Yên Bình xây dựng xã hội học tập
- Cập nhật: Thứ hai, 4/6/2012 | 9:34:23 AM
YBĐT - Trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc học hành của con trẻ ở huyện Yên Bình (Yên Bái) chưa được nhiều bậc cha mẹ quan tâm đầu tư, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số trường mầm non ở Yên Bình đã đưa chương trình tin học vui vào giảng dạy.
|
Kể từ khi công tác khuyến học, khuyến tài phát triển thành phong trào đến nay đã giúp Yên Bình từng bước hình thành xã hội học tập.
Có nhiều dân tộc chung sống, huyện Yên Bình có 6 xã và 28 thôn, bản đặc biệt khó khăn cùng 8 xã vùng 2 trình độ dân trí thấp. Để công tác khuyến học, khuyến tài trở thành phong trào, huyện xác định không phải là vấn đề đơn giản.
Hội Khuyến học huyện Yên Bình đã phối hợp với ngành giáo dục chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài ở từng cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn một cách sát thực, hiệu quả, thu hút được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân. Nhờ đó, công tác khuyến học, khuyến tài đã đạt những kết quả khả quan.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí hoạt động của hội khuyến học và công tác khuyến học, khuyến tài nâng cao. Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, dòng họ, gia đình hiếu học. Từ không đến có, từ những hoạt động nhỏ lẻ mang tính tự phát, đến nay, tổ chức hội khuyến học và các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở Yên Bình đã phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao.
Tất cả 26 xã, thị trấn đã thành lập hội khuyến học và trung tâm học tập cộng đồng; có 238/238 thôn, tổ nhân dân có chi hội khuyến học; 40% số cơ quan, xí nghiệp và 20% số dòng họ có ban khuyến học; 100% đơn vị trường học có chi hội khuyến học với gần 20 nghìn hội viên.
Với nhiều hình thức tổ chức phong phú và đa dạng, mỗi năm, các trung tâm học tập cộng đồng trong huyện mở từ 100 - 120 lớp bổ túc văn hóa, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hưởng thụ văn hóa và và nhiều lĩnh vực khác cho hàng chục nghìn lượt người tham gia.
Qua đó giúp người dân nâng cao hiểu biết về mọi mặt để áp dụng vào cuộc sống, lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Có sự ủng hộ nhiệt tình của các tập thể, cá nhân và nhà hảo tâm đã giúp 100% số hội khuyến học từ huyện đến cơ sở xây dựng được trên 500 triệu đồng tiền quĩ và nhiều hiện vật gồm bút, vở, cặp sách, xe đạp trị giá tương đương hàng trăm triệu đồng.
Từ nguồn quỹ khuyến học, những năm qua, đã có trên 1.000 lượt học sinh nghèo, hàng trăm thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên giành thành tích cao trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt đã được các hội khuyến học động viên, khen thưởng kịp thời.
Nhiều học sinh là con em gia đình thương binh - liệt sĩ, trẻ mồ côi được các ban, ngành, đoàn thể của huyện nhận đỡ đầu. Công tác huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng trường, lớp được quan tâm. Các cấp hội khuyến học đã huy động được gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các nhà trường xây dựng tường rào, cổng, mua sắm trang thiết bị dạy và học.
Công tác khuyến học, khuyến tài của huyện Yên Bình đã thực sự trở thành phong trào thi đua của quần chúng ở cơ sở cũng như trong từng gia đình, họ tộc, tổ dân phố, khu dân cư và mang lại hiệu quả rõ rệt. Hoạt động của các cấp hội đã khơi dậy, thúc đẩy phong trào thi đua hai tốt trong các trường học; nhận thức về việc đầu tư cho con em học tập của các bậc cha mẹ được nâng lên.
Tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp học giảm nhiều so với trước; 100% số trẻ em trong độ tuổi được huy động tới lớp đã giúp Yên Bình sớm hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở.
Đặc biệt, thông qua phong trào khuyến học, khuyến tài đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh chăm ngoan, học giỏi và nhiều gia đình, dòng họ hiếu học. Hiện Yên Bình có hơn 800 gia đình được tôn vinh là gia đình, dòng họ hiếu học.
Điển hình như gia đình ông Nông Xuân Mùi ở xã Bảo Ái, dòng họ Hoàng xã Phú Thịnh, dòng họ Nguyễn xã Hán Đà… Điều đáng nói là phong trào khuyến học, khuyến tài nay đã lan rộng đến các xã vùng cao như: Xuân Long, Cảm Nhân, Tích Cốc… và hiệu quả đem lại rất thiết thực. Kinh nghiệm từ những thành công trong công tác khuyến học ở Yên Bình cho thấy, nơi nào có sự quan tâm thì nơi đó phong trào phát triển và ngược lại.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo không chỉ dừng ở xây dựng chương trình hành động mà phát triển thành nghị quyết chuyên đề; đưa các chỉ tiêu khuyến học, khuyến tài vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của mỗi địa phương, đơn vị.
Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành liên quan lồng ghép hoạt động đồng bộ; các tiêu chuẩn, danh hiệu hiếu học được cụ thể hóa để tuyên truyền rộng rãi trong hội viên, nhân dân; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác khuyến học. Việc sử dụng nguồn quĩ khuyến học cần hợp lý đi đôi với đánh giá tổng kết các mô hình và khen thưởng kịp thời các điển hình.
Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, hướng tới mục tiêu “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học làm người”.
Đào Minh
Các tin khác
Bộ GD-ĐT cho biết, các trường hợp vi phạm quy chế thi của thí sinh và cán bộ coi thi đã được phát hiện và xử lý nghiêm túc, kịp thời. Cả nước chỉ có 8 giám thị bị đình chỉ làm công tác thi, 4 thí sinh THPT và 10 thí sinh GDTX bị đình chỉ thi.
YBĐT -Trong ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2012 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã diễn ra đảm bảo an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Không có trường hợp giám thị coi thi hay thí sinh nào bị xử lý kỷ luật và vi phạm quy chế thi.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã thực hiện được hơn 3 năm. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến 31-7-2011 cả nước đã có 7.674.716 người tham gia BHTN, chiếm trên 50% lao động có hợp đồng lao động.
YBĐT - Sáng 2/6, cùng với hơn 960 nghìn thí sinh trong cả nước, 7.907 thí sinh của tỉnh Yên Bái tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011- 2012. Trong đó có 6.644 học sinh THPT và 1.263 học sinh hệ giáo dục thường xuyên.