Làm gì để mọi người cùng tham gia bảo hiểm y tế
- Cập nhật: Thứ tư, 2/5/2012 | 3:12:22 PM
YBĐT - Trong khi phần lớn người lao động đã tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc thì vẫn còn khá đông nhóm đối tượng khác không sẵn lòng tham gia BHYT tự nguyện.
Chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện nâng cao hơn, quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo.
|
Lĩnh vực BHXH tự nguyện cũng vậy, người lao động tự do, công nhân có hợp đồng lao động dưới 3 tháng trong các doanh nghiệp, cán bộ thôn, bản, tổ nhân dân... chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động ở nước ta. Việc tự nguyện trích một khoản thu nhập, tham gia BHXH là những điều mà thâm tâm ai cũng mong muốn nhưng đáng tiếc lại có rất ít người tham gia.
Theo số liệu thống kê, hết quý I năm 2012 toàn tỉnh có thêm 6.738 người tham gia BHYT tự nguyện, đưa tổng số người tham gia loại hình bảo hiểm này lên 19.340 người. Đối với loại hình BHXH tự nguyện, toàn tỉnh mới khai thác thêm được 126 đối tượng, nâng tổng số người tham gia lên 1.101 người.
Lý do số người tham gia BHYT tự nguyện còn ít và tham gia BHXH tự nguyện lại quá thấp như vậy là vì việc tuyên truyền về Luật BHXH và Luật BHYT còn nhiều mặt hạn chế. Rất nhiều người (kể cả người làm nghề kinh doanh ở thành phố Yên Bái) hiểu lờ mờ về hai Bộ luật quan trọng, có ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội này.
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở Phường Yên Thịnh nói: “Giờ nhiều loại bảo hiểm quá, tuần nào cũng có người đến nhà tiếp thị mua bảo hiểm. Thú thật là cái nào không có ra đường bị công an phạt như bảo hiểm xe máy thì tôi mới mua!”.
Một lý do khác, trong khi rất nhiều đối tượng muốn tham gia thì không có điều kiện, ngược lại người có điều kiện lại không muốn tham gia. Ao ước khi hết tuổi lao động có đồng lương hưu, có tấm thẻ BHYT để nếu đau ốm, đi viện đỡ mất nhiều tiền là suy nghĩ là mong ước giản dị và trong sáng của đại đa số người lao động.
Thế nhưng khoản phí hàng năm 448 nghìn đồng (đối với BHYT tự nguyện) và 20% mức thu nhập hàng tháng là những con số mà họ không thể vượt qua khi đồng lương hạn chế, việc làm và thu nhập lại bấp bênh.
Lao động tự do, không ai quản lý, công việc và thu nhập không ổn định thì việc đi đến cơ quan BHXH tìm hiểu và mua cho mình một “chỗ dựa” sau này là điều rất ít người nghĩ tới.
Đối với những người làm việc ổn định trong các doanh nghiệp thì chủ sử dụng lao động đã tính toán tất cả vào tiền lương, tiền công của họ. Với những người có điều kiện kinh tế khá hơn, đặc biệt là những người đã có mức thu nhập lớn, có cuộc sống giàu có, khi ốm đau đương nhiên họ đi khám, chữa bệnh họ sẽ sử dụng dịch vụ cao, trang thiết bị tân tiến, dùng những loại thuốc đắt tiền... tất cả những thứ ấy đều nằm ngoài danh mục bảo hiểm và đương nhiên BHYT không thể chi trả!
Thế là suy nghĩ nảy sinh “Bảo hiểm khám qua loa, thuốc không tốt, bệnh lâu khỏi... làm dịch vụ cho xong” đã xuất hiện. Đây còn là tư tưởng khá phổ biến, ngay cả những trường hợp có BHYT nhưng lại từ chối khám chữa bệnh bằng BHYT, chấp nhận khám chữa bệnh bằng hình thức dịch vụ chất lượng cao và tự bỏ tiền ra trả.
Có thể nói, việc người giàu sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao là điều rất tốt và chúng ta không phải bàn luận, nhưng những người có mức sống trung bình thì hoàn toàn có thể tham gia BHYT và khám chữa bệnh bằng BHYT khi hiện nay thủ tục hành chính đã được tiết giảm tối đa, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế đang được nâng lên, không có sự phân biệt trong thái độ phục vụ giữa các nhóm đối tượng bệnh nhân trong các cơ sở y tế.
Đây cũng là cơ sở để ngành Bảo hiểm Yên Bái phấn đấu tuyên truyền, vận động mới 20 nghìn đối tượng tham gia trong năm 2012 với tổng số tiền phí thu nộp là 8 tỷ đồng. Mức phí tham gia BHXH tự nguyện cũng là một rào cản (hàng tháng người tham gia đóng 20% mức thu nhập mà người mua tự lựa chọn).
Trong khi mâu thuẫn (người muốn tham gia BHXH lại không đủ điều kiện, còn người có điều kiện lại không muốn tham gia vì xuất lương hưu vài triệu đồng/tháng không thấm gì so với mức chi tiêu của họ) vẫn chưa được giải quyết thì một lý do khác khiến việc triển khai BHXH tự nguyện gặp khó khăn đó là thời gia tham gia BHXH quá dài (đủ 20 năm) và chỉ đến khi người tham gia hết tuổi lao động (55 tuổi đối với nữ, 60 tuổi đối với nam) thì đối tượng mới được hưởng chế độ.
Rắc rối rất lớn khi mà người lao động có được việc làm và thu nhập ổn định thì tuổi đã ngoài 40, có khi là 50 và họ không thể bỏ ra một khoản tiền để đóng đầy đủ và đều đặn trong vòng 20 năm cho đến khi họ đã 60 - 70 tuổi, thậm chí là cao tuổi hơn nữa mới lĩnh được đồng lương hưu.
BHXH và BHYT là rất cần thiết, là chỗ dựa cho người lao động và là giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tuy nhiên chính sách của Nhà nước về lĩnh vực này cũng cần có sự thay đổi để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống, giảm bớt một phần khoản phí phải đóng hoặc rút ngắn thời gian tham gia BHXH xuống.
Theo đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cơ sở khám chữa bệnh và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo… là những việc cần làm để nâng cao hơn nữa số người tham gia BHYT, BHXH.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Nhân dịp Đại lễ Phật đản - Phật lịch 2556, ngày 2/5, đoàn đại biểu tỉnh do đồng chí Ngô Thị Chinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà và chúc mừng các tăng ni, phật tử tại các chùa: Tùng Lâm, Bách Lẫm, Minh Pháp (thành phố Yên Bái).
YBĐT - Những năm qua, Hội Người cao tuổi xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao, gương sáng” do Trung ương Hội NCT Việt Nam phát động, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ở địa phương.
YBĐT - Từ ngày 12 - 20/4, tại thành phố Yên Bái, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thi “Giáo viên dạy giỏi, nấu ăn giỏi và thi triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cấp học mầm non” tỉnh Yên Bái năm học 2011 - 2012.
Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư liên bộ hướng dẫn về mức chi xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.