K200 - Niềm tự hào của các dân tộc Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/6/2012 | 2:35:13 PM

YBĐT - Chiến tranh đã đi qua, Lục Yên đổi mới từng ngày, sự thanh bình đã hiện hữu trên quê hương xứ Ngọc, những người lính của K200 ngày nào đã trở về bình lặng sống dưới mái nhà sàn ấm nồng bếp lửa.

Các cán bộ, chiến sỹ trường sơn năm xưa của Yên Bái.
Các cán bộ, chiến sỹ trường sơn năm xưa của Yên Bái.

Buổi sáng hôm ấy, một ngày thu nắng vàng rực rỡ, chúng tôi tổ chức họp mặt để nhận Kỷ niệm chương “Chiến sỹ Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh anh hùng” - một phần thưởng cao quý cho những người lính Trường Sơn năm xưa. Vui quá, tự hào quá nhưng trên nét mặt của những con người đã có hàng chục năm đội mưa bom, bão đạn, từng ngày giáp mặt với quân thù và đã trải qua bao phong sương gian khó vẫn có một cái gì man mác, bâng khuâng!

Sau khi nhận kỷ niệm chương, anh Hoàng Kim Quế ghé tai tôi thì thầm: “Giá bây giờ còn thằng Lý Hồng Miêu và bọn chúng nó... giá hai thằng Hoàng Tiến Nam, Phạm Văn Khâm tháng trước không bị ung thư....!”. Chỉ nói vậy rồi Hoàng Kim Quế im lặng, nhìn lảng đi giấu những giọt nước mắt...

Thế đấy, đồng đội chúng tôi - những người lính Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh vẫn mang trọn nghĩa tình đồng đội. Vui, buồn vẫn luôn nhớ đến nhau. Thế nhưng Đoàn quân ngày ấy trong cái ngày 20/9 của 45 năm về trước đã có hơn 200 người con của các dân tộc Lục Yên lên đường vào Nam chiến đấu từ bản Lũng, xã Tân Lập (đây là đợt giao quân lớn nhất của Lục Yên ngày đó) đến hôm nay chỉ còn hơn 60 người.

Ngày 20/9/1966, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ quốc, con em các dân tộc huyện Lục Yên nô nức ghi tên tình nguyện tòng quân lên đường đánh Mỹ. Sáng tháng 9 cỏ còn đẫm ướt sương thu, núi rừng Yên Thế vẫn mờ trong màn mây nhưng tất cả đã bừng dậy khi tiếng trống, tiếng kẻng và tiếng người gọi nhau vọng xa khắp các bản làng. Từng tốp thanh niên nam nữ lũ lượt đưa nhau về bản Lũng xã Tân Lập, nhiều bà mế sách cóng xôi, gói thịt lợn rừng ra bãi tập trung cố nhét vào ba lô cho các cậu trai làng.

Bãi tập trung giao quân toàn huyện hôm nay thật nhộn nhịp vì có đủ các chàng trai: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mường, La Chí, Hoa... của tất cả các xã từ Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mai Sơn, Mường Lai đến An Phú, Phan Thanh, Phúc Lợi, Liễu Đô, Khánh Hoà, An Lạc, Tô Mậu... Họ hăng hái tòng quân ra trận, họ tạm biệt bản làng nơi có mái nhà sàn với những bếp lửa hồng và người cha, người mế, người em, người vợ thân thương mới bén hơi nhau được dăm ngày cưới... họ ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và miền Nam đang chờ họ.

Rời quê hương Lục Yên, xe ô tô, tàu hoả đưa đoàn tân binh đến Đại Từ, Thái Nguyên - nơi luyện quân trước khi đi B (vào Nam). Sau 6 tháng rèn luyện, những chàng trai dân tộc có nước da trắng hồng, ngây ngô, bỡ ngỡ ngày nào đã trở thành những chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam rắn chắc, lực lưỡng, vững vàng tay súng sẵn sàng nhận lệnh lên đường.

Ngày 09/4/1967, tại sở chỉ huy Trung đoàn 1, Sư đoàn 250, Quân khu Việt Bắc, Trung tá, Trung đoàn trưởng Hồ Nhĩ Quang trang nghiêm nhận từ tay Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu Bằng Giang lá cờ Giải phóng (Trung đoàn nhận lệnh lên đường ra trận). Các chiến sỹ của quê hương Lục Yên được biên chế ở Tiểu đoàn 2B.

Đoàn quân đi bộ vào Nam từ  tháng 4 đến tháng 7/1967 thì vượt sông Bến Hải và đi sâu vào vùng Quảng Trị. Và từ ngày đó Tiểu đoàn 2B đã trở thành đơn vị Quân giải phóng của Quân khu Trị Thiên - Huế. Thấy các chiến sỹ của Tiểu đoàn hầu hết là người dân tộc thật thà, cần cù và có tính kỷ luật cao rất cần cho đơn vị đặc biệt đang làm nhiệm vụ bám trụ có nhiều hy sinh, gian khổ nhất, mặt trận đã đặt mật danh cho Tiểu đoàn là K200 và điều Tiểu đoàn đến T11 nhận nhiệm vụ gùi thồ chi viện cho các hướng chiến trường của Trị Thiên.

T11 nằm dưới chân đèo Ba Đỉnh (bộ đội còn gọi tên là đèo Bà Định), nơi ngọn nguồn của sông Chinh Hinh, K200 cùng một số tiểu đoàn của Trị Thiên - Huế được chia thành các Trạm: T1 đến T3,T5,T7,T9,T11,T13,T15. Địa bàn hoạt động của K200 rộng, lại luôn bị pháo hạm, pháo trên các cứ điểm Đầu Mầu, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Cam Lộ, Gio Linh bắn chặn, máy bay Mỹ rải chất độc hóa học, đánh bom liên tục ngày đêm, mặt khác địch đổ thám báo, biệt kích chặn ta ở các ngả đường, khi phát hiện hoặc nghi có quân Giải phóng là gọi pháo, máy bay bắn phá rồi đổ quân vây bắt.

Cán bộ, chiến sỹ K200 âm thầm, bí mật rải quân ngay trên các trọng điểm ra sát đường 9 để chuyển lương thực, đạn dược, khí tài thuốc men cho mặt trận Trị Thiên. Nhiều trung đội, tiểu đội của K200 vấp phải địch phục kích đã dũng cảm đánh địch đông gấp nhiều lần và hy sinh anh dũng như tiểu đội của đồng chí Lý Thông Lịnh của T15 gồm 8 chiến sỹ là người Lục Yên, 2 đồng chí ở Nghệ An, 1 đồng chí là người Tà Ôi (Thừa Thiên) khi bị địch phát hiện đã dũng cảm chiến đấu tiêu diệt được 1 tiểu đội địch.

Cay cú vì không diệt được lực lượng của ta, chúng gọi B52 đánh thẳng vào khu vực của tiểu đội. Sau đợt B52 đầu tiên, anh em rút vào một hang đá cạnh đường 9, địch phát hiện đã cho nhiều đơn vị biệt kích đánh vào quyết liệt đều bị đẩy lùi, máy bay trực thăng vừa đổ quân vừa bắn như vãi đạn cối xuống hang, ngớt bắn cối, một đại đội biệt kích nguỵ đã liều chết xông vào, bị các chiến sỹ đánh trả quyết liệt, xác giặc ngổn ngang trước hang. Không làm gì được, chúng phải dùng thủ đoạn hèn hạ cho máy bay thả hàng chục quả bom tấn, bom khoan lấp kín hang, 11 chiến sỹ đã hy sinh anh dũng.

Có thể nói vùng Quảng Trị - Thừa Thiên là chiến trường cực kỳ ác liệt và gian khổ, bom đạn ngày đêm, mùa khô thì khắc nghiệt, nắng chói chang lại thêm chất độc địch rải làm các cánh rừng chết trơ trụi, nóng như đổ lửa, mùa mưa lại dầm dề, xối xả, lở đất, lở núi, mưa Trường Sơn hàng tháng trời không dứt.

Các đơn vị chủ lực thường là “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” đó là đánh xong các chiến dịch lớn của mùa khô là rút ra miền Bắc nghỉ ngơi, luyện quân rồi mùa khô sang năm lại vào đánh. Nhưng K200 thì không có mùa mà phải bám trụ cả 2 mùa, chịu nắng, chịu mưa, chịu đói, chịu rét và ngày đêm phải đánh địch liên tục để lập chân hàng, bảo vệ hàng, đưa thương binh ra khỏi các vùng địch chiếm...
Vì vậy, K200 được mặt trận coi là đơn vị trung kiên nhất, chịu đựng gian khổ nhất. Nhiều đồng chí đói quá, mệt quá, sốt rét quá đã trút hơi thở cuối cùng bên gốc cây khi trên lưng vẫn cõng 2 hòm đạn K63...

Chiến công của K200 ngày nào, mùa nào cũng suất sắc nhưng đáng nhớ nhất là mùa mưa 1968 và mùa khô 1969. Sau cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968, địch điên cuồng đổ quân xuống các khu vực đường tuyến của Đoàn 559 vì chúng biết rằng mọi xuất phát của sức mạnh tấn công mà quân Giải phóng có được là từ đây (Quân đội tinh nhuệ, khí tài, đạn dược, lương thực đều do hậu phương lớn miền Bắc đưa vào) nên chúng đã dùng nhiều sư đoàn với hỏa lực do Mỹ chi viện tối đa đánh phá toàn tuyến đường 559 nhưng ác liệt nhất, tập trung nhất là khu vực Binh trạm 42 và 44 (Trị Thiên - Huế).

Ngày 18/4/1968 máy bay B52 liên tục ném bom rải thảm các khu vực dốc Con Mèo, A Lưới, A Sầu nhằm dọn bãi cho cuộc đổ bộ lớn. Ngày 19/4/1968, địch mở cuộc hành quân lớn. Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 Mỹ và Lữ đoàn dù số 3 của nguỵ dồn dập đổ quân xuống A Sầu, A Lưới, Đông Sơn. Ngày 24/4/1968 địch đổ thêm 8 tiểu đoàn xuống Đru Đốc.

Ngày 28/4/1968, chúng tiếp tục đổ thêm 12 tiểu đoàn Mỹ - nguỵ xuống khu vực Pa Đu, A Lưới, ngã ba Tà Lương đi Hà Tía nhằm phá kho tàng của ta và cắt đứt đường chi viện cho chiến trường Trị Thiên - Huế. Những ngày đầu, vận chuyển của ta vào hướng Trị Thiên và bắc Khu 5 đã bị tắc mất 26 ngày, ngăn chặn một số đơn vị binh khí kỹ thuật cơ động chi viện cho mặt trận Huế và gây cho các binh trạm của Đoàn 559 một số tổn thất: gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ bị thương vong, 40 ô tô, 1 số khẩu pháo, trên 1.000 tấn hàng bị phá hủy. Lúc này trên khu vực A Sầu các đơn vị bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ với trên 10.000 người hành quân vào các chiến trường phải tạm dừng trên các cánh rừng quanh tuyến, nhu cầu tiêu thụ vật chất, thuốc men rất lớn, nhiều đơn vị từ mặt trận sau Mậu Thân cũng rút lên, thương binh không vận chuyển ra tuyến ngoài được đều ùn tắc lại, cái đói đã làm các đơn vị kiệt sức.

Đứng trước tình thế cấp bách đó, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã quyết định thành lập thêm Binh trạm 43 do đồng chí Hoàng Điền làm Binh trạm trưởng, đồng chí Hồ Anh làm chính ủy, tổ chức gùi thồ từ Xưởng Giấy vào Bù Lạch. K200 là đơn vị được điều về Binh trạm 43 làm nhiệm vụ này. K200 đã không quản ngày đêm, vượt những dòng nước lũ của các con suối sau những cơn mưa như đổ nước ngầu bọt hung dữ gùi từng cân gạo cứu đói, từng gói thuốc cứu thương binh. Quân số sau khi vượt suối đã vơi dần, gạt nước mắt nhớ thương đồng đội, họ lại lầm lũi vượt dốc cao trơn nhầy nhụa, tay bám dây mây đến tuột da, đỏ máu, trên lưng họ cõng gạo nhưng họ vẫn ăn củ chuối rừng chát đắng vì gạo để dành cứu thương binh...

Nhiều đêm tối các đơn vị gùi trên lưng hơn 40kg đạn, gạo, thuốc quân y luồn qua cứ điểm Cồn Tiên, Động Ông Do, Cô Ca Ác, A Dơi..., địch bắn cối dày như vãi trấu, đi mười người thương vong hơn nửa nhưng ai cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chỉ trong 15 ngày các chiến sỹ K200 đã thương vong trên 100 người (trong đó có trên 20 người con của đất Lục Yên như: Nông Văn Cập, Tăng Văn Thăng, Hứa Kim Bích, Lương Quang Tác, Lương Quang Lai...).

Chiến tranh đã đi qua, Lục Yên đổi mới từng ngày, sự thanh bình đã hiện hữu trên quê hương xứ Ngọc, những người lính của K200 ngày nào đã trở về bình lặng sống dưới mái nhà sàn ấm nồng bếp lửa. Sau gần 40 năm tóc đã bạc, lưng đã còng, nhiều đồng đội đi đã phải chống gậy hoặc con cháu phải dìu, nhiều đồng đội đã ra đi mãi mãi vì di chứng của chiến tranh hay chất độc dioxin. Nhưng hôm nay những người còn, họ gặp lại nhau nắm tay nhau mà thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội... Bất chợt một giọng khàn khàn của ai đó ở hàng ghế các đồng đội xã Lâm Thượng đọc lên 4 câu thơ:

Bản Lũng ngày ấy ra đi
Lục Yên ơi - mãi khắc ghi trong lòng
Tự hào lính K200
Sống trung kiên, chết anh hùng vẻ vang
”.

Anh Thư

Các tin khác
Đoàn xe vận tải hùng hậu trên đường Trường Sơn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

YBĐT - Trong cuốn sử vàng chống Mỹ cứu nước đầy chiến công anh hùng của dân tộc ta, thành tích xuất sắc của bộ đội Trường Sơn nổi bật lên như một trong những chiến công tiêu biểu.

YBĐT - Cùng với những áp lực trong công việc và những mối bận tâm, lo toan về gia đình, con cái… đã khiến không ít cặp vợ chồng trẻ thường xuyên rơi vào tình trạng cẳng thẳng, mệt mỏi dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, xích mích, gây ra bạo lực gia đình (BLGĐ).

Kể từ ngày 26-7-2012, các học viện, trường đại học không được tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp, trừ các trường thuộc nhóm ngành văn hóa nghệ thuật.

Khám sàng lọc cho trẻ khuyết tật.

YBĐT - Theo số liệu báo cáo năm 2011, toàn tỉnh Yên Bái có 1.589 trẻ em dưới 16 tuổi bị khuyết tật, trong đó mức độ nặng và trung bình chiếm 8,6%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục