Yên Bái: Các trường học chủ động phòng bệnh tay - chân - miệng
- Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2012 | 12:12:03 PM
YBĐT - Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái, tính đến chiều 11/4, toàn thành phố đã có 66 trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng và số trẻ mắc bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.
Thực hiện vệ sinh tay bằng dung dịch ANIOSGEL 85 NPC
|
Đã gần hai tháng nay, bé Kim Anh học lớp 4 tuổi của Trường Mầm non Bông Sen cùng tất cả các bạn trong lớp được sát khuẩn tay ngày hai lần bằng dung dịch ANIOSGEL 85 NPC.
Các bé cảm thấy thích thú với việc rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn tay mới. Những động tác xoa cả bàn tay rồi các ngón tay, các kẽ và chà xát phần móng theo các bước rửa tay mà cô giáo đã hướng dẫn được các bé làm một cách thuần thục.
Vệ sinh tay bằng dung dịch này là một trong nhiều biện pháp mà nhà trường thực hiện để chủ động phòng chống bệnh TCM. Tính đến thời điểm này, nhà trường chưa phát hiện ca bệnh TCM nào. Trên thực tế, các biện pháp phòng chống đã được nhà trường triển khai từ khi bệnh TCM chưa xuất hiện ở Yên Bái.
Cô Nguyễn Thị Liễu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen cho biết: Nhà trường luôn thực hiện theo đúng tiêu chí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Khi bệnh chưa được phát hiện tại Yên Bái, qua các phương tiện truyền thông, nhà trường cũng đã nắm được sự phức tạp cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh này.
Mặt khác, trường lại rất đông trẻ, có tất cả 380 cháu ở 11 lớp nên chúng tôi đã quán triệt cán bộ, giáo viên nghiêm túc thực hiện quy trình và chủ động vệ sinh môi trường, đồ chơi… cho học sinh.
Trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế phường Minh Tân, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tập huấn cho cán bộ, giáo viên. Đến nay, toàn bộ giáo viên của trường đã được tập huấn phòng chống bệnh TCM.
Theo đó, mỗi ngày, các lớp học đều được vệ sinh bằng Cloramin B trước giờ đón trẻ và đồ chơi cũng được vệ sinh 2 lần/tuần bằng dung dịch này. Những ngày này, khi trẻ đến trường, việc đầu tiên là các cháu được vệ sinh tay bằng dung dịch khử khuẩn ANIOSGEL 85 NPC.
Ngoài ra, khăn mặt, chăn gối của trẻ cũng được vệ sinh thường xuyên mỗi tuần một lần. Bản tin của nhà trường nhiều tháng nay tập trung thông tin, tuyên truyền về cách nhận biết dấu hiệu phát hiện sớm cũng như cách phòng chống bệnh TCM. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Liễu khẳng định: Mỗi giáo viên là một tuyên truyền viên tích cực giúp các bậc phu huynh biết cách phòng chống bệnh TCM.
Tại Trường Mầm non Hoa Hồng ở phường Minh Tân cũng chưa phát hiện ca bệnh TCM nào. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà trường chủ quan, lơ là phòng chống bệnh. Cô Mông Thị Mai Lý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi đón trẻ, các cô phải mở rộng cửa phòng học đã được vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B.
Cô giáo Trường Mầm non Hoa Hồng hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng.
Khi đón, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt hoặc mệt mỏi, chúng tôi yêu cầu giáo viên trao đổi với phụ huynh nên cho cháu về nhà khám ở các cơ sở y tế, chăm sóc cho trẻ khỏi bệnh rồi mới đến trường.
Không phải trẻ nào có dấu hiệu như vậy cũng đều mắc bệnh TCM vì trong điều kiện thời tiết giao mùa, các cháu dễ mắc các bệnh về hô hấp, cảm cúm… Tuy nhiên, bệnh TCM là bệnh dễ lây nên chúng tôi phải cảnh giác để phòng dịch vì lợi ích chung và đa phần phụ huynh đều có ý thức hợp tác với nhà trường.
Nhờ tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường được tập huấn phòng chống bệnh TCM nên mỗi người thực sự là một tuyên truyền viên tích cực. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức phát thanh tuyên truyền về cách phòng chống cùng dấu hiệu nhận biết bệnh TCM mỗi ngày vào giờ đón và trả trẻ. Trường cũng đặt ti vi lớn trước sảnh đón trẻ với hình ảnh kèm theo lời chỉ dẫn ngắn gọn, dễ hiểu.
Mỗi tuần hai lần vào ngày thứ 2 và thứ 4, các cô giáo vệ sinh đồ chơi cho trẻ bằng dung dịch Cloramin B. Đồng thời, các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng như vệ sinh môi trường khu vực trong và ngoài các trường mầm non được đẩy mạnh.
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Trường phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Yên Bái cho biết: Phòng đã triển khai các văn bản, kế hoạch từ tuyên truyền đến phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế trường học, giáo viên về chủ động phòng chống bệnh TCM.
Trẻ sốt, mệt mỏi, đề nghị giáo viên không đón trẻ vào lớp - đó là yêu cầu chung của Phòng đối với các trường mầm non trên địa bàn trước tình hình dịch bệnh TCM hiện nay. Đồng thời, Phòng cũng yêu cầu các trường phải tích cực tuyên truyền tới các bậc phụ huynh.
Chủ động phòng bệnh là biện pháp mà các trường mầm non trên địa bàn thành phố Yên Bái đang tích cực thực hiện nhằm đối phó với sự gia tăng của bệnh TCM.
Thanh Ba
* Lục Yên: Bệnh tay chân miệng tăng đột biến Ngày 13/4, Lục Yên ghi nhận 24 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, nâng tổng số bệnh nhân toàn huyện lên 271 ca. Địa phương có số bệnh nhân cao nhất là thị trấn Yên Thế 111 ca, xã Minh Xuân 18 ca, xã Trúc Lâu 11 ca. Được biết, tính đến 31/3 toàn huyện mới có 26 ca mắc bệnh, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay con số này đã tăng gấp 6,5 lần. Ngày 8/4 ghi nhận 8 ca, ngày 9/4 ghi nhận 23 ca, ngày 11/4 ghi nhận 35 ca, ngày 12/4 ghi nhận 16 ca, ngày 13/4 ghi nhận 24 ca, Trung tâm Y tế phối hợp với các ban ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh tay chân miệng đến từng hộ gia đình, hướng dẫn cho các gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống, hướng dẫn sử dụng Cloramin B, thực hiện "ba sạch" (ăn sạch, uống sạch và đồ chơi sạch cho trẻ)… * Văn Chấn tập huấn phòng, chống tay chân miệng trong trường học Một nội dung tuyên truyền cách nhận biết triệu chứng của bệnh tay chân miệng. Huyện Văn Chấn đã có 36 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở 4 xã, thị trấn, riêng thị trấn Nông trường Trần Phú đã 30 trường hợp và hầu hết rơi vào trẻ mầm non. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch được ngành giáo dục -đào tạo huyện xác định là nhiệm vụ cấp thiết thời điểm này, nhất là ở các trường mầm non, nơi đang chăm sóc hơn 7 nghìn trẻ. Theo yêu cầu của Phòng, ngay sau đợt tập huấn, các trường sẽ tiếp tục tập huấn đến từng lớp học, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. UBND huyện Văn Chấn cũng đã chỉ đạo Phòng yêu cầu tất cả các trường học phối hợp chặt chẽ với phụ huynh quan tâm đến học sinh hàng ngày để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế kịp thời cách ly, theo dõi, chăm sóc các em và xử lý vệ sinh môi trường đảm bảo; kịp thời dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Minh Tuấn - Văn Trường |
Các tin khác
Dùng túi nhựa tái chế để đựng thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm chín, nóng là một thói quen rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. >>>Vì một môi trường không túi ni-lông
YBĐT - Thực tập là cầu nối quan trọng giữa lý thuyết và thực tế. Nhưng để hoàn thành tốt các chỉ tiêu trong quãng thời gian này không phải là dễ dàng, nhiều bạn trẻ đã phải trải qua không ít những khó khăn.
YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đang triển khai nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đối với giáo dục trong nhà trường, tăng phần thưởng cho học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo, vượt khó...