Bảo đảm quyền lợi và công bằng cho các nhà giáo
- Cập nhật: Thứ ba, 22/5/2012 | 10:11:01 AM
YBĐT - Nghị định 54/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo ra đời thực sự làm nức lòng những thầy cô đã và đang cống hiến cho sự nghiệp trồng người của đất nước. Cuộc trao đổi của YBĐT với ông Phạm Quốc Tuấn - Phó giám đốc BHXH Yên Bái xoay quanh việc triển khai Nghị định này.
Trưng bày đồ dùng đồ chơi tự tạo cấp học mầm non tỉnh Yên Bái tại Hội thi Giáo viên dạy giỏi, nấu ăn giỏi và triển lãm đồ dùng, đồ chơi tự tạo năm học 2011 - 2012. (Ảnh: Phí Đức Long)
|
P.V: Thưa ông, triển khai Nghị định 54 của Chính phủ là việc làm cần thiết, đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các nhà giáo, vậy ngành BHXH đã triển khai thực hiện nghị định này như thế nào?
Ông Phạm Quốc Tuấn: Ngay sau khi Nghị định 54 của Chính phủ và Thông tư liên bộ số 68/2011 Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo có hiệu lực thi hành, ngày 12/4/2012 BHXH tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 225 hướng dẫn việc thu BHXH, BHYT, BHTN phụ cấp thâm niên nhà giáo gửi tới UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, các cơ sở giáo dục và BHXH các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức thực hiện.
Chúng tôi xác định, đây là một qui định mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công chức, viên chức trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện yêu cầu phải đảm bảo đúng đối tượng và đúng qui định của Nhà nước.
Có một số vấn đề xin lưu ý rằng, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được tính hưởng từ ngày 1/5/2011, do vậy việc thực hiện thu BHXH, BHYT, BHTN tính trên phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thực hiện truy thu từ 1/5/2011. Về hồ sơ truy thu, các đơn vị sử dụng lao động hoàn thiện văn bản đề nghị (Mẫu D01-TS) và danh sách danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS).
Đối với người lao động, phải có Bản sao quyết định hưởng phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tương ứng với thời gian truy thu. Đối với các trường hợp nhà giáo sau khi về hưu mới có quyết định hưởng phụ cấp thâm niên thì thực hiện việc truy thu theo qui định tại khoản (2.2) điểm (2) Công văn số 1188 BHXH-CSXH ngày 6/4/2010 của BHXH Việt Nam, thủ tục hồ sơ truy thu thực hiện theo qui định tại khoản (b) điểm (4) Công văn số 225 ngày 12/4/2012 của BHXH tỉnh Yên Bái. (Các nhà giáo, đơn vị giáo dục và những ai quan tâm có thể truy cập văn bản trên trang thông tin điện tử BHXH tỉnh Yên Bái).
Giờ học môn Hóa của học sinh lớp 9, Trường PTDTNT xã Nậm Mười (Văn Chấn).
P.V: Hàng vạn thầy cô giáo đang rất quan tâm đến Nghị định 54, không ít người đang tự hỏi mình có được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước hay không. Xin đồng chí cho biết đối tượng áp dụng được qui định như thế nào?
Ông Phạm Quốc Tuấn: Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ đã nêu rõ đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp thâm niên giáo dục bao gồm: Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách Nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật).
Các đối tượng đã nêu trên phải đảm bảo điều kiện được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể là phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã ngạch là 15).
Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập (các đối tượng này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục đào tạo như đã nêu ở mục 1).
Cô và trò lớp mầm non ở thôn Háng Xê, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) trong giờ học. (Ảnh: Đức Hồng)
P.V: Thực tế cho thấy những năm trước, việc xếp lương (của một số ngành thuộc khối văn hóa xã hội) không đúng khi tham gia BHXH, BHYT dẫn đến khi giải quyết chế độ chính sách gặp rất nhiều khó khăn, xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?
Ông Phạm Quốc Tuấn: Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số đơn vị sử dụng lao động khi thực hiện chuyển xếp lương theo Nghị định 204/CP và việc nâng ngạch bậc lương, chuyển ngạch bậc lương không đúng theo quy định của Nhà nước dẫn đến tình trạng khi cơ quan BHXH tiếp nhận và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn.
Đối chiếu quy định của Nhà nước thì phát hiện đơn vị đã thực hiện sai quy định, ngành BHXH đã phối hợp và hướng dẫn đơn vị phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo thực hiện công bằng trong việc đóng và hưởng chế độ chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước hiện hành.
Thực hiện Công văn số 1808/BNV, ngày 6/8/2003 của Bộ Nội vụ qui định về việc chuyển xếp, nâng bậc, nâng ngạch lương cán bộ, công chức, viên chức, tại điểm c, mục 1 có qui định : "Nếu chuyển xếp không đúng qui định phải thực hiện việc chuyển xếp lại ngạch, bậc lương cho phù hợp với vị trí công việc và chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức và các qui định của Nhà nước, không bảo lưu chênh lệch mức lương xếp không đúng qui định của Nhà nước".
Tại điểm e qui định: "Các trường hợp quyết định sai về việc chuyển xếp lương, nâng bậc lương, nâng ngạch lương, người ký quyết định phải chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền chênh lệch đã quyết định sai và nộp vào ngân sách Nhà nước theo qui định hiện hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó".
Tại mục 2 qui định: "Trường hợp phát hiện việc xếp lương, nâng bậc, nâng ngạch lương không đúng qui định thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xếp lại lương để làm căn cứ đóng và hưởng BHXH…".
Theo quy định tại điểm a, khoản 4, mục III, Thông tư số 79/20058/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ nội vụ về việc hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định: "Trường hợp khi nâng ngạch mà chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (ngạch đang giữ trước khi nâng ngạch), thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch được bổ nhiệm (khi nâng ngạch)".
Về thực hiện chế độ tiền lương không đúng qui định của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân đã phá vỡ quan hệ tiền lương trong nội bộ từng cơ quan và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, làm mất cân đối trong việc thực hiện chính sách BHXH, tạo sự không công bằng trong chính sách tiền lương, không khuyến khích những người có thành tích trong hoạt động công vụ, nhiệm vụ và gây thắc mắc trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan BHXH là đơn vị thực hiện chính sách xã hội của Nhà nước để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động theo đúng quy định của Nhà nước; đảm bảo tính công bằng và chính xác… rất mong người dân chia sẻ với cơ quan BHXH. Qua đây cũng đề nghị đơn vị sử dụng lao động nghiêm túc thực hiện việc chuyển xếp lương theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước để chính sách pháp luật phải được thực thi công bằng và chính xác.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Lê Phiên (Thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Để các em có một mùa hè vui tươi, an toàn, bổ ích và lành mạnh, Nhà Thiếu nhi (NTN) tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tạo cho các em có điều kiện tốt nhất để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
YBĐT - Năm 2012, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái tiếp tục duy trì hoạt động 19 mô hình điểm của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
YBĐT - Ngày 21/5, huyện Văn Chấn (Yên Bái) tổ chức điểm lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2012 với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” với sự tham dự của đồng chí Ngô Thị Chinh - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ngày 21-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương đề nghị tăng cường phối hợp chỉ đạo, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012.