Sĩ tử “chạy nước rút”

  • Cập nhật: Thứ ba, 15/5/2012 | 2:51:43 PM

YBĐT - Đang đứng trước 2 kỳ thi được xem là quan trọng nhất trong cuộc đời là thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và thi đại học, cao đẳng, các sĩ tử đang hối hả “chạy nước rút” mong có được kết quả cao nhất.

Nguyễn Thị Thu Hà và lịch học cho ước mơ: đỗ đại học.
Nguyễn Thị Thu Hà và lịch học cho ước mơ: đỗ đại học.

Học đến 2, 3 giờ sáng, tăng gấp 2 - 3 lần số buổi đến các lớp luyện thi, tính thời gian thi tốt nghiệp và đại học bằng ngày… là tâm lý chung của hầu hết các sĩ tử ở thời điểm này. Sau khi kết thúc kiểm tra học kỳ II, Nguyễn Thị Thu Hà - học sinh lớp 12D1, Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Yên Bái) đã tăng số buổi học thêm của mình lên 12 buổi/tuần, thậm chí có ngày học tới 4 ca, bắt đầu từ 8h và kết thúc lúc 22h. Mệt nhoài, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ nhưng Hà vẫn quyết tâm bám trụ lịch học dày đặc với mong muốn có thể đạt được kết quả thi cao nhất.

Trong vòng một tháng, em đã sụt mất 4kg. Hà cùng các bạn phải trải qua rất nhiều kỳ thi từ thi học kỳ, thi thử tốt nghiệp, thi thử đại học rồi làm bài tập, làm đề cương, giải bộ đề thi đại học… nên áp lực tăng lên. Hà chia sẻ: “Kiến thức đã được tích lũy từ tất cả những năm học trước chứ không phải chỉ nhồi nhét ở thời điểm này. Nhưng trong giai đoạn “nước rút” hiện tại, áp lực về thời gian tăng lên khiến cho không khí trở nên rất “nóng”. Em và các bạn cứ như sợ mình quên mất một vùng kiến thức nào đó nên cứ phải học, học và học...”.

Đến nhà Hà, nhìn lịch học dày đặc mà phát hoảng nhưng em lại bảo: “Lịch đó chưa đủ vì sau khi thi học kỳ thì lịch học ôn của bọn em đã tăng lên rồi. Riêng môn tiếng Anh, trước em học 5 buổi mỗi tuần nhưng bây giờ đã thành 8 buổi rồi”. Bên cạnh lịch học là một bảng phân tích, chia những hướng rẽ như: nếu không đỗ đại học sẽ có kết quả như thế nào; nếu đi nhảy sẽ mất thời gian dành cho việc học dẫn đến thi trượt… Hà có một niềm đam mê với nhảy hiphop nhưng trong giai đoạn này, em buộc phải kìm lại sở thích của mình để dành thời gian nhiều hơn đến với các lớp luyện thi và học thi.

Hà bày tỏ: “Nhiều khi đi học qua chỗ tập nhảy, em cũng thèm lắm nhưng nghĩ đến trượt đại học là em lại cố gắng kiềm chế sở thích. Thôi thì đành hy sinh cái nhỏ để làm việc lớn đã chị ạ!”. Hà cũng giống như đa phần các bạn chọn những lớp luyện thi chỉ khoảng chục người. Theo em thì như vậy, các thầy cô sẽ sâu sát hơn với học sinh, phát hiện chỗ nào còn yếu để kịp thời bổ sung kiến thức. Chỉ chục người cả cô lẫn trò trong căn phòng với vài cái quạt nhưng vẫn cảm nhận được “độ nóng” tăng theo từng ngày của lớp luyện thi. Cô cũng như trò đều đang gồng mình ôn luyện.

Cũng giống như Hà, Cát Thị Ngọc Lan - học sinh lớp 12K, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cũng đã xếp lịch học dày đặc từ khi thi xong học kỳ II. Lan cho biết, mỗi ngày em chỉ ngủ từ 2 - 4 tiếng đồng hồ. Mặc dù các kiến thức em đã nắm chắc qua từng năm học, kinh nghiệm cũng đã được tích lũy từ các kỳ thi thử nhưng tâm trạng của Lan hiện giờ cũng rất lo lắng.

