên từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người/tháng.
Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã vận động các tổ chức, cá nhân trợ giúp 166.415 lượt đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân da cam, trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, trị giá 48,91 tỷ đồng. Nhiều hoạt động hỗ trợ mang tính phát triển bền vững như: hỗ trợ làm mới và sửa chữa 189 nhà cho người nghèo, nạn nhân da cam; hỗ trợ 172 hộ vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ con giống (trâu, bò, lợn, gà), cây giống, phân bón... cho 89.686 đối tượng, trị giá 13,4 tỷ đồng; hỗ trợ 124 chiếc xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật...
Việc giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, gia đình thương binh - liệt sỹ, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống không chỉ bằng tiền, hiện vật, công lao động mà còn giúp phương pháp, kiến thức, tạo điều kiện cho đối tượng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh phát động vận động cán bộ, hội viên và nhân dân ủng hộ các địa phương trong nước bị ảnh hưởng bởi thiên tai và ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị ảnh hưởng động đất, sóng thần trên 1,2 tỷ đồng.
Để thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, các cấp hội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực trong và ngoài địa phương như: xây dựng các hòm quỹ nhân đạo đặt tại nơi công cộng, đền chùa, khách sạn... và các thùng gạo tiết kiệm, vườn rau, khóm chuối CTĐ, hạt vàng tháng 5, tháng 8...; vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm ủng hộ thông qua phát động phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”...
Hội tiếp nhận và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nhân đạo của Trung ương Hội, của các tổ chức phi chính phủ như: Dự án nâng cao năng lực và phát triển tổ chức hội của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam do Hội CTĐ Na Uy tài trợ; Dự án “Cứu trợ khẩn cấp sau bão số 4/2008” do Hội CTĐ Pháp và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Anh hỗ trợ; Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hỗ trợ chương trình sinh kế, làm nhà ở, cứu trợ khẩn cấp cơn bão số 7 năm 2005; Dự án Nước sạch, vệ sinh môi trường và phát triển cộng đồng tại Bản Lềnh (Văn Chấn) do Công ty DNV tài trợ; Dự án “Hỗ trợ kế hoạch phòng tránh thiên tai trong trường học” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam tài trợ...
Hoạt động chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng tiếp tục được tổ chức sâu rộng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm; hướng dẫn trồng và sử dụng thuốc nam; phối hợp thực hiện các chương trình y tế quốc gia; hỗ trợ xây dựng 1.420 công trình vệ sinh (nhà vệ sinh, bể nước, nhà tắm) cho nhân dân vùng sâu, vùng xa; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 7.100 người là đối tượng gia đình chính sách, người khuyết tật nghèo, nạn nhân chất độc da cam... trị giá gần 5 tỷ đồng; xây dựng các điểm, chốt sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng với nhiệm vụ sơ cấp cứu cho các đối tượng ốm đau tại cộng đồng và các trường hợp bị tai nạn giao thông; vận chuyển các nạn nhân đến cơ sở y tế thông qua các đội xe ôm CTĐ.
Toàn tỉnh hiện có 89 điểm chốt sơ cấp cứu hoạt động tại thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên với lực lượng tham gia là các tình nguyện viên CTĐ đã được tập huấn về sơ cấp cứu hoặc cán bộ y tế nghỉ hưu. Hàng năm, các điểm này đã tiến hành sơ cấp cứu và vận chuyển hàng trăm lượt người đến cơ sở y tế kịp thời, an toàn. Chốt sơ cấp cứu cộng đồng của tỉnh Yên Bái là một trong 65 mô hình tiêu biểu được tôn vinh tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/2011).
Công tác vận động hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Với vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, Hội CTĐ đã tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức các hoạt động, sự kiện tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện với quy mô ngày càng lớn, sâu rộng không chỉ ở cấp tỉnh mà ở cả các huyện, thị, thành phố và trở thành hoạt động thường kỳ hàng năm như: hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6, Chiến dịch những giọt máu hồng hè, Ngày hội Xuân hồng...
Đặc biệt, năm 2011, Hội đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tổ chức ngày hội hiến máu với thông điệp “Yên Bái ngàn trái tim hồng”, đã vận động được trên 1.000 người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện và tiếp nhận 437 đơn vị máu. Đây là đợt vận động hiến máu tình nguyện lớn nhất từ trước đến nay về số người tham gia đăng ký hiến máu và số đơn vị máu tiếp nhận. Phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng được cán bộ, hội viên, thanh niên và nhân dân hưởng ứng tham gia. Toàn tỉnh có 04 câu lạc bộ tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, trung bình mỗi năm có trên 3.000 người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện và tiếp nhận trên 1.000 đơn vị máu.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Âu Lạc tham gia hiến máu tình nguyện. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức về Hội CTĐ và các hoạt động nhân đạo do Hội thực hiện. Các cấp hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông chuyển tải nhiều tin, bài về hoạt động của hội; tuyên truyền Luật Hoạt động CTĐ, Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 25/2/2011 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam; tổ chức xuất bản “Bản tin CTĐ Yên Bái” mỗi quí một số với số lượng 250 - 350 bản/kỳ nhằm cung cấp thông tin hoạt động hội cho các hội cơ sở; xây dựng, khai trương và chính thức đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử của Hội CTĐ tỉnh (http://chuthapdoyenbai.org.vn) từ tháng 4/2011. Yên Bái là tỉnh thứ 6/63 tỉnh, thành hội có website riêng. Đến nay, đã có hơn 184.000 lượt truy cập vào website của Hội CTĐ Yên Bái.
Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên được quan tâm. Đã tổ chức 249 lớp tập huấn cho 7.520 lượt cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên và tình nguyện viên CTĐ về Phong trào CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Luật Hoạt động CTĐ, công tác hội....
Công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội được chú trọng; tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền các cấp kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hội, xây dựng đội ngũ cán bộ hội CTĐ các cấp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của hội; tham mưu cho tỉnh thành lập các phòng, ban chuyên môn cơ quan Tỉnh Hội; trang thiết bị làm việc được tăng cường. Đến nay, cơ quan Hội CTĐ tỉnh có 14 cán bộ (tăng 7 người so với đầu nhiệm kỳ); 9/9 huyện, thị, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức hội và có cán bộ CTĐ hoạt động; 3/9 huyện, thị, thành phố có chủ tịch hội chuyên trách (tăng 2 so với đầu nhiệm kỳ); 5/9 huyện, thị có phó chủ tịch hội chuyên trách.
Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CTĐ, vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động nhân đạo nói chung và hoạt động của Hội CTĐ nói riêng được tăng cường; bước đầu quan tâm chăm lo phụ cấp cho đội ngũ cán bộ hội ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để Hội CTĐ thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chương trình, dự án nâng cao năng lực của tổ chức hội, phát triển cộng đồng, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, xóa đói giảm nghèo…
Đến nay, tỉnh Yên Bái có 9 hội CTĐ cấp huyện và 12 hội CTĐ trực thuộc, tập hợp 41.294 hội viên, 79.631 thanh thiếu niên CTĐ, 982 tình nguyện viên; 514/563 (91,3%) trường học có tổ chức hội với 72.738 thanh, thiếu niên CTĐ. Hoạt động thanh thiếu niên CTĐ trong nhà trường ngày càng phát triển, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, tìm hiểu về hội, tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, tuyên truyền và vận động hiến máu tình nguyện, phòng tránh thiên tai; tham gia ủng hộ quyên góp quần áo, sách vở, giấy bút giúp bạn nghèo, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, vệ sinh môi trường... góp phần giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ.
Lực lượng tình nguyện viên CTĐ tiếp tục được củng cố và phát triển, đóng vai trò tích cực trong các hoạt động CTĐ, đặc biệt trong các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo, ứng phó với thiên tai, thảm họa, phòng chống dịch bệnh, sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh nhân đạo, hiến máu tình nguyện.
Lãnh đạo Tỉnh Hội cùng các ban, ngành tặng xe lăn cho các nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh: Tuấn Bình)
Năm 2011, đã tổ chức thành công Hội trại Thanh niên - tình nguyện viên CTĐ nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội CTĐ Yên Bái (15/10/1991 - 15/10/2011) và 65 năm Ngày thành lập Hội CTĐ Việt Nam (23/11/1946 - 23/11/2011) với trên 1.000 thanh niên, tình nguyện viên tham gia. Thông qua hội trại này đã khích lệ, động viên và khơi dậy tinh thần tình nguyện vì cộng đồng của lực lượng thanh niên, tình nguyện viên CTĐ.
Trong nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh và của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cùng với sự nỗ lực của cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ, tổ chức Hội CTĐ tỉnh Yên Bái tiếp tục được củng cố, kiện toàn; đội ngũ cán bộ hội được tăng cường; số lượng, chất lượng hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ thực chất hơn. Hoạt động của Hội ngày càng có hiệu quả, bám sát cơ sở và đối tượng, thu hút được sự tham gia ngày càng đông đảo của các tổ chức và nhân dân trong các hoạt động nhân đạo.
Hội đã góp phần tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, đa dạng các hình thức hoạt động, thiết thực chăm sóc sức khỏe, đời sống cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người gặp rủi ro, bất hạnh trong cuộc sống, tạo điều kiện cho các đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng. Các hoạt động của hội bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, công khai và minh bạch, tạo được lòng tin trong cộng đồng và là địa chỉ tin cậy của những người nghèo, khó khăn, hoạn nạn, người dễ bị tổn thương.
Trong nhiệm kỳ, các cấp hội đã hoàn thành 8/10 chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tổng nguồn lực huy động đạt 56,53 tỷ đồng, hiệu quả hoạt động đạt 3,83 lần. Hoạt động của Hội đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Đó là mô hình về củng cố tổ chức hội cơ sở ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ; đội tình nguyện viên CTĐ xung kích của huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái; đội xe ôm CTĐ, tình nguyện viên các điểm, chốt sơ cấp cứu CTĐ tại thành phố Yên Bái và huyện Trấn Yên, Lục Yên; Đội văn nghệ CTĐ huyện Văn Yên...
Cùng với các mô hình, đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực hoạt động CTĐ. Trong nhiệm kỳ qua, Hội CTĐ tỉnh Yên Bái được tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Ba, 02 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 14 cờ thi đua xuất sắc, 182 bằng khen của tỉnh và Trung ương Hội, 101 kỷ niệm chương và nhiều giấy khen khác. Năm 2010, Tỉnh Hội đã tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến 5 năm (2005 - 2010) tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động hội. Hội CTĐ các cấp trong tỉnh Yên Bái đã từng bước khẳng định vai trò cầu nối, nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ở địa phương.
Lục Thị Nhung - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Sáng 22/3, tại Hậu Giang, Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức mit tinh hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2012.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2014, 40% dân số còn lại sẽ tham gia bảo hiểm y tế. Theo đó, để thực hiện được điều này BHYT sẽ từ tự nguyện chuyển sang bắt buộc.
YBĐT - Ngày 22/3, Hội LHPN Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 2 thông báo kết quả Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2012 – 2017, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI...
YBĐT - Ngày 22/3, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức lễ khai trương mạng Truyền số liệu chuyên dùng phụ vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.