Yên Bái đã kiểm soát được dịch tay chân miệng
- Cập nhật: Thứ năm, 26/4/2012 | 10:01:48 AM
YBĐT - Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ở Yên Bái đang có chiều hướng giảm. Đây là tín hiệu vui khi mà việc phòng, chống căn bệnh lây nhiễm này hiện đang gặp không ít khó khăn, nhất là đối tượng mắc và điều trị chủ yếu là trẻ nhỏ.
Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi mắc tay chân miệng mới nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
|
Bệnh TCM vẫn đang diễn biến phức tạp do thời tiết ẩm, nắng nóng thất thường. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành chức năng của tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh, theo như nhận định ban đầu của ngành y tế, dịch bệnh TCM ở Yên Bái đang có chiều hướng giảm. Đây là tín hiệu vui khi mà việc phòng, chống căn bệnh lây nhiễm này hiện đang gặp không ít khó khăn, nhất là đối tượng mắc và điều trị chủ yếu là trẻ nhỏ.
Tính đến ngày 23/4, toàn tỉnh đã phát hiện trên 900 ca mắc bệnh TCM, trong đó đang điều trị trên 230 ca. Cũng trong ngày 23/4, toàn tỉnh ghi nhận 30 ca mắc mới. Qua kiểm tra nắm bắt tình hình dịch bệnh TCM trên địa bàn cho thấy, vùng thời tiết khí hậu ở các huyện phía tây của tỉnh gồm Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ luôn khô hanh, nắng nóng nên dịch ít lây lan, số ca mắc không nhiều.
Tuy nhiên, ở các huyện phía đông như thành phố Yên Bái, nhất là huyện Lục Yên dịch có chiều hướng bùng phát mạnh. Tuy vậy, cho đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái vẫn đang khống chế và kiểm soát được dịch bệnh TCM. Hiện tại trên địa bàn tỉnh không phát hiện thêm xã mới có bệnh nhân mắc.
Yên Bái là một trong số không nhiều tỉnh, thành của cả nước có phòng xét nghiệm sinh học phân tử.
Ông Lường Văn Hom – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời, ngành đã thành lập hệ thống báo cáo kết quả tình hình dịch bệnh qua thư điện tử từ xã, huyện đến tỉnh; hàng ngày cập nhật kết quả báo cáo của các huyện, thị, thành phố trên cơ sở các xã báo cáo để gửi về tỉnh vào 16 giờ chiều các ngày. Do vậy, mọi diễn biến dịch bệnh đều được nắm bắt kịp thời.
Đối với công tác phòng, chống dịch TCM, ngành xác định, việc cắt đứt đường lây phải được ưu tiên hàng đầu. Bởi lẽ trong 3 vấn đề của dịch là mầm bệnh, cơ thể cảm thụ (con người) và đường lây mà dịch bệnh TCM lại lây qua đường tiếp xúc nên việc tuyên truyền cách phòng, chống lây nhiễm bệnh và xử lý vệ sinh môi trường làm sao để cắt đứt được đường lây là việc cần thiết phải làm thường xuyên và liên tục để dịch không lan rộng ra cộng đồng… - ông Hom cho biết thêm.
Tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, ngày 23/4, bác sỹ Hoàng Thị Hà - Phó trưởng khoa cho biết: “Hiện có 11 bệnh nhân nhi mắc TCM độ 2 đang được điều trị tại khoa. Từ đầu tháng 1 đến nay, Khoa đã tiếp nhận trên 70 ca mắc TCM. Điều đáng mừng là cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh Yên Bái vẫn chưa có bệnh nhân nặng tử vong hay phải chuyển tuyến. Khoa sẽ tiếp nhận điều trị các ca bệnh độ 2 trở lên để đảm bảo tránh biến chứng xảy ra. Với các ca bệnh nhẹ (độ 1) sẽ được các y bác sỹ hướng dẫn để trẻ được điều trị tại gia đình. Khoa tiếp tục triển khai các biện pháp tuyên truyền phòng, chống lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và đối tượng chính chúng tôi quan tâm tác động nhiều nhất là người nhà của bệnh nhân…”.
Là một trong số 3 tỉnh đầu tiên trong cả nước được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng và là một trong số không nhiều tỉnh, thành có phòng xét nghiệm sinh học phân tử đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Yên Bái chủ động phát hiện, phòng chống và khống chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh TCM.
Bệnh nhân TCM độ 2 được điều trị tại BVĐK tỉnh.
Bà Lê Thị Hồng Vân - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Việc xét nghiệm để tìm nguyên nhân trong dịch bệnh TCM là rất quan trọng, vì xác định được các chủng gây độc để theo dõi biến chứng của bệnh nhân sẽ hạn chế các trường hợp tử vong. Trong dịch TCM, chủng EV71 được coi là chủng độc mạnh. Chính vì vậy, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được triển khai đã giúp ích cho tỉnh trong công tác giám sát, phòng chống dịch, hạn chế các biến chứng nặng và tử vong gây ra”.
Dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu giảm - đây là tín hiệu rất đáng mừng. Không chủ quan, lơ là trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi mà điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, chính quyền các cấp, ngành chức năng và hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở vẫn đang quyết liệt chiến đấu với dịch bệnh, mục tiêu trong thời gian sớm nhất khống chế và đẩy lùi dịch bệnh TCM trên địa bàn.
Ông Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế:
Bà Hoàng Thị Hà - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh:
|
Thúy - Toàn
Các tin khác
YBĐT - Để phòng chống dịch tay chân miệng lây lan ra diện rộng, các cấp chính quyền, ngành y tế huyện Lục Yên cấn tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong công tác tuyên truyền phòng chống dịch.
YBĐT - Ngày 25/4/2012, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2008-2012 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2012-2015. Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Năm 2011, Chi nhánh BIDV có 11 đoàn viên thanh niên được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 14 đoàn viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt có 1 đoàn viên thanh niên đã được Chi nhánh bầu chọn là cá nhân tiêu biểu xuất sắc năm 2011.
Kết quả bước đầu xác định virus Ricketsia “sốt mò do bọ chét” gây nên bệnh viêm da bàn tay bàn chân tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ.