Lục Yên: Bất cập y tế xã

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/4/2012 | 2:53:31 PM

YBĐT - Nhiều trạm y tế xã thiếu phòng làm việc, trời mưa to là dột, thậm chí mối xông chằng chịt từ trên nóc xuống. Bác sỹ lại thiếu trầm trọng, trình độ chuyên môn bất cập, hạn chế. Đó là những gì mà công tác y tế huyện Lục Yên đang gặp phải...

Trung tâm Y tế huyện Lục Yên vẫn đang phải làm việc nhờ ở cửa hàng bách hóa thương nghiệp thuộc Công ty Thương mại tỉnh.
Trung tâm Y tế huyện Lục Yên vẫn đang phải làm việc nhờ ở cửa hàng bách hóa thương nghiệp thuộc Công ty Thương mại tỉnh.

Từ nguồn nhân lực hạn chế

Huyện Lục Yên hiện có tổng số 471 cán bộ y, bác sỹ, trong đó có 3 bác sỹ chuyên khoa, 12 bác sỹ, 68 y sỹ, 9 dược sĩ trung học, 2 điều dưỡng đại học, 27 điều dưỡng trung học, 308 y tá sơ học, 36 nữ hộ sinh trung cấp, 4 kỹ thuật viên trung học. Trong tổng số 24 trạm y tế xã, thị trấn toàn huyện hiện chỉ 12 trạm có bác sỹ gồm: xã Phúc Lợi, Khai Trung, Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mường Lai, Phan Thanh...

Bác sỹ Hoàng Văn Gia -Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lục Yên cho biết: Hiện nay, tại các trạm y tế xã về số lượng đội ngũ cơ bản đủ, song lại thiếu nhiều bác sỹ đã gây ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX).

Đồng thời, cán bộ y tế tại các trạm do trình độ chuyên môn hạn chế, chưa được tập huấn và đào tạo lại nên khó khăn trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại địa phương. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện cũng chỉ tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở ở mức độ nhất định...

Đơn cử, khi dịch bệnh tay chân miệng có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm trong năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay, những cán bộ y tế tại các trạm địa phương được tập huấn chỉ là cán bộ chuyên môn và trạm trưởng. Do đó, nhiều cán bộ đã không cập được kiến thức mới trong quá trình tuyên truyền, vận động và phát hiện xử lý bệnh dịch mới phát sinh.

Bên cạnh đó, có đào tạo cán bộ tại trạm lên trình độ bác sỹ nhưng trình độ lại không cập với trang thiết bị y tế ở cơ sở và đã chuyển tuyến, hoặc chuyển sang làm y tế tư nhân như trường hợp ở xã An Lạc năm 2011, sau khi được đào tạo chuyên tu đã không về cơ sở mà chuyển về công tác tại tỉnh Phú Thọ.

Hiện nay, số cán bộ ngành y tế trên địa bàn huyện Lục Yên được cử đi đào tạo chuyên tu tại các trường đại học y, dược và nữ hộ sinh cao đẳng gồm 9 người. Song, không ai có thể đảm bảo rằng đào tạo xong họ có ở lại công tác tại trạm hay không.

Theo đó, số đối tượng được đào tạo lại về trình độ, chuyên môn, các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ khám chữa bệnh tại cơ sở để đối phó với các dịch bệnh xảy ra hàng năm vẫn còn khá khiêm tốn...

Đồng chí Lộc Văn Thắng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Xuân cho biết: Trạm hiện có 6 cán bộ và 21 nhân viên y tế, dân số thôn bản, với số dân trên 7.000 người thì cơ bản đủ. Song, hiện nay chúng tôi vẫn thiếu bác sỹ. Trước đây cũng có nhưng năm 2011, đồng chí này được tăng cường về Trung tâm Y tế huyện làm việc. Nói không đào tạo thì không phải, nhưng đào tạo về thì lại chuyển tuyến thì thiếu vẫn hoàn thiếu...

Hệ thống công trình phụ trợ của Trạm Y tế thị trấn Yên Thế chưa bảo đảm.

Hiện nay, nguồn cán bộ có trình độ bác sỹ ở huyện Lục Yên còn rất hạn chế nên việc tuyển dụng bác sỹ công tác tại trạm y tế xã còn khó khăn, chính sách thu hút cán bộ chưa phù hợp nên số cán bộ có trình độ bác sỹ chưa thực sự yên tâm công tác tại tuyến xã.

Mặt khác, do chính sách khuyến khích cán bộ còn ở mức thấp nên số cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng hãn hữu dẫn đến tình trạng thiếu bác sỹ tại các trạm.

… Đến cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp
Huyện Lục Yên hiện có 22/24 trạm y tế xã đạt CQGVYTX giai đoạn 2006 - 2010. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất xuống cấp và thiếu thốn.

Trung tâm Y tế huyện thời điểm hiện tại vẫn đang phải làm việc nhờ cửa hàng bách hóa thương nghiệp thuộc Công ty Thương mại tỉnh. Nơi đây xây dựng quá lâu năm nay đã xuống cấp.

Chưa kể đến việc các lớp tập huấn của các ban ngành khác cũng thường tập trung về đây nên hoạt động chuyên môn của Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Một số trạm y tế xã xuống cấp trầm trọng, thiếu phòng làm việc theo quy định của Bộ Y tế, các phòng phải hoạt động lồng ghép như Trạm Y tế xã Minh Xuân, Trúc Lâu, thị trấn Yên Thế...

Tới Trạm Y tế thị trấn Yên Thế ngay trung tâm huyện song lại là một trong những trạm khó khăn nhất về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khám chữa bệnh, nhìn bề ngoài ít ai nói đây là một trạm y tế không chất lượng vì trạm mới được quét vôi ve và làm thêm phòng họp.

Song, thực tế bên trong có quá nhiều vết nứt chạy dài từ điểm kết nối giữa tường và trần nhà của 5 căn phòng. Trang thiết bị khám chữa bệnh cũng vô cùng thiếu thốn. Điển hình như bộ dụng cụ sử dụng trong sản khoa 10 năm nay chưa được thay thế, mảng y học cổ truyền thì không hoạt động.

Chị Dương Kim Thành - y sỹ đa khoa phụ trách mảng khám chữa bệnh cho biết: Y học cổ truyền làm sao mà hoạt động được vì những dụng cụ cần thiết đều không có như dao, thuyền tán... mặc dù có y sỹ y học cổ truyền. Cũng may cho trạm chúng tôi gần Bệnh viện Đa khoa huyện nên người bệnh chuyển tuyến dễ dàng hơn, chứ ở xa mà cơ sở vật chất, trang thiết bị kém chất lượng thế này thì không biết tính sao.

Cũng giống như Trạm Yên Thế, Trạm Y tế xã Minh Xuân có diện tích cực kỳ khiêm tốn (90m2), thấp lè tè và cũng chỉ có 5 phòng nên thường xuyên phải hoạt động chuyên môn lồng ghép. Đáng nhẽ phòng thủ thuật phải là phòng riêng thì nay phải ghép chung với phòng khám sản.

Độ nứt và ẩm có khi còn hơn cả Trạm Y tế thị trấn Yên Thế,  vậy mà 6 cán bộ nơi đây vẫn phải đảm bảo công việc. Anh Lộc Văn Thắng - Trạm trưởng Trạm Y tế Minh Xuân chia sẻ: Đảng ủy, UBND xã đã có quy hoạch và cấp đất từ năm 2011 để đầu tư, xây dựng lại nhưng đến giờ này chúng tôi vẫn chưa có vốn để triển khai.

Được biết, xã Minh Xuân có tổng dân số trên 7.000 người (đông nhất nhì huyện), hàng ngày luôn có từ 30 đến 40 người dân đến khám chữa bệnh, chưa kể nhiều hôm đông lên tới trên 80 người. Cơ sở hạ tầng xuống cấp là thế, còn trang thiết bị khám chữa bệnh thì cũ và hỏng khá nhiều.

Trước đây, Trạm được đầu tư bộ dụng cụ ngũ khoa: tai mũi họng và răng hàm mặt nhưng cũng đã quá lâu và nay thì đã hỏng. Riêng các dụng cụ chuyên khoa thì không có, những trang thiết bị còn lại đều quá cũ và chưa được bổ sung...

Bác sỹ Hoàng Văn Gia cho biết: Các bộ dụng cụ ngũ khoa, chuyên khoa hiện nay mới chỉ có 8/24 trạm y tế xã có, còn trang thiết bị khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân đa phần được đầu tư từ lâu giờ cũng đã hỏng và chưa được bổ sung như: nồi hấp, máy hút đờm, bộ sản khoa, máy đo huyết áp...

Giải pháp
Để giải quyết vấn đề nguồn lực trong công tác y tế huyện Lục Yên  thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện đã đưa ra các giải pháp như: tăng cường hơn nữa sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tranh thủ các chính sách đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và thu hút các cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có thể thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn về các trạm y tế xã công tác nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, các chính sách đãi ngộ có đúng với chuyên khoa của họ đào tạo ra hay không để giữ chân họ? Lục Yên hiện nay cũng đã cử 9 cán bộ y tế đi học chuyên tu, đồng thời đã có nhiều người đi học về song chỉ một thời gian ngắn lại chuyển tuyến hoặc ra ngoài hoạt động y tế tư nhân.

Đơn cử trường hợp ở xã Minh Xuân sau khi được đào tạo chuyên tu về thì được Trung tâm Y tế huyện lấy về do Trung tâm cũng đang thiếu, vậy là Trạm Y tế xã Minh Xuân lại vẫn thiếu bác sỹ, theo đó quá trình công nhận chuẩn chắc chắn sẽ mất 1 điểm.

Một thực tế hiển nhiên, đó là ngay tại Trung tâm cũng đang thiếu đội ngũ này nên khi cần điều động, luân chuyển công tác là nơi đây sẵn sàng nhận.
Một trạm y tế xã chất lượng với đầy đủ trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân là vấn đề quan trọng không riêng gì ở Lục Yên mà ở tất cả các huyện, thị trong tỉnh.

Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng mà các cấp, các ngành cần quan tâm trong công tác thu hút đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao về địa phương công tác.    

Ngọc Sơn

Các tin khác

YBĐT - Phân hiệu Nghĩa Tâm, Trường THPT Văn Chấn (Yên Bái) vừa tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề “Môi trường của chúng em” cho học sinh khối lớp 11.

Cán bộ y tế thành phố Yên Bái tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại nhóm câu lạc bộ.

YBĐT - Đến tháng 3/2012, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Yên Bái là 1.208 người. Hiện đã có 212 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, 80 trường hợp tử vong do AIDS và thành phố là địa bàn có số lượng người nhiễm HIV/AIDS cao nhất trong tỉnh.

Cô và trò lớp 2D, Trường Tiểu học Kim Đồng trong giờ học toán.

YBĐT - Việc dạy thêm, học thêm (DTHT) không phải là xấu nhưng cách tổ chức, chất lượng dạy như thế nào, học ra làm sao thực sự rất đáng bàn.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 dù đã tăng chuyến đến mức tốt đa, nhưng vé giường nằm của tất cả các chuyến tàu xuất phát từ Hà Nội đều đã hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục