Những người tận tâm vì các em thơ
- Cập nhật: Thứ tư, 23/5/2012 | 3:09:46 PM
YBĐT - Là một trong những điểm trường của xã vùng cao đặc biệt khó khăn, những năm qua, đội ngũ giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) luôn nỗ lực bám trường bám lớp và duy trì sĩ số.
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu.
|
Năm học 2011 - 2012, nhà trường tuyển sinh 155 cháu ở 7 nhóm lớp, trong đó có 1 nhóm trẻ công lập, 6 lớp mẫu giáo tại trung tâm xã và 4 lớp tại 4 thôn, bản lẻ là: Kang Rông, Tà Tàu, Pá Hu, Háng Gàng. Nhà trường có chung những khó khăn đặc thù của một điểm trường nơi vùng cao như trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và trên 98% là đồng bào Mông.
Cũng bởi những hủ tục trong nếp sống, cách nghĩ đã đeo bám họ bao đời nay nên cuộc sống của người dân cứ mãi luẩn quẩn trong cái vòng đói nghèo và lạc hậu. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, việc cho con em đến trường, đến lớp học chữ không được người dân chú ý, nhất là với lứa tuổi mầm non và mẫu giáo. Do thế, nhiều học sinh bước vào lớp 1 vẫn chưa nói sõi tiếng phổ thông và chưa nhận biết được các chữ cái.
Trước những thách thức đó, chuẩn bị vào năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên phối hợp với bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản điều tra, thống kê danh sách số trẻ đến tuổi đi học của từng gia đình để vận động đồng bào cho con em đến trường bảo đảm đúng độ tuổi.
Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cho các gia đình trong việc cho con em đi học, nhà trường đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã tổ chức tuyên truyền cho nhân dân trong các buổi họp thôn, bản về lợi ích của việc đi học, nhất là đối với lứa tuổi mầm non, mẫu giáo để các cháu có những kiến thức nền tảng cơ bản khi vào lớp 1. Với đồng bào Mông, phải thật khéo léo trong cách vận động, tuyên truyền. Trước tiên, mỗi giáo viên phải là một cán bộ dân vận, có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Mông. Khi tư tưởng đã thông, cái bụng đã hiểu thì người dân sẽ nghe theo, làm theo.
Tuy nhiên, việc vận động, thông suốt cách nghĩ cho đồng bào mới chỉ là bước khởi đầu. Cô giáo Nguyễn Thị Bích - Hiệu trưởng nhà trường giãi bày, các cháu đều là con em đồng bào Mông nên khi đến lớp đều sử dụng ngôn ngữ dân tộc mình trong giao tiếp chứ không biết nói tiếng phổ thông. Để có thể dạy và giao tiếp với học sinh, bắt buộc các giáo viên cũng phải biết tiếng Mông và khi đã giao tiếp được thì mới có thể dạy các em nhận biết mặt chữ cái, học tiếng phổ thông.
Nhiều giáo viên vùng thấp lên đây công tác rất lo lắng bởi cô và trò bất đồng ngôn ngữ, cô nói trò không hiểu nên nhiều người đã phải mất khoảng thời gian khá dài để có thể giao tiếp được bằng tiếng Mông và trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Có những giáo viên không chịu nổi sự vất vả nên chỉ sau 2 - 3 năm đã xin chuyển trường. Thế là cứ giáo viên này đi, giáo viên khác về và lại phải mất một khoảng thời gian dài để quen dần với công việc.
Không chỉ vậy, việc duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần cũng thật khó khăn. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm tinh mơ, giáo viên đứng lớp đã phải đến từng gia đình gõ cửa nhắc học sinh đi học, thậm chí có lúc phải cõng cả học sinh đến lớp rồi kiêm thêm công việc của một bảo mẫu.
Những ngày nắng thì đỡ chứ ngày mưa gió thì quả là vất vả thực sự! Tại điểm trường chính còn đỡ chứ những điểm lẻ như Háng Gàng thì giáo viên phải rất nhiệt tình mới đảm đương được nhiệm vụ.
Cách điểm trường chính 20km hầu như là đi bộ nên để có đủ học sinh đến lớp, sáng nào giáo viên cũng phải dậy từ rất sớm đến các gia đình gom học sinh tới lớp, khi quay về lớp học thì cũng đã gần trưa bởi các gia đình ở xa nhau, từ nhà nọ sang nhà kia mất cả giờ đồng hồ. Nếu không nhắc thì họ lại để con tại nhà, chỉ vài buổi nghỉ học là các em sẽ không còn nhớ chút gì nữa.
Vượt qua mọi khó khăn đó, công tác dạy và học ở Trường Mầm non Hoa Phượng đã có những chuyển biến rõ rệt. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 98%, tỷ lệ chuyên cần 90%; trẻ 5 tuổi qua kiểm tra chất lượng đã cơ bản nhận biết được 29 chữ cái và 10 con số, biết kể chuyện theo tranh, thuộc những bài hát trong chương trình, kể tên những đồ dùng và con vật trong gia đình, các phương tiện giao thông và giao tiếp bằng tiếng Việt khá tốt.
Dẫu cuộc sống còn nhiều nỗi nhọc nhằn song bằng nhiệt huyết, lòng yêu nghề, những giáo viên của Trường Mầm non Hoa Phượng vẫn ngày đêm âm thầm làm tốt nhiệm vụ "trồng người", dìu dắt các em ngay từ những bước đi chập chững ở lứa tuổi mầm non.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Từ nhiều năm trước, khi chuẩn bị ra mắt xây dựng thị xã văn hóa, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã cho ra đời và thực hiện ý tưởng xây dựng con đường hoa ban. Con đường này chính là đoạn quốc lộ 32 rộng, thẳng tắp và dài khoảng 1 km từ đầu cầu ngòi Thia vào tới trung tâm thị xã.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi cửa ngõ Tây Bắc, nơi có khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều nên độ ẩm cao. Địa hình, thời tiết như vậy đã tạo cho Yên Bái nhiều kiểu rừng rừng nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới núi cao với hệ động thực vật vô cùng phong phú.
YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 – 2012, huyện Trấn Yên có 806 thí sinh đăng ký dự thi ở 3 hội đồng thi, là Trường THPT Lê Quý Đôn, Liên cấp 2-3 Trấn Yên 2 và Hội đồng thi ghép Trung tâm Giáo dục thường xuyên- Hướng nghiệp dạy nghề và phân hiệu 2 của Trường THPT Đồng Tâm.
Ở Việt Nam mỗi năm thuốc lá gây tử vong 40.000 người và ước tính con số ngày sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030.