Em nói: “Bây giờ, em lo lắm, lo không đỗ được đại học và cứ ngày nào học ít hơn một chút là em lại lo trượt đại học”. Ngày Lan đi luyện thi nhiều nhất trong tuần là thứ 5 với 4 ca học từ 7h đến 22h. Lịch học như vậy nên việc di chuyển nhiều khi em phải nhờ bố đưa đi cho kịp giờ học, còn học tại nhà thì bố mẹ đều tạo điều kiện thuận lợi hết mức về thời gian. Lan cũng như nhiều bạn khác đều phải chọn cho mình một cách học hiệu quả nhất.

Em bộc bạch: “Thời gian em học “vào” nhất lại là về đêm nên việc học đến 3 - 4 giờ sáng là chuyện bình thường. Hôm nào phải đi học thêm buổi sáng em mới ngủ sớm hơn nhưng chỉ trước 30 phút so với bình thường”.

Chạy đua với thời gian của các sĩ tử cũng khiến những người xung quanh “nóng” theo, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Chị Bùi Thị Lan - mẹ của Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Tôi cũng hy vọng cháu sẽ đỗ được đại học. Cả nhà bây giờ tạo điều kiện hết mức cho cháu về thời gian. Phải đi học thêm nhiều cũng lo cho sức khỏe của cháu nên tôi luôn nhắc cháu phải phân bố thời gian hợp lý, phải nghỉ giải lao cho đầu óc thư giãn, thoải mái”.

Còn chị Phan Thu Hằng ở phường Yên Ninh cũng có con gái lớn năm nay thi vào đại học chia sẻ: “Tôi cũng biết mấy đứa trẻ học quanh năm rồi nhưng vào những tháng cuối này thì mình cũng lo như chúng vậy. Học hành là tùy thuộc ở con chứ mình lo cũng có làm gì được đâu. Bây giờ, tôi chỉ giúp cháu qua việc chăm sóc bữa ăn, bổ sung dinh dưỡng, động viên và đưa đón đi về cho con đỡ phải đạp xe vất vả. Ấy thế mà con bé nhà tôi cũng sút 2kg rồi đấy!”. Chị Hằng đã gác lại việc kinh doanh buôn bán để tập trung chăm sóc, đưa đón cô con gái Thanh Thanh năm nay thi đại học đến các lớp luyện thi, học thêm...

 Ông Hoàng Văn Trường - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục & Đào tạo Yên Bái cho biết: "Đối với cả phụ huynh và học sinh, thời điểm này là thời điểm quyết định thành bại của cả một quá trình đầu tư, tích lũy kiến thức, công sức, tiền của... Bởi vậy, tâm lý lo lắng cũng là dễ hiểu. Với những người làm công tác quản lý giáo dục như chúng tôi, lời khuyên đưa ra cho các nhà trường, những bậc phụ huynh là hãy bình tĩnh, quan tâm, động viên, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cả về vật chất và tinh thần đối với việc học tập cũng như nghỉ ngơi cho các cháu. Hãy coi đây là một bài test cơ bản, làm nền tảng cho thành công trong tương lai!".

Có đứng trước các trung tâm luyện thi vào thời gian này mới thấy các bậc phụ huynh chờ đợi để đưa đón con cái. Họ cũng căng thẳng không kém các sĩ tử bởi ai cũng mong cho con mình đỗ đạt. Còn với các sĩ tử, các em nói vui đây là giai đoạn “chạy nước rút” nên phải cố gắng bồi dưỡng, “nạp đủ năng lượng” cả về kiến thức và sức khỏe để có thể về đích an toàn. Tất cả đều đang gồng mình chạy đua với thời gian giữa những ngày hè nóng nực.

Thanh Ba

Các tin khác
Đài Điều khiển vệ tinh Quế Dương (Hà Nội) đã hoàn thành lắp đặt và sẵn sàng tiếp nhận việc điều khiển vệ tinh

Việc phóng vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của Việt Nam.

Đảng bộ phường Hồng Hà họp triển khai Nghị quyết 04 của Thành ủy Yên Bái.

YBĐT - Những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hệ thống chính trị thành phố Yên Bái từng bước được củng cố, kiện toàn, chuẩn hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tú - Bí thư Đảng bộ phường Đồng Tâm (thứ 2 từ trái sang) tiếp xúc với các đảng viên cao tuổi của địa phương.

YBĐT - Thời gian qua, Đảng bộ thành phố Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) "Về chiến lược cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước".

Một tiết mục tại liên hoan Nghi thức Đội lần thứ II, tuyên truyền măng non về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2012.

YBĐT - Với sự quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, của tổ chức đoàn, hội các cấp, công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Yên Bái đã không ngừng được củng cố, xây dựng và ngày càng phát triển, là môi trường thuận lợi để thiếu nhi thi đua học tập và rèn luyện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục